✴️ Kịch bản tiềm năng cho sự kết thúc của COVID-19

Nội dung

Kể từ thời điểm xuất hiện lần đầu tại Trung Quốc đến khi trở thành đại dịch toàn cầu, dường như sự không ổn định đã trở thành thuộc tính bất biến của SARS-CoV-2. Do đó, sẽ là nan giải nếu cố hình dung về một trạng thái ổn định trong tương lai, ít nhất là trong thời điểm hiện tại.

Cách đây không lâu, tỷ lệ tiêm chủng cao trong nhóm dân số trưởng thành đã làm tăng hy vọng của người Mỹ về việc sẽ sớm đưa mọi thứ trở lại bình thường như trước đại dịch. Tuy nhiên, khác biệt về khả năng tiếp cận vắc xin, sự do dự của người dân về với tính an toàn của nó và sự xuất hiện của các biến thể vi rút mới theo sau là những làn sóng COVID-19 mạnh mẽ hơn. Tất cả điều này đều có thể cản trở cho hy vọng đó. Ở đây, các tác giả đưa ra 4 kịch bản tiềm năng nhất, bao gồm: tiêu diệt, đẩy lùi, chung sống hoặc chấp nhận nó sẽ bùng lên rồi lại dịu xuống như một trận “hỏa hoạn”. Có thể những kịch bản trên sẽ là cứu cánh đối với dịch bệnh này.

Kịch bản đầu tiên, cần làm gì để tiêu diệt SARS-CoV-2? Theo định nghĩa, việc này đòi hỏi phải giảm tỷ lệ hiện mắc1 của COVID-19 trên toàn cầu xuống mức 0, trong một khoảng thời gian đủ lâu. Để có được kết quả như vậy, bắt buộc phải đạt miễn dịch cộng đồng thông qua hai hình thức, tiêm vắc xin và lây nhiễm trước đó. Miễn dịch thu được đều phải đạt hiệu quả cao, lâu dài, thành thạo trong việc ngăn ngừa lây truyền thứ cấp và tái nhiễm, đồng thời chống lại được tất cả các biến thể của vi rút xuất hiện ở hiện tại và tương lai. Quả thật với những yêu cầu như trên, tiêu diệt SARS-CoV-2 trở thành mục tiêu quá tham vọng, ngay cả trong suy nghĩ. Tuy nhiên, không phải là không có ngoại lệ, đậu mùa là ví dụ. Căn bệnh này đã bị tiêu diệt hoàn toàn. Vào thời kỳ đó, đây một thành tựu dường như không tưởng.

Với kịch bản thứ hai, thay vì cố gắng giảm tỷ lệ hiện mắc trên toàn thế giới xuống còn 0 thì chúng ta sẽ làm việc đó ở một số khu vực nhất đinh. Sởi hay rubella là dẫn chứng cho khả năng này. Các căn bệnh vừa nêu trên có điểm chung với SARS-CoV2 hiện tại là đều lây nhiễm qua đường hô hâp và có thể dự phòng bằng Vắc xin. Do vậy, trong ngắn hạn, kịch bản đẩy lùi SARS-CoV-2 có thể là một mục tiêu thực tế hơn, đặc biệt là khi phân phối vắc xin được tăng cường (điều này là rất cần thiết để nhắm vào các biến thể mới xuất hiện). Đã có một số minh chứng về việc đẩy lùi thành công SARS-CoV-2. Israel với mô hình tiêm chủng hiệu quả hiện đang có tỷ lệ hiện mắc SARS-CoV-2 là 0,7% so với mức cao nhất từng được ghi nhận của họ. Thành công tương tự  cũng có thể xảy ra ở các quốc gia khác, nếu nơi đó đạt được tỷ lệ tiêm chủng đủ cao. Thậm chí ngay cả khi chưa có vắc xin, New Zealand cũng đã đẩy lùi tạm thời SARS-CoV-2 vào đầu tháng 8 năm 2020.

Kịch bản tiếp theo là chấp nhận sống chúng với SARS-CoV-2. Điều đó đồng nghĩa với việc vi rút sẽ tồn tại xung quanh con người. Vắc xin lúc này cần hướng đến những mục tiêu khác có thể kể đến như giảm thiểu những biến chứng nghiêm trọng, làm gián đoạn chuỗi lây nhiễm và chống lại được các biến thể vi rút mới. Bằng chứng cho thấy người ta đang nỗ lực để sớm đưa kịch bản này trở thành hiện thực. Họ cung cấp các tài liệu liên quan đến việc tự cách ly bệnh nhân tại nhà và xử trí các trường hợp tái nhiễm. Các đột phá mới về vắc xin cũng được công bố đều đặn trên truyền thông dành cho cả chuyên gia lẫn người dân bình thường. Những việc này sẽ làm chậm đáng kể sự lây truyền thứ cấp, ngay cả khi đó là các biến thể mới nguy hiểm hơn. Một số vùng vẫn có lây nhiễm ở mức độ thấp hoặc dưới dạng các đợt bùng phát lẻ tẻ. Những ca nhiễm mới sẽ chủ yếu xảy ra ở những người chưa được tiêm chủng. Các trường hợp lây nhiễm sau khi được tiêm chủng thường hiếm gặp và có thể do hiệu quả hạn chế của vắc-xin (bao gồm cả chất lượng lẫn nguồn cung), tình trạng suy giảm miễn dịch của chính họ, hoặc gặp phải các biến thể mới trong tương lai. Tuy vậy xét một cách tổng thể, việc sống chung (với SARS-CoV-2) kiểu này vẫn dễ chịu hơn nhiều so với giai đoạn đỉnh dịch.

Khi khả năng tiếp cận vắc-xin được mở rộng trên toàn cầu kèm theo các điều kiện nhất định (bao gồm người dân bớt e ngại về tính an toàn của nó, kìm hãm được tốc độ sinh sản và ra đời thêm các biến thể khác của vi-rút ), thì số lượng các vùng an toàn2 theo đó cũng tăng lên. Việc tiêm chủng phải được tiếp tục để cung cấp khả năng miễn dịch cao chống lại các biến thể mới. Bên cạnh đó là vẫn duy trì các các biện pháp như 5K, giãn cách, rửa tay, đeo khẩu trang,.. mới có thể bảo vệ thành quả chống dịch. Tuy vậy, những người dù đã được chủng ngừa nhưng lại cư trú ở các khu vực có tỷ lệ mắc bệnh thấp mà nơi đó không có nhiều biến thể khác nhau của vi rút lưu hành, thì việc kiểm soát nguy cơ lây nhiễm cũng khó khăn hơn do hạn chế về khả năng miễn dịch đặc hiệu. Nhìn chung về lâu dài, khi đã đạt được khả năng miễn đủ lớn trên thế giới, SARS-CoV-2 có thể giống với cảm lạnh thông thường và sẽ xuất hiện theo mùa.

Sau cùng, nếu không thể sống chung, kết cục đưa tới có thể giống như một vụ hỏa hoạn. Nghĩa là một trạng thái ổn định được đặc trưng bởi tính địa phương của SARS-CoV-2, điều này đưa tới mức độ ảnh hưởng trung bình với thế giới. Ở một số nơi, một lượng lớn dân cư không được tiêm chủng do hạn chế về nguồn cung, dân chúng còn do dự, hoặc có tình trạng suy giảm miễn dịch, thì chắc chắn ảnh hưởng của SARS-CoV-2 vẫn rất mạnh mẽ. Chính điều này sẽ tạo điều kiện cho vi rút có cơ hội thích nghi và biến đổi liên tục, qua đó tránh được các đáp ứng miễn dịch thu được trước đó. Tại các quần thể khác đã được chủng ngừa, các ca lây nhiễm mới vẫn có thể xuất hiện theo chu kỳ. Nguyên nhân có thể gồm miễn dịch có nguồn gốc từ vắc xin chưa được thực sự hoàn thiện, hoặc do hiệu quả của vắc xin đã bị suy giảm, hoặc là gặp phải các biến thể mới. Hai làn sóng gần đây liên quan đến các biến thể alpha và delta như một lời nhắc nhở quan trọng về những điều trên. Mức độ “hỏa hoạn” phụ thuộc đáng kể vào hiệu quả và sự chấp nhận của vắc xin theo từng vùng địa lý. Khả năng hiệu quả đối với một số biến thể đã được ghi nhận rõ ràng trên một số loại vắc xin. Ví dụ như vắc xin của AstraZeneca chống lại được biến thể B.1.351. Hiệu quả tương tự cũng có thể xuất hiện ở các loại vắc-xin khác, điều mà trước đây là khó có thể nhận biết khi mà dữ liệu công khai chưa có hoặc thưa thớt hay chỉ giới hạn trong các nghiên cứu cận lâm sàng3 . Nếu kịch bản “hỏa hoạn” này xảy ra thật, trong khi phần lớn thế giới bị hạn chế về nguồn cung vắc xin hoặc có vắc xin nhưng kém hiệu quả, những trận “hỏa hoạn” nhỏ này có thể bùng lên trên quy mô lớn hơn rất nhiều.

Chỉ khoảng một năm trước, phần lớn thế giới đều ở trong trạng thái “lockdown” khi các làn sóng COVID-19 đầu tiên ập tới. Tuy nhiên vào thời điểm hiện tại, đã có sự phân hóa rõ rệt về “trải nghiệm COVID-19” giữa các khu vực khác nhau. Israel, New Zealand, Việt Nam4 và Brunei dường như đã đẩy lùi được dịch bệnh. Về phần mình, Vương quốc Anh, Hoa Kỳ và Trung Quốc đang chấp nhận kịch bản chung sống với nó. Ngược lại, Ấn Độ, các khu vực khác của Đông Nam Á và phần lớn Nam Mỹ thì lại đang bị đè nặng bởi tình trạng “hỏa hoạn”. Nếu muốn đảo ngược tình thế, các quốc gia đang ở trong trạng thái “hỏa hoạn” buộc phải xây dựng lại khả năng miễn dịch cộng đồng thông qua vắc-xin (đặc biệt các loại có khả năng vô hiệu hóa các biến thể mới) kết hợp với những phương pháp trị liệu mới (nhằm đẩy nhanh tốc độ khỏi bệnh). Cuối cùng, không bao giờ thừa khi nhắc lại thông điệp của Liên hợp quốc trong địa dịch COVID-19 “Không một quốc gia nào an toàn khi cả thế giới chưa an toàn”. tất cả các quốc gia cần phải đồng lòng và đưa ra được tiếng nói chung (nhất là trong vấn đề sản xuất và phân phối vắc xin) thì mới mong thích ứng được với sự thay đổi khó lường của COVID-19.

Lược dịch từ: https://jamanetwork.com/journals/jama/fullarticle/2781945

 

Chú giải:

1 là số trường hợp đang có bệnh ở một quần thể xác định trong một khoảng thời gian hay một thời điểm.

 Trong bài viết gốc tác giả sử dụng thuật ngữ “viral-free pockets”

3 Các nghiên cứu thử nghiệm trong phòng thí nghiệm hoặc trên động vật để tìm hiểu tác dụng của vắc xin trên cơ thể người.

4  Tính tới thời điểm trước khi làn sóng thứ 4 bùng phát tại TP.HCM và các tình miền Nam.

return to top