Tức giận là một phản ứng cảm xúc sinh lý tự nhiên, có vai trò cảnh báo và huy động cơ thể đối phó với mối đe dọa. Tuy nhiên, khi cảm xúc này xảy ra quá thường xuyên, quá mức cần thiết hoặc kéo dài không tương xứng với tác nhân khởi phát, tức giận trở thành yếu tố nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe thể chất và tâm thần.
Tức giận kích hoạt phản ứng stress cấp tính thông qua trục hạ đồi - tuyến yên - tuyến thượng thận (HPA axis), làm tăng tiết adrenaline và cortisol, gây ra hàng loạt thay đổi sinh lý như:
Tăng nhịp tim và huyết áp
Tăng sức co bóp cơ tim
Co mạch ngoại vi
Tình trạng này, nếu kéo dài hoặc tái diễn thường xuyên, làm tăng nguy cơ:
Tăng huyết áp
Xơ vữa động mạch
Bệnh mạch vành
Nhồi máu cơ tim
Đột quỵ
Một số nghiên cứu lâm sàng cho thấy nguy cơ nhồi máu cơ tim tăng gấp đôi trong vòng 2 giờ sau cơn giận dữ mạnh. Ngoài ra, tính khí dễ cáu giận cũng liên quan đến tỷ lệ tử vong do nguyên nhân tim mạch cao hơn.
Căng thẳng cảm xúc và tức giận có thể gây rối loạn chức năng của hệ thần kinh ruột (enteric nervous system), ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa:
Tăng nguy cơ rối loạn chức năng dạ dày - ruột
Tăng các triệu chứng: đau bụng, đầy hơi, tiêu chảy
Làm nặng thêm các bệnh lý mạn tính như: hội chứng ruột kích thích (IBS), viêm ruột (IBD) và trào ngược dạ dày thực quản (GERD)
Tức giận thường xuyên có liên quan đến:
Rối loạn lo âu
Rối loạn trầm cảm
Khó kiểm soát cảm xúc
Suy giảm khả năng tập trung và nhận thức
Theo Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ (APA), tức giận kéo dài có thể làm biến đổi lối suy nghĩ, tăng xu hướng thù địch, nghi ngờ và né tránh xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến các mối quan hệ cá nhân và xã hội, làm giảm chất lượng cuộc sống.
Tức giận được chứng minh có mối liên quan với các rối loạn giấc ngủ. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng:
Người có mức độ giận dữ cao có nguy cơ mất ngủ hoặc ngủ không sâu cao hơn từ 40–70%
Tức giận làm tăng kích thích thần kinh, gây khó khăn trong việc khởi phát và duy trì giấc ngủ
Giấc ngủ bị ảnh hưởng kéo dài có thể làm trầm trọng thêm các rối loạn cảm xúc, đồng thời ảnh hưởng đến hệ miễn dịch và chuyển hóa của cơ thể.
Tức giận là phản ứng sinh lý tự nhiên và có thể mang lại lợi ích nhất định trong các tình huống cấp thiết. Tuy nhiên, sự tức giận mãn tính và không được kiểm soát là một yếu tố nguy cơ quan trọng đối với nhiều bệnh lý thể chất và tâm thần, đặc biệt là các bệnh lý tim mạch, tiêu hóa, rối loạn lo âu – trầm cảm và rối loạn giấc ngủ.
Việc áp dụng các biện pháp quản lý tức giận lành mạnh như liệu pháp hành vi nhận thức (CBT), thư giãn, thiền chánh niệm, tập thể dục thường xuyên và hỗ trợ tâm lý là cần thiết để duy trì sức khỏe toàn diện.