Xoang là các hốc trong khu vực xương sọ được lót bởi các niêm mạc hô hấp. Các xoang bao gồm: xoang hàm, xoang trán vây quanh hốc mắt, xoang sàng trước ( nhóm xoang trước) và xoang bướm, xoang sàng sau ( nhóm xoang sau). Trong đó, xoang sàng sau là các hốc xoang có vị trí sâu trong xương sàng của hốc mũi bao gồm các hốc xoang sàng có hình dạng như tổ ong và có lỗ thông nhỏ ra mũi.
Viêm hốc xoang sàng sau là tình trạng viêm xảy ra ở các hốc xoang sàng sau trên mặt. Tương tự như các vị trí khác, xoang sàng sau rất dễ bị viêm và gây ra nhiều triệu chứng khó chịu, ảnh hưởng tới sinh hoạt thường ngày của bệnh nhân nếu mắc phải.
Viêm xoang nói chung và viêm hốc xoang sàng sau nói riêng về căn bản đều do vi khuẩn hoặc nấm gây hình thành các ổ viêm tại các hốc xoang. Các tác nhân gây bệnh này sẽ dễ tấn công hơn nếu có các yếu tố cộng hưởng dưới đây:
Viêm xoang do cơ địa thường xảy ra với những người có sức đề kháng kém, đặc biệt là với đối tượng người cao tuổi, trẻ nhỏ và phụ nữ trong thai kỳ. Ngoài ra, ở một số người có cơ địa đặc biệt dễ dị ứng mũi cũng có tỷ lệ mắc xoang cao hơn nếu tình trạng viêm mũi dị ứng không được cải thiện và trở thành mạn tính.
Đây là tác nhân gây ra bệnh xoang cho nhiều người. Thông thường khi thời tiết chuyển lạnh đột ngột khiến cơ thể không kịp thích nghi sẽ dẫn đến tình trạng hệ miễn dịch bị rối loạn. Thêm vào đó khi hoạt động trong thời tiết lạnh ( làm việc ngoài trời, di chuyển…) nếu không giữ ấm vùng mặt, mũi sẽ rất dễ bị viêm xoang. Chính bởi những điều này mà về mùa đông, tỷ lệ người bị viêm xoang cao hơn rất nhiều mùa hè.
Nếu như trước kia thời tiết thay đổi là nguyên nhân chính của hầu hết trường hợp viêm xoang thì nay tình trạng ô nhiễm cũng là một nguyên nhân phổ biến gây viêm xoang. Bụi mịn, khí thải,….. xâm nhập vào các hốc xoang thông qua đường mũi dễ dàng gây nên tình trạng viêm nhiễm.
Các bệnh lý về tai mũi họng, trong đó có viêm mũi, viêm amidan, viêm họng, viêm tai trong, viêm tai giữa,… không được điều trị dẫn tới mạn tính là một trong những nguyên nhân gây viêm xoang và đặc biệt là viêm hốc xoang sàng sau. Do cấu trúc tai mũi họng thông nhau, chính vì thế tình trạng viêm nhiễm có thể lây lan qua các bộ phận.
Bên cạnh những nguyên nhân trên thì cấu trúc của hốc xoang sàng sau là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ người bệnh gặp xoang sàng khá lớn. Xoang sàng thông với mũi bằng một ống rất nhỏ, chính vì thế khi tình trạng viêm ứ đọng dịch mủ có thể xâm lấn và tích tụ trong hốc xoang sàng sau nhưng rất khó để thoát ra ngoài. Bởi vậy mà xoang sàng sau dễ bị nhưng điều trị cũng rất khó khăn.
Viêm hốc xoang sàng sau cũng có các triệu chứng như nghẹt mũi, sổ mũi, mủ mũi vàng,…. rất dễ gây nhầm lẫn với viêm mũi thông thường và các triệu chứng của các bệnh đường hô hấp khác. Tuy nhiên trong giai đoạn ủ bệnh, viêm hốc xoang sàng sau thường có các triệu chứng điển hình như:
Các cơn nhức đầu thường xuất hiện ở các vị trí đỉnh đầu, vùng sau gáy hoặc hai bên thái dương. Các cơn nhức đầu rõ nhất là khi thời tiết chuyển lạnh đột ngột hoặc trong những thời điểm giao mùa.
Khi mới viêm xoang sàng sau, dịch mũi có thể trong suốt. Bởi vậy rất nhiều người nhầm lẫn với viêm mũi dị ứng thông thường. Khi ổ viêm tiến triển, màu sắc dịch nhày cũng thay đổi chuyển sang mủ trắng, vàng và xanh kèm theo mùi hôi tanh. Thay vì chảy ra dịch theo đường mũi, các mủ viêm của xoang sàng sau có xu hướng chảy xuống cổ họng tạo nên hiện tượng vướng cổ và đờm.
