Cơn đói là phản ứng sinh lý bình thường của cơ thể, phản ánh nhu cầu bổ sung năng lượng và chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, cảm giác đói không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với nhu cầu sinh lý thực sự về ăn uống, mà có thể liên quan đến nhiều yếu tố nội tại và ngoại cảnh, bao gồm thói quen ăn uống, nhịp sinh học, trạng thái cảm xúc và nội tiết tố.
Cảm giác đói có liên quan đến hoạt động điều hòa của hệ trục thần kinh – nội tiết, đặc biệt là sự tham gia của các hormone như:
Ghrelin: tiết ra từ dạ dày khi trống rỗng, kích thích trung tâm đói ở vùng dưới đồi.
Leptin: do tế bào mỡ tiết ra, làm giảm cảm giác đói.
Insulin: tham gia vào quá trình điều hòa đường huyết và ảnh hưởng gián tiếp đến cảm giác no.
Ngoài ra, dạ dày là cơ quan có tính đàn hồi cao. Khi được làm đầy bởi thức ăn và chất lỏng, các cơ căng ra, phát tín hiệu đến não gây cảm giác no. Ngược lại, khi dạ dày rỗng và bắt đầu co bóp, người bệnh có thể cảm nhận rõ cảm giác đói cồn cào hoặc đau nhẹ vùng thượng vị.
Cảm giác đói có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố không liên quan trực tiếp đến nhu cầu năng lượng, bao gồm:
Thói quen ăn uống: giờ ăn cố định khiến cơ thể phản xạ cảm giác đói vào thời điểm nhất định trong ngày.
Tình trạng căng thẳng, lo âu: kích thích tuyến thượng thận tiết cortisol, làm tăng cảm giác thèm ăn.
Thiếu ngủ: làm rối loạn nồng độ leptin và ghrelin, tăng cảm giác đói.
Chế độ ăn thiếu vi chất: thiếu protein, chất xơ hoặc các khoáng chất thiết yếu có thể khiến cơ thể tiếp tục phát tín hiệu đói dù đã nạp đủ năng lượng.
Môi trường kích thích thị giác, khứu giác (ví dụ: hình ảnh, mùi thực phẩm).
Các biểu hiện sinh lý thường gặp khi xuất hiện cơn đói bao gồm:
Đau âm ỉ vùng thượng vị, cảm giác “gặm nhấm” hoặc “cồn cào” trong dạ dày
Co bóp dạ dày
Cảm giác trống rỗng hoặc nhẹ bụng
Cáu gắt, mệt mỏi, thiếu tập trung
Thèm ăn, đặc biệt là các thực phẩm nhiều năng lượng (đường, chất béo)
Trong các trường hợp sinh lý, cảm giác đói sẽ giảm dần sau khi ăn hoặc sau một khoảng thời gian cơ thể tự điều chỉnh. Tuy nhiên, nếu không được đáp ứng bằng một bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng, cơn đói có thể tái phát sớm hơn.
Trong quá trình thực hiện các chế độ ăn kiêng nhằm kiểm soát cân nặng, người bệnh thường gặp khó khăn do cảm giác đói liên tục. Một số chiến lược giúp kiểm soát cơn đói bao gồm:
Ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày, giúp duy trì đường huyết ổn định và hạn chế co bóp dạ dày quá mức.
Tăng cường thực phẩm giàu chất xơ và protein nạc (rau xanh, đậu, ngũ cốc nguyên cám, trứng, cá) giúp kéo dài cảm giác no.
Sử dụng thực phẩm có thể tích lớn nhưng ít năng lượng (canh, rau củ luộc) để kích thích cơ học thành dạ dày.
Uống đủ nước: khát đôi khi có thể bị nhầm với đói.
Ngủ đủ giấc: giúp ổn định các hormone điều hòa cảm giác đói – no.
Tập trung khi ăn, tránh vừa ăn vừa xem TV hoặc làm việc; ghi chép thực phẩm giúp tăng ý thức về lượng thức ăn tiêu thụ.
Phân tâm lành mạnh: hoạt động nhẹ nhàng như đi bộ, đọc sách, vệ sinh răng miệng, hoặc thư giãn giúp vượt qua cơn đói tạm thời không do nhu cầu sinh lý.
Cảm giác đói thường là biểu hiện sinh lý bình thường. Tuy nhiên, cần lưu ý một số tình huống có thể liên quan đến tình trạng bệnh lý nếu:
Cơn đói dữ dội xuất hiện sau ăn no
Cảm giác đói liên tục kèm các triệu chứng sau:
Chóng mặt, hoa mắt
Mệt mỏi, kiệt sức
Buồn nôn, tiêu chảy
Sụt cân hoặc tăng cân nhanh chóng không rõ nguyên nhân
Rối loạn giấc ngủ
Rối loạn glucose máu (đặc biệt ở bệnh nhân đái tháo đường)
Trong các trường hợp trên, cần đánh giá toàn diện để loại trừ các rối loạn nội tiết (cường giáp, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa), rối loạn tâm thần kinh hoặc bệnh lý dạ dày – ruột.
Cảm giác đói là phản ứng sinh lý có vai trò quan trọng trong điều hòa năng lượng và dinh dưỡng cho cơ thể. Tuy nhiên, cảm giác đói không hoàn toàn là chỉ dấu của nhu cầu ăn uống thực sự, mà còn bị chi phối bởi nhiều yếu tố sinh học và hành vi. Việc hiểu rõ cơ chế và quản lý cảm giác đói một cách khoa học giúp cá nhân đạt được mục tiêu về sức khỏe, đặc biệt trong kiểm soát cân nặng và xây dựng chế độ ăn lành mạnh. Trong một số trường hợp bất thường, cảm giác đói có thể là dấu hiệu của bệnh lý cần được thăm khám và can thiệp y tế phù hợp.