Các cặp đôi tìm đến tôi với mục đích cải thiện khả năng tương tác của họ, hay ít ra đó là điều họ tưởng ban đầu. Trở ngại thực chất họ gặp phải lại là kỹ năng lắng nghe đối phương.
Nếu nhìn nhận một cách khách quan, chúng ta phải thừa nhận rằng chẳng mấy ai trong chúng ta thật sự biết lắng nghe. Chúng ta không biết (hay không được dạy) làm sao có thể lắng nghe người khác, làm sao có thể lắng nghe họ như lắng nghe chính tâm khảm của mình để rồi cả hai bên đều cảm thấy được thấu hiểu, được yêu thương. Chúng ta có lắng nghe nhưng từ lý trí chứ không phải từ trái tim mình. Trong khi đó được lắng nghe thấu hiểu lại chính lại là thứ mỗi con người khát khao, cần đến.
Nếu có một yếu tố có thể quyết định mức độ bền chặt, gắn kết ở một mối quan hệ thì đó chỉ có thể là lắng nghe, yếu tố vốn dĩ khiến cho người trong cuộc cảm thấy mình được thấu hiểu, sẻ chia, đồng cảm. Các cặp đôi có khả năng lắng nghe đối phương của mình thường đi đến sự đồng thuận, ngược lại thường sẽ chỉ còn tan rã. Xét cho cùng, ở một mức độ nào đó, chúng ta chỉ có thể cảm thấy được tình yêu khi chúng ta cảm thấy mình được dõi theo, thấu hiểu.
Gần đây nhất, tôi có một buổi gặp mặt với Jon và Joan (tên nhân vật đã được thay đổi). Joan bắt đầu bằng cách nói về cảm giác rằng cô chưa bao giờ thực sự được Jon quan tâm đến, được lắng nghe tiếp nhận mà không bị chen ngang, không kèm theo giải pháp, đánh giá, phản bác hay công kích. Cô mô tả sự vắng mặt, miễn cưỡng đồng hành của Jon, hay thiếu mất đi sự cảm thông nơi anh trước những gì cô phải trải qua để rồi không lúc nào anh không kèm theo những cách thức cô cần làm gì, tác động sao đến chúng. Jon đáp trả rằng mong đợi từ anh lòng cảm thông, thương cảm chỉ là hoài công vô ích. Rằng yêu cầu của cô trong mắt anh quá đỗi phi lý bởi lẽ người chồng không có trách nhiệm phải ngồi lắng nghe trong im lặng về những gì vợ mình không có được trong quan hệ lứa đôi trong khi đó anh ta lại chẳng thể biện hộ, trình bày quan điểm cá nhân, giãi bày những lời giải thích. Sau đó Jon bảo với vợ mình những gì cô ta muốn (dù cô ta có nhận thức được điều đó hay không) chẳng qua cũng chỉ là kiểm soát mối quan hệ, kiểm soát cách thức tương tác, và dĩ nhiên, kiểm soát cả anh ta. Chẳng hề quan tâm, cân nhắc đến lời chồng mình vừa nãy, Joan tiếp tục nói về nỗi niềm khao khát được lắng nghe một cách cởi mở, không bị chỉ trích. Để đáp lại, lần này Jon chỉ ra cho vợ mình thấy rằng những gì cô ta trải qua, cảm thấy có chăng cũng chỉ là hiểu lầm, sai sót, rằng thực tế anh đã lắng nghe cô dù rằng cô có thể không để ý đến, rằng có lẽ cô nên nhìn nhận lại bản thân mình vì đâu đã không nhận ra lòng tốt, tình yêu mà anh dành cho cô. Một lần nữa, Joan lặp lại ước muốn, khát vọng của cô tựa hồ như cô đã chuẩn bị và đọc trọn một bài thuyết diễn từ trước vậy. Để rồi cuối cùng, sự phản đối của Jon lại hướng về nỗi cô đơn mà anh cảm thấy trong mối quan hệ này cũng như Joan đã không thực sự nghe những gì quan trọng, ý nghĩa đối với bản thân anh ra sao.
