Thức đêm ngủ ngày là thói quen của rất nhiều bé và là nỗi sợ của nhiều bậc cha mẹ. Trong 2 tháng đầu, trẻ sơ sinh ăn ngủ không theo quy luật. Con có thể ngủ từ 10-18 tiếng/ngày và mỗi lần từ 3-4 tiếng. Tuy nhiên, bé không phân biệt được ngày và đêm. Và vì thế, bé có thể thức dậy lúc 1h- 5h sáng. Từ 3-6 tháng tuổi, nhiều bé có thể ngủ liền 6 tiếng. Nhưng thời gian để trẻ học thói quen tốt nhất là từ 6 -9 tháng tuổi.
Mẹ có thể tham khảo một số lưu ý trong việc rèn bé ngủ ngoan, không quấy khóc dưới đây:
1 nghiên cứu với 405 bà mẹ có con từ 7-36 tháng tuổi chỉ ra rằng những đứa trẻ có thói quen ngủ tốt sẽ dễ ngủ hơn, ngủ sâu hơn và ít quấy khóc về đêm hơn.
Bố mẹ thường tập thói quen này cho con từ sớm 6-8 tuần tuổi. Thói quen của bé có thể được tạo thành từ nhiều hoạt động khác nhau, mấu chốt nằm ở :
- Chơi đùa ban ngày và giữ yên lặng vào buổi tối. Điều này giúp bé không quá phấn khích trước khi đi ngủ, mà lại đủ mệt vì những hoạt động từ ban ngày.
- Hành động lặp đi lặp lại, ngày cũng như đêm để tạo thói quen cho bé
- Giữ mọi thứ ổn định, nhất là khoảng thời gian sau.
- Nhiều bé thích được tắm trước khi đi ngủ, điều này giúp bé thoải mái hơn.
- Làm những thứ con thích vào cuối ngày để khuyến khích bé đi ngủ.
- Duy trì điều kiện ngủ trong phòng. Nếu bé thức dậy lúc nửa đêm, hãy đảm bảo rằng âm thanh và ánh sáng trong phòng vẫn giống như lúc bé ngủ say.
Mẹ cũng có thể áp dụng thêm một số biện pháp sau để giúp bé ngủ ngon giấc hơn và mẹ an tâm hơn:
1. Cho bé bú đủ trước khi ngủ
Bé sẽ tự tỉnh giấc và đòi bú mẹ khi bé có nhu cầu cần bú sữa mẹ, sau khi đã no nê bé sẽ ngủ tiếp. Vì dạ dày của trẻ sơ sinh rất nhỏ nên khoảng 3-4 tiếng bạn nên cho bé bú 1 lần, đừng để bé ngủ lâu hơn 5 tiếng mà không dậy bú. Bạn có thể đánh thức bé dậy và cho bú, sau đó mới đặt bé ngủ lại.
2. Để bé nằm ngửa
Đặt bé nằm thẳng, nằm ngửa sẽ giúp bé thở dễ dàng hơn đồng thời làm giảm nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS) do các bé không thể tự lật sấp hay lật nghiêng và khiến mình bị ngộp thở.
3. Quấn bé trong chăn mỏng
Khi ngủ và được quấn mình trong một chiếc chăn mỏng, bé sẽ có cảm giác an toàn và được che chở như khi nằm trong vòng tay mẹ. Cách này tuy đơn giản nhưng lại rất hiệu quả, khiến bé ngủ sâu hơn và không còn giật mình khi ngủ.
4. Cho bé nằm nôi
Khi trẻ có dấu hiệu buồn ngủ, cần đặt trẻ vào trong nôi chứ không phải ngủ ngay trong vòng tay của mẹ vì thật là một sự báo động cho trẻ nếu ngủ trong tay mẹ mà lại thức giấc ở một nơi khác.
Khi trẻ có dấu hiệu buồn ngủ, bạn đặt trẻ vào nôi và bắt đầu dỗ con ngủ. Nếu bé đang còn bú dở dang, mẹ nên kết hợp trò chuyện, hát… để giữ bé tỉnh ngủ. Đến khi bé hoàn thành cữ bú bạn mới nên chuyển sang “công đoạn” dỗ ngủ.
5. Cho bé giấc ngủ khô ráo
Nếu khu vực chỗ bé nằm không được khô ráo, bé sẽ bứt rứt không yên và không thể ngon giấc được. Vì vậy, mẹ cần lưu ý để chỗ nằm của bé luôn êm ái, gọn gàng và khô ráo nhé!
6. Chú ý giấc ngủ ban ngày
Để ban đêm bé ngủ sâu hơn thì những giấc ngủ ngắn ban ngày bạn nên hạn chế lại không quá 3 giờ đồng hồ cho một giấc ngủ ngày.
7. Dỗ trẻ bằng âm nhạc
Bạn có thể chọn nhiều bài hát ru khác nhau để ngân nga cho bé nghe. Bé sẽ nhận biết được tín hiệu hát ru từ mẹ đồng nghĩa với việc phải đi ngủ.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh