Nước RO là gì ? Bạn có cần dùng nước RO không

Nước RO là nước được lọc bằng phương pháp thẩm thấu ngược. Gọi là ngược vì thông thường nước sẽ đi từ nơi có áp suất thẩm thấu thấp qua nơi cao hơn, đơn giản là từ nơi ít mặn hơn qua nơi mặn hơn. Nhưng trong cách lọc RO, nước sẽ được đẩy từ nơi có áp suất thẩm thấu cao qua nơi thấp hơn. Để làm được điều này, nước sẽ bị ép đi qua một màng bán thấm bằng áp lực cao, màng này có khả năng lọc gần như không chừa thứ gì và chỉ cho nước đi qua, như vi trùng, virus, khoáng, kim lại, phân tử nhỏ, ect,… Tức là phía bên kia gần như chỉ còn nước nguyên chất.

Chính vì vậy máy lọc RO rất hao nước, ban đầu nó có thể hao tới 9/10, tức là 10 lít nước chỉ lọc ra 1 lít nước RO, còn lại bỏ hết. Hiện nay có công ty quảng cáo là nó hao 1/1, tức là chỉ ½ mà thôi, nhưng hầu hết sẽ hao ở mức 1/3-4.

Vì vậy các hệ thống lọc RO đa phần là cho các hệ thống công suất thấp để uống, nấu ăn, chứ không thể nào dùng cho toàn bộ nhà vì quá hao nước. Các hệ thống lọc toàn bộ nhà hay dùng lọc than hoạt tính + UV.

https://www.epa.gov/watersense/point-use-reverse-osmosis-systems

Màng lọc nước RO cực kỳ tốt, nhưng tốt quá mức cần thiết, nó lọc không chừa thứ gì, không phân tốt xấu, nên trong nước RO không còn các khoáng chất cần thiết có lợi cho cơ thể như Ca, Mg, sắt, manganese, flour, selenium, ect…

Nếu bạn dùng nước RO để uống và nấu ăn thì sẽ làm giảm lượng các khoáng chất này trong chế độ ăn của bạn.

Lượng thiếu hụt từ nước này rất nhỏ nếu bạn có một chế độ ăn đa dạng, đầy đủ và sẽ không đủ để gây thiếu hụt khoáng chất cho cơ thể của bạn. Tuy nhiên nếu bạn có chế độ ăn thiếu hụt các chất này, hoặc đã thiếu rồi thì nó sẽ làm nặng hơn tình trạng thiếu hụt này.

Chưa hết, khi chúng ta dùng nước không có khoáng chất để nấu ăn, nó có thể làm tăng sự mất hụt khoáng chất, có thể lên tới 60% cho Ca và Mg, đồng 66%, manganese 70%, cobalt 86%. Sự hao hụt này ít hơn nếu dùng nước có khoáng chất để nấu ăn.

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4223198/

 

Cobalt là thành phần quan trọng để tổng hợp B12, nên thiếu cobalt sẽ gây thiếu B12, gây thiếu máu hồng cầu to, kéo dài có thể gây tổn thương hệ thần kinh.

Có một nghiên cứu ở India đã cho thấy sự liên quan giữa thiếu B12 và việc sử dụng nước RO kéo dài.

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4948445/

Thiếu Ca, Mg, manganese kéo dài sẽ có thể gây tăng nguy cơ bệnh tim mạch.

Nước RO gần như không có fluor nên sẽ làm tăng nguy cơ sâu răng.

Chính vì vậy mà các hãng làm máy lọc RO đã thêm vào hệ thống bổ sung khoáng chất sau khi lọc (remineralization filter). Tuy nhiên sẽ làm chi phí cao hơn, và khoáng chất bổ sung nhân tạo sẽ không tốt và đầy đủ như khoáng chất từ thiên nhiên, nhưng có còn hơn không.

 

BẠN NÊN DÙNG MÁY NƯỚC RO KHÔNG?

Để trả lời câu hỏi này, bạn nên phải đánh giá lại hoàn cảnh của riêng bạn, nhu cầu, lợi ích và nguy cơ.

Vùng bạn sống có được cung cấp nước sạch không, có cần phải có nước sạch để uống không?

Bạn có chế độ ăn cân bằng và đầy đủ không, có nguy cơ hoặc đã thiếu các khoáng chất gì không, như phụ nữ mang thai sẽ có nguy cơ cao thiếu sắt và Ca chẳng hạn.

Nếu bạn có chế độ ăn tốt, không có nguy cơ thiếu hụt, nước RO sẽ an toàn và có lợi hơn, nên dùng.

Nhưng nếu bạn có nguy cơ, phải chú ý tới việc bổ sung thêm chất khoáng, như ăn chay sẽ có nguy cơ thiếu B12 và sắt, uống nước RO sẽ làm tăng thêm nguy cơ này.

 

BS Hùng Trương

return to top