Tóm tắt một số điểm đồng thuận:
1. NIPT là xét nghiệm sàng lọc hiệu quả nhất đối với các lệch bội NST thường, thường gặp (trisomy 21, 13, 18) ở đơn thai - trong cả nhóm dân số chung và nhóm tăng nguy cơ. Ngoài ra có thể áp dụng NIPT sàng lọc đối với lệch bội NST giới tính (sex chromosome aneuploidy - SCA), tuy nhiên cần phải xem xét tới các khía cạnh như xã hội, kinh tế, văn hoá, đạo đức liên quan tới sàng lọc SCA dựa trên dân số.
2. NIPT có thể dương tính giả, do đó thai phụ có NIPT nguy cơ cao cần tư vấn di truyền và thực hiện test chẩn đoán xác định.
3. Hiện không đủ dữ liệu để đánh giá về khả năng và ứng dụng lâm sàng thường quy của NIPT đối với các lệch bội nhiễm sắc thể thường, hiếm (rare autosomal trisomies - RATs). Do đó không khuyến cáo NIPT mở rộng đối với RATs trong sàng lọc thường quy ở dân số không chọn lọc.
4. Trường hợp thực hiện NIPT đối với RATs và cho kết quả nguy cơ cao, cần tư vấn và quản lý cùng các chuyên gia. NIPT dương tính đối với RATs có thể khả năng cao do khảm bánh nhau khu trú (confined placental mosaicism - CPM), chọc ối là test duy nhất cung cấp thông tin hữu ích về karyotype thai.
5. Nếu NIPT trả kết quả nguy cơ cao trisomy 6, 7, 11, 14, 15, 20 (imprinted chromosome - các NST chứa các vùng dấu ấn gây ra biểu hiện phụ thuộc vào NST có nguồn gốc từ bố hay mẹ), và chọc ối cho kết quả lưỡng bội, khuyến cáo khảo sát về UPD (Uniparentaldisomy - tình trạng mà cả hai NST thai được di truyền hoàn toàn từ cha hoặc mẹ).
6. Không khuyến cáo NIPT sàng lọc thường quy đối với các bất thường dưới NST không cân bằng (mất đoạn, lặp đoạn và chuyển đoạn không cân bằng) ở dân số không chọn lọc do hiện không đủ dữ liệu để đánh giá về khả năng và ứng dụng lâm sàng của NIPT đối với loại sàng lọc này.
7. Genome-wide NIPT không nên được coi là sàng lọc toàn diện cho tất cả các CNV (Copy number Variant) gây bệnh vì nhiều CNV gây bệnh nằm dưới giới hạn độ phân giải của genome-wide NIPT.
8. Hội chứng vi mất đoạn 22q11.2 là hội chứng phổ biến nhất và chỉ có 1 nghiên cứu đánh giá sàng lọc hội chứng này dựa trên cfDNA trong một đoàn hệ có xét nghiệm di truyền ở tất cả người tham gia. Hiện không khuyến cáo NIPT đối với các hội chứng vi mất, lặp đoạn NST trong chăm sóc thường quy ở nhóm dân số không chọn lọc.
9. Trước khi thực hiện NIPT, cần có ít nhất lần siêu âm để tính tuổi thai, số thai, sinh tồn thai. Kể cả khi NIPT được coi là sàng lọc bước 1, ở những nơi nguồn lực tại chỗ cho phép, thai phụ vẫn cần có siêu âm đánh giá ở tuần 11-13. Nếu siêu âm thai có các bất thường, bao gồm cả NT >= 3,5 mm, cần thực hiện test chẩn đoán và xét nghiệm microarray NST bất kể kết quả NIPT trước đó. Hiện chưa có đồng thuận về các ngưỡng NT thay thế (ví dụ 3,0 mm hoặc BPV 99) để xác định nhóm dân số cần đặt ra test chẩn đoán.
10. Phân số thai (FF – fetal fraction) chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như tuổi thai, cân nặng mẹ, chủng tộc mẹ, karyotype thai, tình trạng sức khoẻ mẹ và có sự khác nhau giữa các phòng thí nghiệm, phương pháp xét nghiệm. Do đó các phòng lab cần thực hiện nội kiểm về giới hạn phát hiện và ngưỡng cho kết quả “no call”.
11. Cần có quy trình quản lý các trường hợp “no call” giữa phòng lab và bs lâm sàng, như: siêu âm chi tiết, NIPT lặp lại, test sàng lọc thay thế, và/hoặc test chẩn đoán xác định. Nếu liên quan về mặt kỹ thuật, các phòng lab cần xây dựng protocol để phát hiện và báo cáo về trường hợp nghi ngờ ung thư.
Nguồn: https://doi.org/10.1002/pd.6357
Người dịch: Bs Thái Doãn Minh.
Hiệu đính: Bs Hà Tố Nguyên.