Trào ngược dạ dày – thực quản (Gastroesophageal Reflux Disease – GERD) là tình trạng phổ biến, đặc trưng bởi sự trào ngược bất thường của dịch vị từ dạ dày lên thực quản, gây ra các triệu chứng như ợ chua, cảm giác nóng rát sau xương ức, buồn nôn và vị chua trong miệng. Trong đó, ợ hơi là một triệu chứng thường gặp, đôi khi bị đánh giá thấp, nhưng có thể góp phần làm tăng gánh nặng bệnh lý cho người bệnh.
Ợ hơi là hiện tượng sinh lý xảy ra khi không khí nuốt vào được đẩy ngược ra ngoài qua miệng từ phần trên của ống tiêu hóa. Một người khỏe mạnh có thể ợ hơi trung bình lên đến 30 lần mỗi ngày. Tuy nhiên, trong bệnh lý trào ngược dạ dày – thực quản, tình trạng ợ hơi có thể gia tăng cả về tần suất và thể tích, do:
Tăng nuốt khí (aerophagia): Người bị trào ngược thường có xu hướng nuốt nhiều khí hơn do cảm giác khó chịu hoặc phản xạ chống trào ngược, từ đó dẫn đến ợ hơi nhiều hơn.
Rối loạn cơ vòng thực quản dưới (LES): Ợ hơi có thể làm giảm áp lực LES, làm tăng nguy cơ trào ngược.
Ngoài GERD, nhiều yếu tố khác cũng có thể làm tăng chứng ợ hơi, bao gồm chế độ ăn uống, thói quen sinh hoạt và các bệnh lý tiêu hóa khác.
1. Chế độ ăn uống
Một số thực phẩm và đồ uống có thể tạo nhiều khí trong đường tiêu hóa hoặc kích thích phản xạ nuốt khí, bao gồm:
Đồ uống có gas, bia, caffeine
Thực phẩm giàu tinh bột và chất xơ như: đậu, đậu lăng, ngũ cốc nguyên hạt
Rau củ sinh khí: hành tây, bắp cải, súp lơ, bông cải xanh, nấm
Một số loại trái cây như chuối
2. Thói quen sinh hoạt
Các hành vi sinh hoạt làm tăng nuốt khí:
Ăn nhanh, nói chuyện khi ăn
Sử dụng ống hút
Nhai kẹo cao su, ngậm viên ngậm
Mang răng giả không vừa
Hút thuốc lá
Thở nhanh hoặc lo âu kéo dài
3. Các bệnh lý tiêu hóa khác
Chứng ợ hơi kéo dài không kèm trào ngược có thể gợi ý các bệnh lý khác:
Chứng nuốt khí mạn tính (chronic aerophagia)
Viêm dạ dày, loét dạ dày – tá tràng
Nhiễm H. pylori
Rối loạn tiêu hóa chức năng (dyspepsia)
Hội chứng ruột kích thích (IBS)
Không dung nạp lactose
Bệnh celiac
Táo bón kéo dài
Rối loạn nhai lại (rumination syndrome)
Trong những trường hợp này, ợ hơi thường đi kèm các triệu chứng như đau bụng, đầy hơi, tiêu chảy hoặc thay đổi thói quen đi tiêu.
Để giảm triệu chứng ợ hơi – đặc biệt sau ăn, người bệnh có thể áp dụng các biện pháp sau:
Đi bộ nhẹ nhàng sau ăn: Giúp tăng nhu động tiêu hóa và giảm tích khí.
Dùng thuốc kháng acid không kê đơn (antacids): Có thể giảm triệu chứng nếu ợ hơi đi kèm trào ngược.
Dùng thuốc chứa simethicone: Hỗ trợ làm vỡ các bong bóng khí trong dạ dày, giúp làm giảm áp lực hơi.
Trà thảo dược: Trà gừng hoặc trà hoa cúc có thể hỗ trợ làm dịu đường tiêu hóa.
Để ngăn ngừa ợ hơi thường xuyên, cần chú ý đến thói quen ăn uống và sinh hoạt:
Ăn chậm, nhai kỹ
Tránh nói chuyện trong khi ăn
Tránh dùng ống hút và đồ uống có gas
Ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày
Giảm sử dụng kẹo ngậm và kẹo cao su
Tránh các thực phẩm dễ sinh hơi hoặc kích thích trào ngược
Bỏ thuốc lá
Áp dụng kỹ thuật thở sâu, thiền định hoặc thở cơ hoành để kiểm soát lo âu
Nếu có trào ngược acid, nên tuân thủ điều trị để giảm acid dịch vị
Mặc dù ợ hơi thường là hiện tượng lành tính, người bệnh nên tìm đến cơ sở y tế nếu:
Ợ hơi kéo dài, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống
Có kèm theo triệu chứng như: đau bụng, buồn nôn, nôn, sụt cân, thay đổi thói quen đại tiện
Ợ hơi kết hợp với ợ chua, nóng rát sau xương ức hoặc nghi ngờ GERD
Hướng điều trị: Bác sĩ có thể chỉ định phối hợp các biện pháp:
Thay đổi lối sống, chế độ ăn
Thuốc ức chế tiết acid như kháng H2 hoặc PPI (ức chế bơm proton)
Nội soi tiêu hóa nếu có chỉ định
Chứng ợ hơi thường xuyên có thể là dấu hiệu của bệnh trào ngược dạ dày – thực quản hoặc các rối loạn tiêu hóa khác. Việc đánh giá toàn diện, thay đổi lối sống và điều trị nguyên nhân cơ bản sẽ giúp kiểm soát hiệu quả triệu chứng này, cải thiện chất lượng sống cho người bệnh.