Ung thư là bệnh lý đặc trưng bởi sự tăng sinh bất thường và mất kiểm soát của các tế bào, có thể xảy ra ở bất kỳ cơ quan hoặc mô nào trong cơ thể. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ung thư là nguyên nhân tử vong đứng thứ hai toàn cầu. Trong khi phần lớn các trường hợp ung thư được chẩn đoán ở người trên 50 tuổi, tỷ lệ mắc một số loại ung thư ở người dưới 50 tuổi đã tăng đáng kể từ những năm 1990, với xu hướng gia tăng trên toàn cầu.
Ung thư khởi phát sớm (early-onset cancer) không chỉ làm tăng nguy cơ tử vong, mà còn gây ra các biến chứng lâu dài như: rối loạn sinh sản, bệnh tim mạch, ung thư thứ phát và tăng nguy cơ gặp tác dụng phụ kéo dài từ điều trị ung thư. Do đó, việc nhận diện và can thiệp sớm các yếu tố nguy cơ có ý nghĩa quan trọng trong dự phòng và kiểm soát bệnh.
Một nghiên cứu phân tích xu hướng dịch tễ từ năm 2000 đến 2012 đã ghi nhận sự gia tăng tỷ lệ mắc ở người <50 tuổi đối với 14 loại ung thư, bao gồm:
Ung thư vú
Ung thư đại trực tràng
Ung thư nội mạc tử cung
Ung thư thực quản
Ung thư đầu – cổ
Ung thư dạ dày
Ung thư thận
Ung thư tuyến tụy
Ung thư tuyến tiền liệt
Ung thư tuyến giáp
Đa u tủy xương
Phân tích các dữ liệu lâm sàng và sinh học phân tử cho thấy các đặc điểm khác biệt giữa ung thư khởi phát sớm và muộn, gợi ý vai trò nổi bật của các yếu tố môi trường và lối sống từ giai đoạn sớm của cuộc đời trong bệnh sinh ung thư.
Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh rằng ung thư khởi phát sớm có liên quan đến sự tích lũy tổn thương tế bào qua nhiều năm, bắt đầu từ tuổi thơ, tuổi vị thành niên và thanh niên. Quá trình thay đổi hành vi lối sống mang tính "Tây hóa" từ giữa thế kỷ 20 đã tác động đến nguy cơ ung thư hiện nay.
Các yếu tố nguy cơ bao gồm:
Chế độ ăn kiểu phương Tây: Giàu chất béo bão hòa, thịt đỏ, thực phẩm chế biến sẵn, đường tinh luyện; thiếu rau xanh, trái cây, chất xơ và ngũ cốc nguyên hạt.
Giảm tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ, tăng sử dụng sữa công thức ở trẻ sơ sinh.
Tăng tiêu thụ rượu và các đồ uống chứa cồn.
Hút thuốc lá, bao gồm cả phơi nhiễm thụ động và phơi nhiễm trong tử cung.
Thiếu ngủ mãn tính, đặc biệt do tiếp xúc ánh sáng nhân tạo vào ban đêm ở trẻ em.
Làm việc theo ca đêm, ảnh hưởng đến nhịp sinh học, thúc đẩy béo phì và rối loạn chuyển hóa.
Thay đổi mô hình sinh sản: Dậy thì sớm, giảm sinh con, tuổi sinh con đầu và cuối muộn hơn, tăng sử dụng biện pháp tránh thai nội tiết.
Lối sống tĩnh tại, ít hoạt động thể lực.
Gia tăng tỷ lệ đái tháo đường type 2 ở người trẻ tuổi.
Một điểm đáng lưu ý là 8/14 loại ung thư được phân tích liên quan trực tiếp đến hệ tiêu hóa, điều này cho thấy vai trò tiềm năng của hệ vi sinh vật ruột và miệng trong bệnh sinh ung thư.
Các yếu tố lối sống kể trên có thể làm tăng nguy cơ ung thư thông qua các cơ chế sinh học như:
Tăng viêm mạn tính mức độ thấp.
Gây mất cân bằng vi khuẩn có lợi – hại trong hệ vi sinh vật ruột (dysbiosis).
Ảnh hưởng đến biểu hiện gen thông qua thay đổi biểu sinh (epigenetic modifications).
Thúc đẩy stress oxy hóa và tổn thương DNA.
Phá vỡ điều hòa chu kỳ tế bào và quá trình apoptosis.
Tất cả các yếu tố này góp phần hình thành môi trường vi mô thuận lợi cho sự khởi phát và tiến triển của ung thư.
Các chuyên gia khuyến nghị thực hiện thay đổi lối sống tích cực nhằm giảm nguy cơ ung thư khởi phát sớm, bao gồm:
Tuân thủ chế độ ăn cân bằng, giàu chất xơ, rau củ, trái cây, hạn chế thịt đỏ, đồ ăn nhanh và đường tinh luyện.
Hạn chế rượu bia.
Tránh hoàn toàn thuốc lá và môi trường khói thuốc.
Tăng cường hoạt động thể lực, ít nhất 150 phút/tuần.
Duy trì cân nặng khỏe mạnh, phòng chống béo phì.
Ngủ đủ giấc và đúng nhịp sinh học, hạn chế làm việc ca đêm nếu có thể.
Tiêm phòng vắc-xin HPV và HBV để phòng ngừa các ung thư liên quan đến virus (cổ tử cung, gan).
Đảm bảo an toàn thực phẩm: Tránh sử dụng thực phẩm ôi thiu, ẩm mốc hoặc không rõ nguồn gốc.
Khám sức khỏe định kỳ và tầm soát ung thư (như vú, cổ tử cung, đại trực tràng) theo hướng dẫn y tế, đặc biệt với người có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư.
Xu hướng gia tăng ung thư ở người trẻ tuổi là một vấn đề sức khỏe cộng đồng cần được quan tâm. Bằng chứng hiện tại cho thấy lối sống trong những thập kỷ đầu đời có ảnh hưởng rõ rệt đến nguy cơ ung thư về sau. Do đó, can thiệp sớm bằng giáo dục sức khỏe, chính sách dinh dưỡng, và kiểm soát các yếu tố môi trường là chiến lược then chốt trong dự phòng ung thư khởi phát sớm.