Chỉnh hình sụn giáp type 1 là một phương pháp phẫu thuật được ưu tiên lựa chọn trong các trường hợp liệt thanh quản một bên ở người lớn, mang lại kết quả tốt, ổn định và lâu dài cho đối tượng bệnh nhân khàn tiếng kéo dài do một bên dây thanh không di động, liệt ở tư thế trung gian và cận trung gian. Tìm kiếm trên Pubmed (trang web các tài liệu y khoa chính thống uy tín) có thể thấy hơn 1300 tài liệu tham khảo về “chỉnh hình sụn giáp”, cho thấy mức độ tin cậy và tính phổ biến của phương pháp này tại các nước trên thế giới.
Phương pháp chỉnh hình này được thực hiện bằng cách tạo một cửa sổ kích thước 5 x 10mm ở sụn giáp phía bên bệnh (Hình 1A, 1B). Vị trí được chọn để mở cửa sổ thay đổi tùy thuộc vào giới tính của bệnh nhân, độ gập góc của sụn giáp và kinh nghiệm của phẫu thuật viên. Tiếp theo đó, vật liệu ghép được chọn và cắt gọt từ một khối silastic của hãng Medtronic Xomed (theo hình dạng và kích thước mà phẫu thuật đã định hình) (Hình 2), đặt vào vị trí cửa sổ được chọn trước đó, với mục đích đẩy dây thanh bị liệt vào vị trí đường giữa (Hình 1C, 1 D). Vị trí chính xác của nếp dây thanh là chìa khóa cuối cùng dẫn đến thành công của bất kỳ phẫu thuật chỉnh hình sụn giáp nào, nếu đặt sai vị trí sẽ hoàn toàn thất bại. Phẫu thuật viên cần có khả năng đưa ra các quyết định và điều chỉnh trong quá trình phẫu thuật.
Ưu điểm của phương pháp này là được thực hiện bằng gây tê tại chổ, vừa tiến hành đặt vật liệu silastic nguyên khối được chèn vào cửa sổ được tạo ra ở sụn giáp, vừa có thể đánh giá âm thanh giọng nói của bệnh nhân trong mổ tốt nhất. Có thể thực hiện ở những bệnh nhân có bệnh với nguy cơ gây mê toàn thân như bệnh nhân lớn tuổi bị đột quỵ, bệnh nhân đã cắt gần hết phổi, bệnh nhân mắc bệnh ác tính giai đoạn cuối, ... Trên thực tế, có nhiều kỷ thuật với mục tiêu phục hồi giọng nói bình thường như bơm tiêm mỡ vào dây thanh bên liệt, bơm tiêm chất làm đầy filler vào dây thanh bên liệt,... So với các phương pháp bơm tiêm này cần tiêm nhắc lại mỗi 3-6 tháng, thì phương pháp chỉnh hình sụn giáp type 1 bằng silastic nguyên khối cho kết quả ổn định lâu dài trong hơn 10 năm (theo nghiên cứu của Montgomery và cộng sự). Mỗi kỹ thuật được thực hiện đúng chỉ định và đúng bệnh nhân sẽ đem lại kết quả tuyệt vời.
Vừa qua, Khoa TMH - Mắt - Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đại học Y-Dược Huế lần đầu thực hiện phương pháp chỉnh hình sụn giáp type 1 bằng silastic nguyên khối cho bệnh nhân Châu Thị H., 63 tuổi, T.T. Huế, được chẩn đoán liệt dây thanh trái gây khàn tiếng kéo dài hơn 20 năm mang lại kết quả khả quan, cải thiện chất lượng giọng nói và chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.