Nhầm lẫn giữa việc yêu mình và sống ích kỷ.

Người ta thường nhầm lẫn giữa việc yêu mình và sống ích kỷ. Họ cho rằng, người yêu mình nhiều là người tự cao, tự phụ, chỉ biết đến bản thân. Nhưng có ai thật sự hiểu yêu mình đúng nghĩa không phải là khước từ thế giới, mà là cách để ta hiện diện trọn vẹn trong thế giới ấy như một con người lành lặn, đủ đầy và có khả năng yêu thương người khác một cách trong trẻo nhất.

Yêu mình là trách nhiệm đầu tiên bởi không ai có thể thở giùm ta, sống giùm ta, hay chữa lành những vết nứt trong tim ta ngoài chính bản thân ta. Khi ta buồn, ta đau, ta lạc lối… người khác có thể chia sẻ, có thể đồng hành, nhưng không ai có thể cảm được sâu sắc như chính ta đang cảm. Và nếu ta không đủ yêu mình, ai sẽ là người ở lại để ôm ta vào lòng sau những lần đổ vỡ?

Trách nhiệm với cuộc đời mình bắt đầu từ việc hiểu rằng: ta không thể rót nước cho ai nếu ly của mình trống rỗng. Ta không thể lan tỏa yêu thương thật sự nếu bên trong là sự thiếu thốn, là vết thương chưa lành, là đòi hỏi ngấm ngầm cần được bù đắp. Chỉ khi ta học cách yêu mình không phải bằng sự nuông chiều, mà bằng sự hiểu biết, bằng sự tự trọng và lòng biết ơn với chính sự sống thì ta mới thật sự có mặt cho cuộc đời này một cách chân thành nhất.

Yêu mình là học cách từ chối những gì làm tổn hại đến thân tâm. Là dám bước ra khỏi một mối quan hệ độc hại, dù nó từng là cả thế giới của ta. Là biết nói “không” khi cần, biết lắng nghe khi mỏi mệt, và biết dừng lại khi lòng không còn bình yên. Đó không phải là ích kỷ. Đó là trách nhiệm. Trách nhiệm giữ cho chính mình an lành giữa cuộc đời đầy sóng gió.

Yêu mình là giữ ngọn lửa trong tim không tắt. Để dù đi đến đâu, làm gì, gặp ai ta vẫn là chính mình. Không cần gồng, không cần biến hóa để làm vừa lòng ai, không cần đi vay mượn ánh sáng từ người khác để được công nhận. Ta đủ đẹp, đủ tốt, đủ tử tế khi ta sống thật với chính mình.

Cuộc đời là một hành trình không ngắn. Có thể có người đồng hành, có thể không. Nhưng người duy nhất đi cùng ta từ đầu đến cuối, không rời bỏ ta một giây nào chính là bản thân ta. Vậy thì, không yêu mình, thì yêu ai? Yêu mình không phải là ích kỷ mà là món quà lớn nhất ta có thể trao cho chính mình, và cho cuộc đời.

 

Yêu bản thân có phải là lối sống ích kỷ?

Yêu bản thân, nói ngắn gọn chính là sống vì mình. Và ích kỷ cũng như vậy. Vậy sống vì mình chính là ích kỷ sao? Không, dĩ nhiên rồi. Bởi "vì mình" trong hai khái niệm này hoàn toàn khác nhau. 

Có nhiều người dùng câu nói quen thuộc: "Người không vì mình, trời tru đất diệt" để biện hộ cho lối sống "vì mình" đầy ích kỷ của bản thân. Nhưng có lẽ ít ai biết rằng nguồn gốc xuất xứ của nó là từ kinh Phật. Tại sao Phật lại dạy con người sống tư lợi như thế? Dĩ nhiên là không phải vậy. Phật không dạy sai, chỉ có người hiểu sai. Và tôi cam đoan là đã có rất nhiều người lầm tưởng về ý nghĩa sâu xa của câu nói này theo một chiều hướng đi ngược lại với nghĩa gốc của nó. "Vì mình" trong kinh Phật là yêu cầu bản thân tuân theo phép tắc đạo đức làm người, chứ không phải là vụ lợi cá nhân như cách những kẻ ích kỷ thường đem ra ngụy biện. "Vì mình" trong yêu bản thân tuy không mang tính "giáo điều" như thế, nhưng nó cũng không phải "vì mình" trong lối sống ích kỷ, "vì mình" ở đây chỉ là học cách trân trọng  và có trách nhiệm với chính mình, đương nhiên là không trái với luân thường đạo lý. 

Sống ích kỷ là bằng mọi giá phải đạt được lợi ích của bản thân, mặc kệ trên con đường đó có phải chà đạp lên hạnh phúc của người khác hay không. Còn yêu bản thân thì không như vậy, yêu bản thân chỉ là một cách tự bảo vệ chính mình mà thôi.

return to top