Chính từ đây, chúng ta bắt đầu công việc: cần lắng nghe như thế nào.
Vấn đề giữa Joan và Jon không thuộc về bất kì một giới tính riêng biệt hay đại diện cụ thể cho bất cứ mối quan hệ tình cảm nào. Điều cặp đôi phải đối mặt là trở ngại của tất thảy mọi người, rằng chúng ta liên tục chối từ những trải nghiệm xúc cảm, nghĩ suy của người khác. Đó lại là điều chúng ta được dạy để làm. Dõi theo những gì Joan chia sẻ ngày đó, tôi như trông thấy một máy bay tuyệt vọng tìm cách để hạ cánh. Bị chối từ bởi mọi đài kiểm soát không lưu, cô phải trải qua trong tình trạng nổi trôi, không liên lạc được, không thể tiếp cận, không nơi để hạ cánh, không nhà để về, chẳng nơi nào xác nhận sự tồn tại của cô.
Chúng ta cứ từng ngày trải qua như thế, bị bỏ mặc trong chính trải nghiệm cô độc riêng mình để rồi tự tìm cách dựng lại bản thân, tự tìm lấy cho bản thân con đường giải thoát. Ngày hôm qua tôi vừa kết thúc một buổi gặp mặt, điều trị đầy thử thách cũng như xót xa, đau lòng. Trở về nhà, mang theo nơi mình bao nỗi tơ vò, những cảm xúc không lời chất ngất chưa kịp giải quyết, tôi lại đối diện với những lời phàn nàn của người trông trẻ. Trước cả khi tôi kịp buông chìa khóa xuống, cô đã trút sự bực bội lên tôi vì rằng con gái tôi không chịu ăn món pasta của cô ấy. Và cứ như thế, những gì tôi trải qua ngay trước đó, thứ mà tôi cố gắng tự giải quyết gỡ rối một mình, phải bị đặt sang một bên để thích ứng và giải quyết tình huống mới ở nhà ngay lập tức. Cuộc sống luôn làm thế với chúng ta, đòi hỏi tâm trí ta cần liên tục chuyển hướng từ vấn đề này sang vấn đề khác mà chẳng cho lấy thời gian để thông suốt, có lẽ vì vậy mà được dừng lại hay sự quan tâm, chú ý chính là thứ mà ta khao khát, thứ ta cần.
Thông thường dưới tác động bên ngoài, chúng ta mặc định rằng nên bộc bạch vấn đề của mình với người khác thông qua câu hỏi “Tôi nên làm gì với nó?” như một cách đặt họ vào vị thế của mình (và vì thế hòng nhận được sự lắng nghe của họ). Thế nhưng trong đa số trường hợp, chúng ta chẳng thật sự muốn biết họ nghĩ ta nên giải quyết vấn đề ấy ra sao, làm thế nào để sửa chữa nó, liệu rằng có trở ngại gì bắt nguồn từ bản thân ta hay không, vì sao ta không nên nghĩ như thế này cảm thấy như thế kia, hay rất nhiều điều khác. Dường như chúng ta đã suy ngẫm, cân nhắc quá đủ với hằng hà sa các đề xuất mang tính xây dựng, thông tuệ từ người khác cũng như từ chính bản thân mình về việc nên làm gì với khó khăn và vì sao nên làm thế. Vốn dĩ ngay trong thâm tâm chúng ta đã biết rõ cả rồi. Thế nên vấn đề thật sự ở đây nằm ở chỗ: việc ta đang đòi hỏi đã không xuất phát từ điều ta thật sự muốn mà là điều ta được dạy cần đòi hỏi thế nào cho phải lẽ, đúng chuẩn mực. Chúng ta thường chẳng hi vọng mấy về một phương thức có thể giải quyết gọn gẽ vấn đề mình đang đối mặt. Cái mà ta muốn chỉ đơn thuần là vấn đề ấy được chú ý, được lắng nghe, được thấu hiểu và chia sẻ. Ta muốn một ai đó có thể biết được rằng vấn đề ấy đối với ta như thế nào trong khoảnh khắc đó, trong cuộc sống này; một ai đó có thể đồng hành cùng ta trên chặng đường đối diện bản chất của vấn đề mà không quá nhiều lời minh triết. Ta muốn chặng đường ấy phải như lẽ dĩ nhiên của chính nó, chẳng bị biến hóa thành điều gì.
Điều khó khăn nhất ở đời (hay một trong rất nhiều điều khó khăn nhất) là lắng nghe người ta yêu thương, quan tâm đến (thậm chí cũng có thể là người ta chẳng mảy may để ý), nói chuyện về vấn đề khó khăn, đau lòng của họ mà không được động tay giúp đỡ, đề xuất giải pháp hay cố gắng sửa chữa gì. Điều khó khăn thứ hai (thứ tự này chẳng hề bắt buộc, hay nhất thiết) là lắng nghe người khác giãi bày vấn đề mà họ (hay chính chúng ta) tin là ta chịu trách nhiệm phần nào nhưng không được bao biện, bào chữa cho bản thân ta. Cuối cùng là lắng nghe ai đó nói về vấn đề họ phải đối mặt mà ở đó ta tin rằng họ là nguyên nhân song ta cần tránh không thuyết phục họ phải chịu trách nhiệm về nó.
Trái ngược với những cảm thức thông thường, bằng việc trao cho người khác nỗ lực thấu hiểu trước những gì họ đang trải cũng như sự ích kỉ vừa đủ để có thể nhường lại cho họ chiêm nghiệm hãy còn dang dở, chúng ta đã tặng họ món quà quí giá nhất- trải nghiệm chín mùi- dẫu có vẻ giản đơn nhưng lại chẳng hề dễ dàng để thực hiện. Chúng ta có thể nghĩ rằng điều ta mang lại chẳng thấm tháp, nghĩa lý là bao nhưng thực chất, với họ, với người không thể nói ra điều mình muốn, đó lại là hết thảy những gì quí giá nhất. Bằng cách chẳng làm gì (nhưng chủ động chú tâm vào lắng nghe), chúng ta đã tạo cơ hội để người khác được đào sâu chính họ, giúp họ tạo ra và duy trì một khoảng không vừa đủ cho cả đôi bên để họ giải quyết vấn đề riêng (những giải pháp mà thường hiếm khi người ngoài hiểu hết được). Cuộc đời từng trải, muôn hình vạn trạng dạy người ta cần biết tin vào sự biến đổi mạnh mẽ và khả năng hàn gắn của việc đồng hành qua chông gai. Với nỗ lực, lòng can đảm để không làm gì tác động hay ảnh hưởng đến khó khăn, chông gai, trải nghiệm người khác, chúng ta đang để lại ảnh hưởng lớn lao nhất so với hết thảy.
Bên cạnh đó, có thể rất khó khăn để đừng bao biện bản thân, phản bác người đối diện khi ta cảm thấy mình đang bị đổ lỗi song chỉ cần đơn thuần đồng hành, tìm hiểu nguồn gốc không hài lòng nơi họ, ta khiến mình như kẻ yêu thương vô điều kiện, kẻ sẵn sàng và đủ can đảm để thấu hiểu vấn đề của người khác (ngay cả khi vấn đề đó liên quan đến ta). Làm như vậy, mặc dù quá trình ta tiếp cận tìm hiểu, thấu suốt chỉ độc tổn thương, ta lại trở thành người không còn đáng để đổ tội, người yêu kẻ khác đủ sâu đậm để đặt cái tôi sang một bên mà thay vào đó lắng nghe thấu hiểu được đặt lên trước hết. Theo cách lý giải này, có thể sẽ rất khó khăn, đầy thử thách khi tập luyện nhưng thực chất chúng ta đạt được nhiều hơn nhờ vào sự lắng nghe sâu sắc, cởi mở thay vì chỉ chăm chăm bảo vệ cái tôi của mình. Lắng nghe chính là bào chữa, che chắn vì lẽ đó.
