Lạnh bàn tay là biểu hiện lâm sàng thường gặp, có thể xảy ra ở nhiều đối tượng khác nhau, không phân biệt tuổi hay giới. Trong phần lớn các trường hợp, đây là phản ứng sinh lý bình thường của cơ thể nhằm thích nghi với nhiệt độ môi trường. Tuy nhiên, khi hiện tượng này xảy ra thường xuyên, kéo dài hoặc xuất hiện ngay cả trong điều kiện nhiệt độ môi trường bình thường, cần được lưu ý vì có thể là biểu hiện của một số bệnh lý tiềm ẩn liên quan đến tuần hoàn, thần kinh, nội tiết hoặc bệnh mô liên kết.
Trong điều kiện bình thường, cơ thể điều chỉnh nhiệt độ thông qua co giãn mạch máu ngoại biên. Khi tiếp xúc với nhiệt độ thấp, các mạch máu ở đầu chi (tay, chân) có thể co lại (vasoconstriction) để giảm mất nhiệt và ưu tiên máu nuôi các cơ quan trung tâm. Tuy nhiên, khi co mạch xảy ra quá mức, bất thường hoặc không phù hợp với điều kiện môi trường, hiện tượng lạnh đầu chi có thể trở thành biểu hiện bệnh lý.
Ngoài cảm giác lạnh ở bàn tay, người bệnh có thể kèm theo các triệu chứng sau:
Tê bì, ngứa râm ran hoặc cảm giác kiến bò
Thay đổi màu sắc da ngón tay (trắng, xanh tím, đỏ)
Loét đầu ngón, phồng rộp hoặc thay đổi cấu trúc móng
Cứng, căng da, giảm linh hoạt vận động bàn tay
Lạnh bàn chân, ngón chân đi kèm
4.1. Sinh lý
Tiếp xúc với môi trường lạnh, thay đổi nhiệt độ đột ngột
Căng thẳng tâm lý, lo âu
4.2. Bệnh lý
Rối loạn mạch máu:
Bệnh Raynaud: co thắt mạch máu từng cơn, đặc trưng bởi thay đổi màu da ngón tay (trắng – xanh – đỏ) khi gặp lạnh hoặc căng thẳng.
Hội chứng Buerger: viêm tắc động mạch liên quan đến hút thuốc, có thể gây đau và hoại tử đầu chi.
Bệnh động mạch ngoại biên (PAD): thường gặp ở người lớn tuổi, đái tháo đường, hút thuốc lá.
Rối loạn mô liên kết:
Xơ cứng bì hệ thống
Lupus ban đỏ hệ thống
Viêm đa cơ, viêm khớp dạng thấp
Bệnh nội tiết – chuyển hóa:
Suy giáp: giảm chuyển hóa cơ bản, giảm sinh nhiệt.
Đái tháo đường: biến chứng thần kinh ngoại biên ảnh hưởng cảm giác và điều hòa vận mạch.
Chấn thương – nhiễm độc:
Tổn thương thần kinh ngoại biên do chấn thương vùng cổ tay, khuỷu tay.
Phơi nhiễm hóa chất (ví dụ vinyl chloride).
Tác dụng phụ thuốc:
Nhóm thuốc chẹn beta giao cảm
Ergotamine
Thuốc tránh thai, thuốc điều trị cảm, thuốc điều trị Raynaud
Chuyển động lặp đi lặp lại:
Gõ phím, chơi nhạc cụ, thao tác máy rung kéo dài
Để xác định nguyên nhân gây lạnh tay, cần khai thác kỹ tiền sử bệnh lý, nghề nghiệp, thuốc đang sử dụng và tiến hành khám lâm sàng phối hợp với các xét nghiệm hỗ trợ:
Test kích lạnh: đánh giá phản ứng mạch máu với lạnh.
Soi mao mạch nền móng (nailfold capillaroscopy): giúp phát hiện tổn thương mao mạch trong xơ cứng bì.
Xét nghiệm máu: định lượng TSH, T3, T4 (tuyến giáp), HbA1c (đái tháo đường), ANA, anti-centromere, anti-Scl70 (bệnh mô liên kết).
6.1. Điều trị nguyên nhân
Bệnh Raynaud: không có thuốc chữa khỏi hoàn toàn, nhưng có thể kiểm soát triệu chứng bằng:
Chẹn kênh canxi (nifedipin)
Nitrat tại chỗ hoặc đường uống
Ức chế PDE-5 (sildenafil)
Trong trường hợp nặng: tiêm botulinum toxin A, phẫu thuật cắt hạch giao cảm
Suy giáp: dùng hormone thay thế (levothyroxine)
Bệnh động mạch ngoại biên: thay đổi lối sống, thuốc giãn mạch, chống kết tập tiểu cầu
Bệnh mô liên kết: điều trị theo phác đồ chuyên khoa thấp khớp
6.2. Biện pháp hỗ trợ không dùng thuốc
Giữ ấm cơ thể và bàn tay khi thời tiết lạnh: sử dụng găng tay, máy giữ ấm tay.
Tránh tiếp xúc với nhiệt độ lạnh đột ngột.
Tránh hút thuốc lá và sử dụng các sản phẩm chứa nicotine.
Giảm căng thẳng tâm lý, duy trì lối sống lành mạnh.
Bảo hộ tốt khi làm việc với máy móc, hóa chất hoặc trong môi trường lạnh.
Lạnh bàn tay có thể là biểu hiện sinh lý thông thường hoặc là triệu chứng của nhiều bệnh lý nghiêm trọng cần được chẩn đoán và điều trị sớm. Khi hiện tượng này kéo dài, tái diễn hoặc kèm theo các triệu chứng bất thường khác như thay đổi màu sắc da, loét đầu chi, người bệnh cần được khám chuyên khoa để xác định nguyên nhân và có hướng xử trí phù hợp. Việc thay đổi lối sống, kiểm soát các yếu tố nguy cơ kết hợp với điều trị nguyên nhân có thể giúp cải thiện đáng kể tình trạng lạnh tay và phòng ngừa biến chứng.