Dị ứng thực phẩm là một phản ứng bất thường của hệ miễn dịch khi tiếp xúc với một loại protein có trong thực phẩm. Phản ứng có thể biểu hiện từ mức độ nhẹ như ngứa mũi, nổi mẩn đến mức độ nặng như sốc phản vệ đe dọa tính mạng. Hiện nay chưa có phương pháp điều trị dứt điểm dị ứng thực phẩm, do đó tránh tiếp xúc hoàn toàn với tác nhân gây dị ứng là biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất.
Bài viết sau cung cấp các hướng dẫn thực hành nhằm hỗ trợ người bệnh dị ứng thực phẩm tự bảo vệ sức khỏe và giảm thiểu nguy cơ biến chứng nặng.
Đọc và hiểu đúng nhãn thực phẩm là bước đầu tiên và thiết yếu trong việc phòng tránh dị ứng thực phẩm. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy các cụm từ như “sản xuất trên thiết bị chung” hoặc “có thể chứa” thường gây hiểu nhầm và làm tăng nguy cơ tiếp xúc ngoài ý muốn.
Người có dị ứng thực phẩm cần tránh các sản phẩm có chứa hoặc có nguy cơ nhiễm chéo với 8 tác nhân gây dị ứng phổ biến nhất:
Sữa
Trứng
Cá
Động vật giáp xác (tôm, cua…)
Đậu phộng
Hạt cây (hạnh nhân, óc chó…)
Lúa mì
Đậu nành
Các chất gây dị ứng này có thể được liệt kê trên nhãn theo ba cách:
Trong thành phần: ví dụ “sữa bơ” chứa sữa.
Trong ngoặc đơn sau thành phần: ví dụ “whey (sữa)”.
Trong mục “Chứa”: ví dụ “Chứa: sữa, đậu nành, lúa mì”.
Lưu ý: Các cụm như “có thể chứa” hoặc “sản xuất chung” hiện không bắt buộc ghi theo luật ghi nhãn, do đó cần thận trọng với mọi sản phẩm không rõ nguồn gốc, đặc biệt là thực phẩm chế biến sẵn hoặc không có bao bì nhãn mác.
Tiếp xúc chéo (cross-contact) xảy ra khi protein gây dị ứng từ thực phẩm chứa dị nguyên dính sang thực phẩm không chứa dị nguyên, qua thiết bị nấu nướng hoặc tay người chế biến. Các biện pháp phòng ngừa bao gồm:
Loại bỏ thực phẩm không an toàn khỏi tủ lạnh, tủ bếp.
Làm sạch kỹ tất cả dụng cụ, mặt bàn, lò nướng… bằng xà phòng và nước.
Sử dụng khu vực chế biến riêng, đặc biệt nếu sống cùng người không bị dị ứng.
Nấu thực phẩm an toàn trước, sau đó mới chế biến các món khác.
Đậy kín thực phẩm an toàn để tránh nhiễm bẩn.
Không dùng chung chén đũa hoặc thức ăn.
Rửa tay kỹ bằng xà phòng và nước sau khi xử lý thực phẩm có chứa chất gây dị ứng.
Trao đổi cụ thể với nhà hàng khi ăn ngoài, yêu cầu quy trình chế biến an toàn.
Phản ứng dị ứng có thể xuất hiện vài phút đến vài giờ sau khi ăn phải thực phẩm gây dị ứng. Các biểu hiện thường gặp:
Da: mẩn đỏ, mề đay, ngứa, phù mặt hoặc môi
Mắt: đỏ, ngứa, chảy nước mắt
Mũi – họng: nghẹt mũi, hắt hơi, khò khè, ho
Tiêu hóa: đau bụng, nôn, tiêu chảy
Tim mạch: chóng mặt, tụt huyết áp, ngất
Hô hấp: khó thở, thở rít, phù thanh quản
Dấu hiệu sốc phản vệ cần cấp cứu khẩn cấp:
Khó thở, khàn tiếng, phù lưỡi/môi/họng
Tụt huyết áp, chóng mặt, ngất
Hai hoặc nhiều triệu chứng xuất hiện cùng lúc: da, hô hấp, tiêu hóa, tim mạch
Có thể diễn tiến thành sốc phản vệ kéo dài hoặc tái diễn sau nhiều giờ
Epinephrine (adrenaline) là thuốc điều trị hàng đầu trong sốc phản vệ và cần được tiêm sớm ngay khi xuất hiện dấu hiệu nghi ngờ, không đợi đủ triệu chứng.
Chỉ định sử dụng epinephrine ngay lập tức khi có:
Khó thở, khò khè, co thắt cổ họng
Nôn dữ dội, đau bụng quặn
Tụt huyết áp, chóng mặt, mạch yếu
Ngứa, sưng, nổi mề đay toàn thân
Sau khi sử dụng: Gọi ngay cấp cứu và thông báo đã dùng epinephrine để kịp thời hỗ trợ y tế tiếp theo (có thể cần tiêm thêm liều thứ hai).
Người bệnh, người thân, thầy cô, đồng nghiệp cần được tập huấn sử dụng ống tiêm tự động epinephrine (ví dụ: EpiPen®) để không chậm trễ xử trí phản vệ.
Dị ứng thực phẩm là tình trạng cần được quản lý nghiêm túc suốt đời. Việc hiểu đúng, phòng tránh tiếp xúc và xử trí kịp thời có thể ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm và đảm bảo chất lượng sống an toàn cho người bệnh.