Cuối cùng, khi ta có thể lắng nghe vấn đề của người khác không phán xét kể cả ta tin rằng họ cần chịu trách nhiệm cho vấn đề họ kể lể mô tả, họ sẽ khơi gợi nên trong ta lòng cảm thông, đồng cảm- điều này làm tăng khả năng rằng họ sẽ dần nhận thức được vai trò của chính mình trước khó khăn, rắc rối. Chỉ ra trách nhiệm người khác hay buộc tội họ, ngược lại, chỉ khiến cho sự phản kháng bào chữa bản thân nơi họ tăng theo đồng thời làm giảm đi khả năng họ nhận ra, chịu trách nhiệm trước vấn đề. Nếu mục đích của ta là để giúp người khác nhận ra mình thì cởi mở lắng nghe không phán xét chính là hình thức tốt nhất nhằm đạt được điều đó. Khiến người khác cảm thấy họ được yêu thương thông qua sự chú tâm, hết lòng nghe những gì họ bộc bạch là cách duy nhất tạo ra được một không gian mở, an toàn mà ở đó họ có thể dần nhận lấy trách nhiệm mà ta mong đợi nơi họ.
Tất cả chúng ta ai cũng khao khát muốn trải nghiệm, khó khăn của mình được sẻ chia, lắng nghe, thấu hiểu, được quan tâm tới. Nhưng ta cũng bị buộc phải tin rằng lắng nghe là thụ động và để giúp đỡ người khác thì hành động là điều hiển nhiên, hành động ấy bao gồm như đưa ra lời khuyên, đề xuất, và làm cho vấn đề của người khác được trở nên tốt hơn. Điều ta không biết (bởi lẽ ta chẳng hề được dạy) rằng lắng nghe chân thành, tự nguyện đồng hành lại là sự chủ động, hàn gắn đối với người khác- một “hành động” cao hơn hết thảy kèm theo rất nhiều kết quả bất ngờ. Thú vị ở chỗ, sự có mặt của ta vốn dĩ đã mạnh hơn, có ý nghĩa hơn bất kì điều gì ta có thể làm cho người khác.
Lần sau khi bạn lắng nghe người khác, hãy xem nó như thế nào khi bạn chỉ hiện diện ở đó, chỉ lắng nghe đơn thuần, không đưa ra bất kì đề xuất nào về việc người khác sống ra sao hay cần thay đổi sửa chữa điều gì. Xem xem liệu rằng bạn có thể đơn thuần đi cùng với những trải nghiệm, vấn đề của người khác, cảm thấy ra sao khi đặt mình sống trong cùng hoàn cảnh với họ. Lần tới khi bạn sẻ chia, nếu bạn thấy mình bị ngợp trong quá nhiều ý tưởng nên làm gì với vấn đề mình đang đối mặt, tại sao mình lại phải đối mặt với nó, chỉ cần nhẹ nhàng lịch sự hỏi người đối diện liệu rằng họ có thể lắng nghe mà không kèm những nhận định đề xuất hay chăng, rằng họ có thể chỉ đồng hành cùng bạn trên trải nghiệm, khó khăn bạn đang mô tả.
Đó dẫu rằng có thể bị xem là một đề nghị dị thường, nhưng nếu một người thật sự trao cho bạn được nó thì những bất tiện khi đòi hỏi cũng sẽ là đáng giá. Để ý đến cách bạn cảm nhận ra sao khi được lắng nghe thấu hiểu theo cách thức như thế này. Chúng ta cần học lại từ đầu thế nào là giúp đỡ, chúng ta thật sự cần gì muốn gì ở người khác cũng như đâu là điều ta khao khát, kiếm tìm. Chúng ta cần nhận ra và sẻ chia khát khao thật sự nơi mình, để được hiểu thấu được lắng nghe mà không bị sửa chữa.
Xét cho cùng, cốt lõi của mọi thứ lại chính là tình yêu thương.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh