Gân là các dải mô liên kết giàu collagen có chức năng truyền lực từ cơ đến xương, đóng vai trò thiết yếu trong vận động. Ở người bệnh đái tháo đường (ĐTĐ), đặc biệt khi đường huyết không được kiểm soát tốt, gân có nguy cơ bị tổn thương do những biến đổi cấu trúc và chức năng, dẫn đến đau, giảm khả năng vận động và tăng nguy cơ biến chứng.
Một trong những cơ chế chính gây tổn thương gân ở bệnh nhân ĐTĐ là do sự tích lũy các sản phẩm cuối cùng của quá trình glycat hóa (Advanced Glycation End Products - AGEs). AGEs hình thành khi glucose trong máu phản ứng với protein hoặc lipid, xảy ra với tốc độ cao ở người có tăng đường huyết mạn tính.
Gân được cấu tạo chủ yếu từ collagen type I. Khi AGEs gắn kết với các sợi collagen, chúng làm thay đổi cấu trúc không gian của protein này, dẫn đến giảm độ đàn hồi, làm gân trở nên dày, cứng và dễ tổn thương hơn. Điều này khiến gân kém chịu lực và dễ rách ngay cả trong các hoạt động thường ngày.
Một số rối loạn gân thường gặp ở người bệnh ĐTĐ bao gồm:
Viêm bao khớp vai thể đông cứng (frozen shoulder): đau và hạn chế vận động vai do dày dính bao khớp và gân quanh vai.
Rách chóp xoay (rotator cuff tear): tổn thương các gân cơ bao quanh khớp vai, đặc biệt là cơ trên gai.
Ngón tay lò xo (trigger finger): tình trạng co kéo gân gấp gây kẹt ngón tay ở tư thế gập.
Hội chứng ống cổ tay (carpal tunnel syndrome): chèn ép thần kinh giữa gây tê, ngứa ran ở ngón tay và yếu tay.
Co rút Dupuytren: dày mô dưới da lòng bàn tay làm ngón tay co rút không duỗi thẳng được.
Tổn thương gân Achilles: gây đau và hạn chế vận động ở mắt cá chân.
Tổn thương gân không chỉ là hậu quả của ĐTĐ mà còn có thể làm trầm trọng thêm khả năng kiểm soát bệnh do hạn chế vận động và làm suy giảm hiệu quả của hoạt động thể chất.
Ví dụ: tổn thương gân Achilles có thể gây hạn chế cử động cổ chân, làm tăng áp lực lên bàn chân khi đi lại, từ đó tăng nguy cơ loét chân – một biến chứng nghiêm trọng ở bệnh nhân ĐTĐ.
5.1 Dự phòng
Kiểm soát tốt đường huyết: là biện pháp quan trọng nhất giúp ngăn ngừa tổn thương gân.
Duy trì cân nặng hợp lý: giúp giảm áp lực lên gân.
Tăng cường vận động phù hợp: giúp duy trì tính đàn hồi và sức mạnh của hệ cơ – gân.
5.2 Điều trị
Thuốc giảm đau không steroid (NSAIDs): như ibuprofen hoặc aspirin giúp giảm đau và viêm.
Thuốc giãn cơ: dùng trong trường hợp gân – cơ co cứng gây đau.
Vật lý trị liệu: giúp cải thiện biên độ vận động, giảm đau và tăng cường sức cơ.
Liệu pháp nhiệt: chườm nóng/lạnh tại vùng gân tổn thương.
Nẹp chỉnh hình: giúp bất động và hỗ trợ phục hồi gân tổn thương.
Tiêm corticosteroid tại chỗ: có thể được chỉ định trong một số trường hợp, tuy nhiên cần thận trọng do nguy cơ gây tăng đường huyết tạm thời.
Người bệnh ĐTĐ có biểu hiện đau, cứng khớp, hạn chế vận động cần được đánh giá và điều trị sớm bởi bác sĩ chuyên khoa nội tiết hoặc cơ xương khớp. Việc phối hợp kiểm soát tốt đường huyết, duy trì chế độ vận động và điều trị các tổn thương gân kịp thời sẽ giúp hạn chế biến chứng và cải thiện chất lượng sống cho người bệnh.