Tắc mũi và ngạt mũi là dấu hiệu chung cho các bệnh lý viêm xoang. Nguyên nhân do các dịch mủ của hốc xoang chảy xuống làm tắc nghẹt mũi và gây khó thở, điếc mũi. Đặc biệt khi nằm, người bệnh có xu hướng thở miệng hoặc kê cao đầu để cảm giác dễ thở hơn.
Viêm xoang sàng sau có nguy hiểm không là câu hỏi nhiều người băn khoăn. Viêm xoang không chỉ gây khó chịu trong sinh hoạt hàng ngày mà còn gây ra nhiều tổn hại về sức khỏe.
– Người bệnh luôn trong trạng thái đường thở bị tắc nghẹt do hốc xoang sưng nề và mủ dịch ứ đọng.
– Gây ra tình trạng đau nhức đầu.
– Gây ho và ngứa cổ họng, có thể tiến triển gây viêm họng và các bệnh lý tai mũi họng khác.
Ngoài những ảnh hưởng trực tiếp trên, viêm hốc xoang sàng sau còn gây ra một loạt những biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời:
– Suy giảm thị lực
Do vị trí đặc thù của các hốc xoang sàng sau rất gần mắt. Chính bởi thế viêm hốc xoang sàng sau không điều trị sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp tới mắt và khả năng thị lực của bệnh nhân. Mắt có thể bị suy giảm thị lực, mờ tạm thời. Một số trường hợp mắt bị sưng nóng, đau rát và thậm chí có thể dẫn tới mù lòa.
– Biến chứng áp xe não và viêm màng não
Đây là một trong những biến chứng nguy hiểm do viêm xoang sàng phía sau mạn tính gây ra. Các dịch viêm có thể bám chặt lấy các dây thần kinh, gián tiếp gây ra tác động lên vỏ não và màng não khiến hình thành ổ áp xe, biến chứng viêm màng não và có thể liệt não hoàn toàn.
– Biến chứng viêm tắc tĩnh mạch hang
Viêm tắc tĩnh mạch hang là biến chứng nguy hiểm nhất gây ra bởi viêm xoang sàng phía sau. Khi chuyển biến chứng này, các triệu chứng sẽ xuất hiện liên tục như sốt cao, nhức đầu, nhãn cầu lồ, rét run,… và chuyển biến nguy kịch rất nhanh nếu không được cấp cứu kịp thời.
Viêm xoang sàng sau có thể điều trị khỏi hoàn toàn tuy nhiên cần kiên trì và nhiều thời gian. Chính bởi thế, các tốt nhất là khi có các biểu hiện bất thường về hô hấp hãy đi kiểm tra bác sĩ để chẩn đoán nguyên nhân.
Bên cạnh các biểu hiện lâm sàng, bệnh nhân cần thực hiện các xét nghiệm dịch mũi xoang, chụp X Quang, chụp CT để đánh giá tình trạng xoang. Từ đó, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất.
Với viêm hốc xoang sàng sau, tùy thuộc tình trạng và nguyên nhân gây viêm xoang chính thức mà bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị riêng. Một số biện pháp điều trị bệnh:
– Điều trị nội khoa
Điều trị nội khoa sử dụng thuốc để làm giảm các triệu chứng gây ra bởi viêm xoang như chảy nước mũi, đau nhức, nhức đầu,…… đồng thời giảm và hạn chế ổ viêm tiến triển.
– Điều trị ngoại khoa
Điều trị ngoại khoa bằng phương pháp phẫu thuật nội soi mũi xoang được thực hiện khi ổ xoang quá lớn và có thể tiến triển nhiều biến chứng, đặc biệt với các ổ viêm xoang do nấm xâm lấn hoặc có xuất hiện các polyp.
Viêm hốc xoang sàng sau nói riêng và viêm xoang nói chung sau điều trị hoàn toàn có thể tái phát. Chính vì thế việc phòng ngừa là rất quan trọng. Để phòng viêm xoang, cần:
– Tránh tiếp xúc với các môi trường ô nhiễm hoặc đeo trang bị bảo hộ (khẩu trang, mũ trùm,…) khi làm việc hoặc di chuyển trong các môi trường nhiều khói bụi độc hại.
– Thực hiện vệ sinh mũi bằng dung dịch nước muối sinh lý hàng ngày.
– Luôn giữ ấm cơ thể và vùng mũi khi trời lạnh.
– Hạn chế thói quen đưa tay lên mũi để tránh vi khuẩn, vi trùng thâm nhập.
– Bổ sung dinh dưỡng, thể dục thể thao thường xuyên để chủ động nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.
– Thực hiện thăm khám tai mũi họng định kỳ để theo dõi sức khỏe thường xuyên.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh