✴️ So sánh hiệu quả bảo vệ của vắc-xin Moderna, Pfizer-BioNTech và Janssen (Johnson & Johnson)

Thông tin chính

Vắc xin COVID-19 mRNA (Pfizer-BioNTech và Moderna) liệu trình 2 liều và vắc xin vectơ virus (Janssen [Johnson & Johnson]) liệu trình 1 liều hiện đang được sử dụng tại Hoa Kỳ.

 

Kết quả từ nghiên cứu?

Trong số những người trưởng thành không có các tình trạng suy giảm miễn dịch tại Hoa Kỳ, hiệu quả ngăn ngừa nhập viện do COVID-19 từ ngày 11/3 đến ngày 15/8/2021 của vắc xin Moderna (93%) cao hơn so với vắc xin Pfizer-BioNTech (88%) và vắc xin Janssen (71%).

 

Tác động của kết quả nghiên cứu đối với thực hành y tế công cộng?

Mặc dù dữ liệu thực tế cho thấy mức độ bảo vệ của vắc-xin có một số thay đổi, nhưng tất cả vắc-xin COVID-19 được FDA phê duyệt đều có khả năng bảo vệ đáng kể, giảm tỷ lệ nhập viện do COVID-19.

 

Vắc xin COVID-19 mRNA (mRNA-1273 của Moderna và BNT162b2 của Pfizer-BioNTech) đã được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) cấp phép sử dụng khẩn cấp (EUA) vào tháng 12/2020 sử dụng trên người ≥ 18 tuổi và ≥ 16 tuổi, tương ứng. Vắc xin COVID-19 vectơ vi rút (Ad26.COV2 của Janssen [Johnson & Johnson]) được cấp phép khẩn cấp vào tháng 2/2021 sử dụng trên người từ 18 tuổi trở lên. Đến ngày 23/8/2021, vắc xin Pfizer-BioNTech đã được FDA cấp phép chính thức cho những người ≥ 16 tuổi. Các hướng dẫn hiện tại của FDA và CDC khuyến nghị tiêm chủng cho những người đủ điều kiện với một trong ba loại vắc xin này, không ưu tiên cho bất kỳ loại vắc xin cụ thể nào.

 

Để đánh giá hiệu quả vắc-xin (vaccine effectiness - VE) trong việc ngăn ngừa nhập viện do COVID-19, nghiên cứu bệnh chứng đã được tiến hành. Bệnh nhân là người lớn từ 18 tuổi trở lên không có tình trạng suy giảm miễn dịch, nhập viện tại 21 bệnh viện trên 18 tiểu bang ở Hoa Kỳ từ ngày 11/3 đến 15/8/2021 đã được tuyển chọn vào nghiên cứu. Nhóm bệnh bao gồm bệnh nhân nhập viện có triệu chứng giống COVID-19 và có kết quả RT-PCR hoặc kết quả test kháng nguyên dương tính. Nhóm đối chứng là nhóm có kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính. Có 3.689 (1.682 bệnh nhân nhóm bệnh và 2.007 người ở nhóm đối chứng) được đưa vào phân tích với độ tuổi trung bình là 58 tuổi, trong đó 48% là nữ. Nhìn chung, 2.362 (64,0%) bệnh nhân không được tiêm chủng; 476 người (12,9%) được tiêm đủ 2 liều vắc xin Moderna; 738 người (20,0%) được tiêm đủ 2 liều vắc xin Pfizer-BioNTech; và 113 người (3,1%) được tiêm chủng vắc xin Janssen.

 

Hiệu quả trong việc ngăn ngừa nhập viện do COVID-19 từ ngày 11/3 đến ngày 15/8/2021 đối với vắc xin Moderna là 93% (95% CI = 91% - 95%), cao hơn đối với vắc xin Pfizer-BioNTech (88%, 95% CI = 85% – 91%) (p = 0,011); giá trị này của cả 2 vắc xin mRNA đều cao hơn so với vắc xin Janssen (71%, 95%CI = 56% –81%) (p <0,001) (Bảng 1). Hiệu quả ngăn ngừa nhập viện do COVID-19 đối với vắc xin Moderna là 93% sau khi tiêm mũi thứ hai 14–120 ngày (trung bình là 66 ngày) và 92% sau khi tiêm trên 120 ngày (trung bình là 141 ngày); giá trị này đối với vắc xin Pfizer-BioNTech là 91% sau khi tiêm liều vắc xin thứ hai từ 14 - 120 ngày (trung bình là 69 ngày) nhưng giảm đáng kể xuống 77% sau tiêm trên 120 ngày (trung bình là 143 ngày) (p <0,001).

 

Mặc dù dữ liệu trên thực thực tế cho thấy một số thay đổi về mức độ bảo vệ của vắc-xin, nhưng tất cả vắc-xin COVID-19 được FDA phê duyệt đều cho thấy khả năng bảo vệ đáng kể, giảm tỷ lệ nhập viện do COVID-19.

Nguồn: https://www.cdc.gov/mmwr/volumes/70/wr/mm7038e1.htm

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top