Hiện nay có một từ gần như nỗi ám ảnh của bạn trẻ là “overthinking,” một hoạt động nhận thức không chủ ý của một người suy nghĩ, lo lắng hoặc một ký ức tái hiện quá mức và lặp đi lặp lại. Nó có thể bao gồm việc suy ngẫm về quá khứ, dự đoán các sự kiện trong tương lai hoặc phân tích tình huống một cách chi tiết một cách ám ảnh. “Overthinking” có thể xem như một hiện tượng “racing thoughts”, hiện tượng mà các ý nghĩ xuất hiện liên tục, chuyển động nhanh chóng và đôi khi khó kiểm soát mà chúng ta có thể dịch là loạn tưởng.
Theo định nghĩa, loạn tưởng được đặc trưng bởi sự xuất hiện của các ý nghĩ liên tiếp với tốc độ cao, thường khiến người trải nghiệm cảm thấy choáng ngợp và mất kiểm soát. Các ý nghĩ có thể chuyển từ chủ đề này sang chủ đề khác một cách đột ngột, không có mối liên hệ rõ ràng, hoặc có thể xoay quanh một chủ đề hay nỗi lo lắng cụ thể. Nội dung của những ý nghĩ này có thể mang tính chất tích cực, tiêu cực hoặc trung tính, tùy thuộc vào trạng thái tâm lý và hoàn cảnh của từng cá nhân.
Các nguyên nhân gây ra hiện tượng loạn tưởng rất đa dạng, bao gồm cả các yếu tố liên quan đến sức khỏe tâm thần và thể chất. Trong các rối loạn tâm thần như rối loạn lo âu; rối loạn lưỡng cực, đặc biệt là trong các giai đoạn hưng cảm hoặc bán hưng cảm (Weiner et al., 2019; Polgári et al., 2021); rối loạn tăng động giảm chú ý (Martz, 2023; Martz et al., 2021); và rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD); loạn tưởng thường được ghi nhận là một triệu chứng điển hình. Bên cạnh đó, các yếu tố như căng thẳng, lo âu, thiếu ngủ, sử dụng chất kích thích, như caffeine chẳng hạn, và các tình trạng y khoa như cường giáp cũng có thể góp phần kích thích sự bùng phát của các ý nghĩ dồn dập tán loạn. Các triệu chứng đi kèm có thể bao gồm cảm giác choáng ngợp bởi các ý nghĩ, khó kiểm soát, chuyển từ chủ đề này sang chủ đề khác, cảm giác bồn chồn, khó tập trung và rối loạn giấc ngủ.
Từ góc độ nghiên cứu lâm sàng, loạn tưởng được xem là một triệu chứng quan trọng trong các rối loạn tâm trạng [mood disorders], đặc biệt là trong rối loạn lưỡng cực và trầm cảm đơn cực và việc xuất hiện loạn tưởng đôi khi làm mờ đi ranh giới giữa hai loại rối loạn này (Benazzi, 2005; Stanton et al., 2018). Trong các giai đoạn hưng cảm hoặc bán hưng cảm của rối loạn lưỡng cực, hiện tượng này thường được mô tả là “lưu chuyển và dễ chịu” [fluid and pleasant]; ngược lại, trong các giai đoạn trầm cảm, loạn tưởng lại trở nên “ngột ngạt và khó chịu” [crowded and distressing]. Nhiều nghiên cứu (Keizer et al., 2013; Piguet et al., 2010; Bertschy et al., 2020) đã nhấn mạnh tính chất phức tạp của hiện tượng này, khi nó không chỉ liên quan đến các quá trình nhận thức mà còn liên quan mật thiết đến các trạng thái cảm xúc của người bệnh. DSM-5 cũng ghi nhận loạn tưởng là một tiêu chí quan trọng trong chẩn đoán các giai đoạn hưng cảm của rối loạn lưỡng cực, điều này cho thấy tầm quan trọng lâm sàng của triệu chứng này.
Về cơ sở sinh học, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng sự rối loạn chức năng của một số vùng não, đặc biệt là vùng vỏ não cực trước [frontopolar cortex] – có vai trò quan trọng trong việc quản lý đa nhiệm và điều tiết các ý nghĩ – có thể góp phần gây ra hiện tượng loạn tưởng (Arjmand et al., 2019). Các công cụ đánh giá như “Racing and Crowded Thoughts Questionnaire” (RCTQ) (Weiner et al., 2018) đã được sử dụng để đo lường hiện tượng này, giúp các nhà nghiên cứu hiểu rõ hơn về bản chất và tác động của các ý nghĩ nhanh đối với cuộc sống hàng ngày cũng như nguy cơ liên quan đến các tình trạng như ý định tự sát và kích động tâm lý (Benazzi, 2004; Sani et al., 2011).
Thiền định và các liệu pháp tâm-thể, đặc biệt là các can thiệp dựa trên chánh niệm, đã xuất hiện như những phương pháp hiệu quả để kiểm soát loạn tưởng, một triệu chứng thường liên quan đến nhiều rối loạn tâm lý khác nhau như đã kể ở trên. Các tài liệu nghiên cứu chỉ ra rằng liệu pháp nhận thức dựa trên chánh niệm (Mindfulness-Based Cognitive Therapy - MBCT), chẳng hạn, và các phương pháp thực hành liên quan có thể làm giảm đáng kể tần suất và cường độ của loạn tưởng bằng cách thúc đẩy nhận thức và chấp nhận bình thản các hoạt động suy nghĩ.
MBCT đã được chứng minh là việc nâng cao nhận thức về nhận thức và siêu nhận thức giúp các cá nhân quản lý tốt hơn suy nghĩ và cảm xúc của họ. Ví dụ, Khadem (2023) nhấn mạnh rằng MBCT làm tăng khả năng kiểm soát và theo dõi suy nghĩ của các cá nhân, điều này rất quan trọng đối với những người đang trải qua loạn tưởng. Điều này phù hợp với các phát hiện của Fiddaroini và cộng sự (2020) khi cho rằng các can thiệp chánh niệm có thể dẫn đến việc giảm thiểu đáng kể các căng thẳng tâm lý, bao gồm các triệu chứng lo âu và trầm cảm, thường đi kèm với loạn tưởng. Hơn nữa, đánh giá hệ thống của Goldberg và cộng sự (2018) ủng hộ hiệu quả của các can thiệp dựa trên chánh niệm trong điều trị các rối loạn tâm thần khác nhau, nhấn mạnh vai trò của chúng trong việc giảm suy nghĩ tự động tiêu cực và nâng cao sức khỏe tâm lý tổng thể.
Cơ chế mà chánh niệm ảnh hưởng đến loạn tưởng liên quan đến sự thay đổi trong cách các cá nhân nhận thức và tương tác với suy nghĩ của họ. Keyworth và cộng sự (2014) mô tả chánh niệm như một can thiệp hành vi "làn sóng thứ ba" tập trung vào việc thay đổi chức năng của suy nghĩ hơn là nội dung của chúng, điều này có thể giúp các cá nhân xem loạn tưởng như những sự kiện tâm thần tạm thời thay vì phản ánh chân lý hay thực tại. Quan điểm này được Zoysa (2010) tán đồng, khi ông ta cho rằng các thực hành chánh niệm khuyến khích chấp nhận những trải nghiệm tiêu cực và giảm xu hướng ngẫm nghĩ về những ý tưởng gây đau khổ. Sự chấp nhận như thế rất quan trọng đối với những người đang vật lộn với loạn tưởng, vì nó cho phép họ tách rời khỏi sự cấp bách và đau khổ thường đi kèm với các mô hình nhận thức này.
Hơn nữa, việc tích hợp các thực hành tập trung vào lòng từ bi trong các can thiệp chánh niệm đã được chứng minh giúp tăng thêm hiệu quả của chúng. Hofmann và cộng sự (2011) cho rằng từ bi trong thiền tập có thể thúc đẩy khả năng phục hồi tâm lý và giảm đau khổ cảm xúc, điều này có thể đặc biệt có lợi cho những người đang trải qua loạn tưởng. Điều này được ủng hộ bởi các phát hiện từ Shabani và cộng sự (2019), những người chứng minh rằng các can thiệp dựa trên chánh niệm có thể làm giảm đáng kể sự ám ảnh bởi suy nghĩ, một quá trình nhận thức có liên quan chặt chẽ đến loạn tưởng.
Ngoài chánh niệm, các liệu pháp tâm- thể kết hợp nhận thức và cảm giác của cơ thể cũng mang lại hiệu quả trong việc giải quyết loạn tưởng. Những phương pháp này khuyến khích các cá nhân kết nối với trải nghiệm cơ thể của họ, điều này có thể giúp họ chú tâm và giảm sự hỗn loạn tâm trí liên quan đến loạn tưởng. Việc thực hành thiền chánh niệm, như Dimidjian & Segal (2015) đã lưu ý, thúc đẩy một thái độ bình thản không phản ứng [nonreactive] có thể giúp các cá nhân phân biệt giữa suy nghĩ, cảm giác và cảm xúc, cuối cùng dẫn đến giảm quá tải nhận thức.
Hiện tượng loạn tưởng bản thân không phải là một bệnh, mà là một triệu chứng đa diện, liên quan chặt chẽ đến cả yếu tố nhận thức lẫn cảm xúc và có thể xuất hiện trong nhiều tình trạng sức khỏe tâm thần cũng như thể chất. Dù có nguồn gốc đa dạng, các triệu chứng này đều tạo ra cảm giác bồn chồn và bất lực, ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống của người có triệu chứng này. Trong bối cảnh điều trị, thực hành thiền tập và các can thiệp tâm-thể đã được chứng minh là một giải pháp khả thi, giúp người thực hành lấy lại sự cân bằng. Việc kiểm soát dòng ý nghĩ và giảm bớt các triệu chứng khó chịu. cả thiền định và liệu pháp tâm lý thể chất, đặc biệt là những phương pháp dựa trên chánh niệm, đều mang lại những can thiệp đầy hứa hẹn để kiểm soát loạn tưởng. Bằng cách nâng cao nhận thức về nhận thức, thúc đẩy sự chấp nhận và nuôi dưỡng khả năng phục hồi cảm xúc, những phương pháp này có thể làm giảm đáng kể sự đau khổ liên quan đến loạn tưởng,từ đó cải thiện sức khỏe tâm lý tổng thể.
Việc chúng ta cần làm để đối trị với loạn tưởng không phải là suy nghĩ về suy nghĩ, như phân tích, giải thích, đánh giá các ý tưởng xuất hiện trong dòng loạn tưởng mà hãy ngồi bên dòng sông bình thản nhìn từng đợt sóng từng bọt nước trôi qua, bởi vì “Trong cái được thấy chỉ là cái được thấy, trong cái được nghe chỉ là cái được nghe, trong cái cảm nhận chỉ là cái cảm nhận, trong cái được nhận thức chỉ là cái được nhận thức."