Theo môt nghiên cứu mới, việc gặp phải những sự vật hay sự việc bất ngờ trong cuộc sống có thể giúp trẻ học hỏi rất nhiều thứ.
Theo các nhà khoa học thuộc đại học Johns Hopkins (Mỹ), trẻ khi mới sinh ra đã được trang bị một số kiến thức tự nhiên về thế giới xung quanh và dường như chúng sẽ có khả năng học hỏi tốt nhất khi gặp phải những tình huống trái ngược với những điều mà chúng vốn đã biết.
Tác giả của nghiên cứu Aimee Stahl cho rằng những hành động của trẻ sơ sinh không đơn thuần chỉ là những phản ứng có tính phản xạ với sự mới lạ của sự việc, mà thay vào đó, nó thể hiện một cách sâu hơn những nỗ lực của trẻ trong việc tìm hiểu những khía cạnh của cuộc sống khác biệt với những điều chúng đã biết. Stahl đang là nghiên cứu sinh ngành tâm lý học và khoa học não bộ.
Cô nói: “Trẻ em không chỉ được trang bị những kiến thức cốt lõi về những khía cạnh cơ bản của thế giới xung quanh, mà ngày từ giai đoạn đầu đời, chúng đã biết cách sử dụng những kiến thức này làm nền tảng cho việc học hỏi những cái mới.”
Các nhà khoa học đã tiến hành một loạt các test kiểm tra đối với trẻ 11 tháng tuổi. Khi trẻ bị bất ngờ bởi một điều gì đó – ví dụ như một sự vật mà không biểu hiện theo những cách thức vốn có – đứa trẻ sẽ tập trung vào sự vật đó và học hỏi thêm từ nó chứ không quan tâm đến những thứ diễn ra bình thường vốn có.
Một thí dụ là khi các nhà khoa học tiến hành một thí nghiệm cho một quả bóng di chuyển xuống một con đường. Đôi lúc quả bóng bị chặn lại bởi các bức tường chắn trên đường. Nhưng lúc khác, dường như quả bóng lại đi xuyên qua tường. Khi đứa trẻ quan sát thấy quả bóng đi xuyên qua bức tường, chúng sẽ hào hứng hơn trong việc khám phá quả bóng.
Theo người đồng nghiên cứu giáo sư Lisa Feigenson thuộc khoa tâm lý học và khoa học não bộ tại Hopkins, trẻ dường như sử dụng yếu tố bất ngờ để học hỏi tốt hơn, như thể chúng coi sự bất ngờ như một cơ hội để khám phá những điều mới lạ của thế giới xung quanh.
GS. Feigenson nói: “Đối với trẻ nhỏ, thế giới là một nơi cực kỳ phức tạp chứa đầy những điều gây kích thích. Làm sao để chúng biết được cái gì nên học và cái gì nên phớt lờ? Nghiên cứu của chúng tôi cho rằng trẻ em sử dụng những điều chúng đã biết được từ trước để đưa ra những phỏng đoán. Khi những phỏng đoán này sai, chúng sẽ coi đây như một cơ hội tốt để học được thêm điều mới.”
Nghiên cứu này đã được đăng trên tạp chí Science.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh