Xoang sàng có thể nói là hệ thống xoang phát triển sớm nhất trong cấu trúc xương và xoang. Xoang sàng bao gồm xoang sàng trước, sàng sau và sàng cả hai bên.
Xương sàng nằm ở vị trí giữa hai mắt ở phía dưới trán và bên trên của hốc mũi, trong xương sàng có 4 hang rỗng thông với nhau gọi là xoang sàng. Khi các hang rỗng bị nhiễm trùng sẽ hình thành viêm xoang sàng, người bệnh có thể bị viêm xoang sàng trước, viêm xoang sàng sau hoặc viêm xoang sàng cả 2 bên. Lúc này, các xoang không được lưu thông thường xuyên sẽ phát sinh các triệu chứng như nghẹt mũi, chảy dịch nhầy.
Xoang sàng nằm ở vị trí sâu trong hốc mắt và mũi, do đó các biểu hiện của bệnh thường không quá rõ ràng và cũng dễ gây nhầm lẫn với cảm cúm hoặc bệnh tai mũi họng thông thường. Bên cạnh đó, các triệu chứng cũng sẽ tiến triển nặng hơn nếu như người bệnh để kéo dài mà không điều trị.
Cụ thể, người bệnh có thể nhận biết viêm xoang sàng cả 2 bên thông qua một số triệu chứng như:
– Sổ mũi, hắt hơi nhiều, nhất là buổi sáng vừa mới ngủ dậy
– Đau nhức ở toàn bộ vùng đầu, mặt, mũi, đặc biệt là đau nhức ở 2 bên thái dương, hoặc đau âm ỉ vùng đầu sau gáy hoặc ở vùng đỉnh đầu
– Hôi miệng, khạc nhổ thường xuyên: Các chất dịch, mủ ở trong xoang chảy xuống họng khiến người bệnh cảm giác khó chịu, vướng víu ở cổ họng, phải khạc nhổ liên tục. Ngoài ra, dịch, mủ trong xoang cũng khiến cho hơi thở có mùi và gây hôi miệng
– Chảy dịch mũi liên tục, dịch mũi thường có màu vàng xanh hoặc nâu, mùi tanh hôi và thường đặc quánh
– Ho khan hoặc ho có đờm, đờm vướng trong cổ họng gây khó chịu, ngứa rát cổ họng, đặc biệt ho nhiều về đêm kèm theo triệu chứng khó thở. Tình trạng này nếu để lâu có thể tiến triển thành viêm họng mạn tính.
– Suy giảm thị lực, mắt yếu hơn, nhìn mờ và hay bị nhòe đặc biệt là khi thời tiết thay đổi đột ngột
– Sốt, cơ thể mệt mỏi, khó chịu
Tương tự như các bệnh viêm xoang khác, tác nhân chính gây viêm xoang sàng cả 2 bên đó là virus và vi khuẩn, đây đồng thời cũng là tác nhân gây bệnh phổ biến khác. Ngoài ra, theo các chuyên gia, một số yếu tố có khả năng hình thành bệnh bao gồm:
– Bệnh nhân có cấu tạo mũi bất thường như: Polyp ở mũi, dị dạng vách ngăn, dị dạng ở cuống mũi. Điều này khiến cho dịch mũi bị tích tụ gây bít tắc ở vùng xoang, lâu dần làm viêm nhiễm niêm mạc vùng xoang.
– Suy giảm hệ miễn dịch xuất phát từ một số bệnh lý như: Đái tháo đường, HIV/AIDS… Ở trường hợp này, bệnh thường có xu hướng diễn biến rất dai dẳng, tái phát liên tục và khó điều trị dứt điểm
– Cơ địa dễ bị dị ứng: Theo nhiều nghiên cứu chỉ ra, người bị viêm xoang dị ứng có nguy cơ mắc viêm xoang nặng hơn so với các bệnh nhân mắc bệnh do yếu tố thông thường. Tác nhân gây dị ứng ở đây có thể kể đến: Phấn hoa, lông vật nuôi, nấm mốc, nước hoa…
– Ô nhiễm không khí: Ô nhiễm không khí ở những môi trường nhiều khói bụi hay chứa nhiều hóa chất độc hại sẽ góp phần gây kích ứng mũi, gây viêm đồng thời làm tăng nguy cơ mắc viêm xoang sàng. Tình trạng này sẽ càng nghiêm trọng hơn nếu người bệnh đang bị dị ứng hoặc mắc hen suyễn.
– Lạm dụng các loại thuốc xịt mũi: Thuốc xịt mũi giúp làm sạch khoang mũi, giảm nghẹt mũi tuy nhiên cũng có thể kèm theo tác dụng phụ là làm tắc nghẽn các mạch máu trong mũi.
Mặc dù viêm xoang sàng không phải là bệnh lý gây nguy hiểm đến tính mạng, thế nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc người bệnh được tự ý chủ quan điều trị. Thực tế cho thấy, có không ít trường hợp tự mua thuốc về điều trị theo những nguồn tham khảo không đáng tin khiến bệnh chẳng những không thuyên giảm mà còn tiến triển nặng thêm.
Do đó, ngay từ khi xuất hiện những triệu chứng của bệnh, bạn cần đi thăm khám với các bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn kỹ về thể trạng sức khỏe cũng như phương án điều trị phù hợp.
Hiện nay phương án điều trị viêm xoang sàng cả 2 bên chủ yếu là sử dụng thuốc, tuy nhiên cần lưu ý không phải trường hợp nào cũng được chỉ định dùng thuốc để điều trị. Một số loại thuốc thường được sử dụng là kháng sinh trị viêm xoang, có thể kể đến amoxicillin, Clarithromycin, Doxycycline. Với các trường hợp viêm xoang có cả yếu tố dị ứng, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng thêm một số loại thuốc chống dị ứng hoặc các thuốc làm loãng dịch tiết. Lúc này, người bệnh cần đảm bảo tuân thủ tuyệt đối theo chỉ định của bác sĩ, chỉ được sử dụng những loại thuốc có tên trong đơn thuốc mà bác sĩ cung cấp, bên cạnh đó người bệnh cũng không được tự ý gia giảm liều lượng sử dụng.
Sử dụng thuốc hầu như chỉ được áp dụng trong các trường hợp viêm xoang cấp tính, với viêm xoang mạn tính hoặc khi người bệnh đã áp dụng các phương pháp nội khoa mà không mang lại hiệu quả, lúc này các bác sĩ sẽ tiến hành chẩn đoán vị trí vùng xoang sàng để quyết định biện pháp phẫu thuật phù hợp. Hình thức phẫu thuật phổ biến thường là mổ nạo vùng xoang bị viêm hoặc phẫu thuật nội soi xoang.
– Chú ý phòng tránh nhiễm trùng đường hô hấp trên, hạn chế tiếp xúc với người bị cảm lạnh, rửa tay đúng cách trước mỗi bữa ăn, chú ý giữ ấm cơ thể
– Tránh xa môi trường khói thuốc và không khí ô nhiễm góp phần làm hạn chế nguy cơ gây kích ứng
– Nếu có cơ địa mẫn cảm thì bạn cũng nên chú ý tránh các yếu tố dễ gây dị ứng đường hô hấp như: Lông động vật, phấn hoa…
– Đặt máy tạo độ ẩm trong phòng, chú ý nên vệ sinh thường xuyên cho máy
– Vệ sinh mũi cho trẻ bằng dung dịch nước muối dạng xịt hoặc dạng nhỏ, chú ý vệ sinh đúng cách, đúng liều lượng được bác sĩ chỉ định
– Không cho trẻ bơi hoặc lặn trong thời gian quá lâu bởi các hồ bơi chứa clo có thể gây kích ứng mũi và xoang của trẻ
– Tiêm chủng vắc xin viêm phổi, viêm phế cầu để ngăn ngừa các bệnh lý về đường hô hấp
– Không để trẻ tiếp xúc với người bị cảm lạnh hoặc người bị nhiễm trùng đường hô hấp
– Đưa trẻ đi khám và điều trị sớm tại các chuyên khoa Tai-Mũi-Họng
Trên đây là các thông tin về viêm xoang sàng 2 bên. Hi vọng thông qua bài viết này, các bạn đã được cung cấp những kiến thức hữu ích để phòng ngừa và điều trị bệnh, đặc biệt là trong thời gian cao điểm của viêm xoang như hiện nay.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh