Suy dinh dưỡng (SDD) ở trẻ em là một tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng kéo dài hoặc cấp tính, ảnh hưởng đến tăng trưởng thể chất và phát triển trí tuệ. Trẻ có cân nặng quá thấp (<-2SD) so với chuẩn là SDD nhẹ cân, trẻ có chiều cao thấp (<-2SD) so với chuẩn là được gọi là SDD thấp còi.
Suy dinh dưỡng nhẹ cân hoặc thấp còi đều ảnh hưởng không tốt đến phát triển tinh thần và thể chất của trẻ, trước mắt cũng như lâu dài sau này khi trưởng thành. Y học đã chứng minh trẻ bị SDD sau này có nguy cơ cao bị mắc các bệnh mạn tính rối loạn chuyển hóa như huyết áp, tim mạch, đái tháo đường, loãng xương. Việc phòng và điều trị SDD cần được tiến hành càng sớm càng tốt để phòng chống các biến chứng và hậu quả về sức khỏe có thể xảy ra.
Các dấu hiệu thường gặp của suy dinh dưỡng
- Chậm tăng cân, thấp còi
- Da xanh xao, nhợt nhạt
- Răng mọc chậm, chậm biết đi hoặc chậm vận động
- Rụng tóc, tóc mọc chậm
- Cơ nhẽo, hoặc gầy gò, teo cơ
- Một số trẻ có thể có dấu hiệu chướng bụng
- Tiêu chảy kéo dài, rối loạn tiêu hóa
- Biếng ăn kéo dài
- Hay quấy khóc, ngủ kém
Nguyên nhân gây nên suy dinh dưỡng trẻ em
Các nguyên nhân gây SDD ở trẻ em có thể thuộc 2 nhóm:
- Do bệnh lý: trẻ sinh ra bị thiếu cân (<2,5kg), tức là suy dinh dưỡng bào thai, tốc độ phát triển của trẻ kém hơn so với trẻ bình thường sau khi sinh; trẻ bị mắc một số bệnh sau khi sinh như bệnh viêm nhiễm về đường hô hấp, tiêu hóa làm trẻ kém ăn, kém hấp thu, tăng dị hóa..;
- Nuôi dưỡng trẻ không đúng: trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, thiếu sữa mẹ, thiếu ăn, nghèo đói, thiếu kiến thức nuôi dưỡng trẻ…dẫn đến khẩu phần ăn thiếu về lượng, về chất, dẫn tới các bệnh suy dinh dưỡng, thiếu vi chất.
.png)
Nguyên tắc điều trị cho trẻ suy dinh dưỡng
Một trong những nguyên tắc quan trọng điều trị phục hồi cho trẻ suy dinh dưỡng là bổ sung vào chế độ ăn của trẻ những thực phẩm giàu dinh dưỡng, năng lượng, vi chất, dễ hấp thu, giúp trẻ tăng trưởng nhanh, giải quyết các bệnh thiếu vi chất, tăng miễn dịch và sức đề kháng với bệnh tật.
Sữa công thức, sữa cao năng lượng, sữa tăng cường vi chất … là những loại được ưu tiên cho trẻ bị suy dinh dưỡng, bên cạnh các bữa ăn chính khác. Cụ thể:
- Tăng năng lượng và hàm lượng protein trong khẩu phần: sử dụng sữa cao nặng lượng, tăng hàm lượng dầu mỡ trong bữa ăn...
- Chia nhỏ bữa ăn thành 5-6 bữa
- Ưu tiên các thực phẩm dễ tiêu hóa, hấp thu
- Bổ sung các vi chất dinh dưỡng quan trọng như vitamin A, D, sắt, kẽm, canxi....
- Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trước trong và sau khi chế biến thức ăn cho trẻ
Nguyên tắc khi lựa chọn sữa cho trẻ suy dinh dưỡng
Sữa là loại thực phẩm giàu dinh dưỡng và phù hợp với mọi độ tuổi. Tuy nhiên, đối với trẻ suy dinh dưỡng, cần có một số nguyên tắc trong việc lựa chọn sữa như sau:
- Đậm độ năng lượng: Sữa dành cho trẻ suy dinh dưỡng nên có từ 100 kcal/100ml trở lên. Đối với trẻ suy dinh dưỡng nặng, cần loại có năng lượng cao hơn nữa (100–150 kcal/100ml), theo khuyến cáo của WHO và UNICEF.
- Loại đạm: Ưu tiên đạm dễ tiêu hóa như đạm whey hoặc protein thủy phân (một phần hoặc toàn phần) thay vì đạm casein. Điều này giúp trẻ dễ hấp thu và hạn chế rối loạn tiêu hóa. Cũng nên lưu ý đến tỷ lệ whey:casein bởi nếu tỷ lệ này quá thấp (sữa quá nhiều casein) sẽ khiến trẻ khó tiêu hóa.
- Chất béo: Nên chọn sữa có bổ sung MCT, một loại chất béo chuyển hóa nhanh và dễ tiêu, phù hợp với trẻ kém hấp thu, suy dinh dưỡng hoặc rối loạn tiêu hóa. Trẻ suy dinh dưỡng không nên sử dụng các loại sữa tách béo, sữa gầy (skim milk) vì hàm lượng chất béo của những loại sữa này thường rất thấp.
- Vi chất dinh dưỡng: Sữa nên được tăng cường thêm các vitamin và khoáng chất thiết yếu như đã nêu ở trên – đặc biệt là vitamin A, D, kẽm, sắt, i-ốt và canxi – để bù đắp những thiếu hụt phổ biến ở trẻ suy dinh dưỡng.
- Phù hợp độ tuổi: Trẻ từ 6 tháng đến dưới 1 tuổi: sử dụng sữa công thức (có thể kết hợp sử dụng xen kẽ với sữa mẹ). Trẻ trên 1 tuổi có thể bổ sung thêm sữa tươi tiệt trùng. Không nên dùng sữa thanh trùng cho trẻ dưới 2 tuổi do hệ tiêu hóa còn non nớt.
Ngoài những tiêu chí liên quan đến giá trị dinh dưỡng của sữa, cũng cần lưu ý đến các nguyên tắc khác dưới đây, bao gồm:
- Chọn sữa có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Chọn sữa có bao bì nguyên vẹn, không móp méo, nhãn mác in ấn rõ ràng, đầy đủ thông tin về dinh dưỡng, thông tin địa chỉ nhà sản xuất, còn hạn sử dụng, được bày bán ở nơi thoáng mát, sạch sẽ.
- Tham vấn thêm ý kiến của bác sĩ dinh dưỡng nếu ngoài tình trạng suy dinh dưỡng trẻ còn mắc thêm các bệnh lý khác như trẻ có vấn đề về đường tiêu hóa, mắc các bệnh lý về miễn dịch …
- Ngoài sữa dạng lỏng, có thể kết hợp với các chế phẩm khác từ sữa với lượng quy đổi phù hợp. Ví dụ: 100ml sữa nước = 100g sữa chua = 1 miếng phô mai 15g
- Kết hợp sữa với chế độ dinh dưỡng đầy đủ, đa dạng, hợp lý, phù hợp với lứa tuổi của trẻ. Đối với trẻ trên 1 tuổi, sữa chỉ nên là bữa phụ của trẻ và không thể thay thế bữa ăn chính. Trẻ vẫn cần bổ sung đầy đủ 4 nhóm chất (tinh bột, protein, chất béo, vitamin và khoáng chất)
.png)
Lời khuyên của Chuyên gia dinh dưỡng VIAM
Mặc dù sữa không phải là giải pháp duy nhất đối với trẻ suy dinh dưỡng, nhưng nếu biết lựa chọn đúng loại, đúng cách thì sữa sẽ trở thành một giải pháp tối ưu giúp trẻ phục hồi dinh dưỡng và theo kịp đà tăng trưởng.
Cha mẹ cần chú ý liên tục đến quá trình phát triển của con, nếu phát hiện thấy trẻ có các dấu hiệu của suy dinh dưỡng, nên đưa trẻ đến khám bác sỹ dinh dưỡng, để được đánh giá chính xác tình trạng suy dinh dưỡng của trẻ, được tư vấn hướng dẫn điều trị phục hồi, chế độ ăn và sử dụng sữa, giúp trẻ phục hồi nhanh chóng, bắt kịp đà tăng trưởng của lứa tuổi.