✴️ Bơm truyền hóa chất liên tục (12-24 giờ) với máy IFUSOMATE-P

Nội dung

ĐẠI CƯƠNG

Truyền hoá chất liên tục là phương pháp điều trị bệnh ung thư, trong đó, thuốc hoá chất được đưa vào cơ thể qua đường tĩnh mạch liên tục, tốc độ chậm từ 12 đến 24h mỗi ngày. Tuỳ từng loại bệnh và phác đồ cụ thể mà việc truyền thuốc có thể kéo dài 12h, 24h hoặc lâu hơn (48h, 72h...). Có nhiều phương pháp truyền liên tục. Máy tiêm truyền Ifusomate-P có thể giúp đặt trước và điều chỉnh tốc độ tự động theo ý muốn của nhân viên y tế. 

 

CHỈ ĐỊNH

Các phác đồ hoá chất cần đưa thuốc vào cơ thể kéo dài, liên tục, tốc độ chậm nhằm đảm bảo nồng độ thuốc trong huyết thanh luôn ở mức hằng định mong muốn. 

 

CHỐNG CHỈ ĐỊNH

Tương đối: truyền qua tĩnh mạch ngoại biên, có thể gây viêm tĩnh mạch ngoại biên do nồng độ thuốc quá cao.

 

CHUẨN BỊ

Người thực hiện

Điều dưỡng viên đội mũ, mặc áo choàng, đeo kính, đeo khẩu trang bảo hộ và rửa tay. 

Phương tiện

Xe đẩy đựng dụng cụ 

Khay đựng dụng cụ vô khuẩn -Máy Infusomat-P

Bộ dây truyền thích hợp với máy và theo chỉ định truyền cần thiết -Các dụng cụ cần thiết cho tiêm truyền.

Thuốc hoá chất và các thuốc hỗ trợ

Bộ chống sốc phản vệ 

Các túi, hộp đựng rác thải theo phân loại

Người bệnh

Giải thích về thủ thuật, các công việc, các bước tiến hành và các biến chứng có thể xảy ra để người bệnh biết và chuẩn bị tâm lý.

Người bệnh nghỉ ngơi tại giường hoặc ghế truyền trước khi truyền

Người bệnh nên uống đầy đủ, đi đại tiểu tiện trước khi truyền

Hồ sơ bệnh án

Bệnh án cần được làm đầy đủ thủ tục hành chính, ghi nhận xét trong quá trình khám, điều trị và ghi y lệnh đầy đủ theo quy chế bệnh án.  

 

CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

Nơi tiến hành

Tiến hành tại cơ sở y tế với buồng bệnh sạch sẽ.

Kiểm tra hồ sơ 

Kiểm tra hồ sơ về chẩn đoán, chỉ định thuốc, liều dùng, đường dùng

Tuân thủ 3 kiểm tra, 5 đối chiếu trong suốt thời gian thực hiện y lệnh

Kiểm tra người bệnh

Hỏi tiền sử bệnh tật, tiền sử dị ứng của người bệnh. 

Đo mạch, nhiệt độ huyết áp

Phát hiện các bất thường và báo cho bác sỹ 

Thực hiện tiêm truyền

Sát khuẩn nút chai dung dịch, nút các lọ thuốc.

Pha thuốc hoá chất trong buồng pha thuốc. 

Các thuốc thông thường có thể pha bên ngoài hoặc trong buồng pha thuốc.

Cần pha đúng lượng thuốc với đúng loại dịch và số lượng dịch ghi trong y lệnh.

Ghi và dán nhãn vào chai thuốc đã pha: trên nhãn ghi: họ và tên người bệnh, tuổi, số bệnh án, số giường, buồng, tên thuốc, lượng dịch, số mL mỗi phút, giờ bắt đầu, giờ kết thúc, họ và tên bác sĩ cho thuốc, họ và tên điều dưỡng thực hiện.

Cố định máy vào cọc chắc chắn

Lắp bộ dây truyền (sản xuất theo máy) vào máy

Mở bộ dây truyền cắm vào chai dung dịch đẳng trương (Natri clorua 0,9  hoặc Glucose 5 ), đuổi khí, cắm kim thông khí (nếu cần). Chai dịch này dùng để đặt đường truyền trước khi đưa các thuốc vào cơ thể người bệnh.

Đẩy xe đựng các dụng cụ và mang máy Infusomate-P đến giường bệnh.

Đặt đường truyền tĩnh mạch: 

Đối với ống thông tĩnh mạch (catheter tĩnh mạch): sát khuẩn quanh nút đậy, tháo nút, lắp bơm tiêm 10 mL kiểm tra xem có bị tắc hoặc catheter ra ngoài tĩnh mạch hay không. Nếu bình thường, tháo bơm tiêm, lắp dây truyền dịch. Dùng băng dính cố định dây truyền và catheter. Điều chỉnh tốc độ truyền trên máy Infusomat-P. Cho người bệnh nằm thoải mái.

Đối với buồng tiêm truyền đặt dưới da: sát khuẩn da có đặt buồng tiêm truyền ở dưới. Lắp kim loại sử dụng riêng cho buồng tiêm truyền vào bơm tiêm 10 mL. Cắm kim vào buồng tiêm truyền, kiểm tra xem có bị tắc hoặc catheter của buồng tiêm truyền ra ngoài tĩnh mạch hay không. Nếu bình thường, tháo bơm tiêm, lắp dây truyền dịch. Dùng băng dính cố định dây truyền. Điều chỉnh tốc độ truyền trên máy Infusomat-P. Cho người bệnh nằm thoải mái.

Tiêm các thuốc hỗ trợ (chống nôn, kháng histamine, corticoid) theo y lệnh.

Chuyển từ chai dịch sang các chai có hoá chất đã pha theo y lệnh (thông thường bộ dây truyền có nhiều nhánh, chỉ việc chuyển đường truyền). Tuân thủ 3 kiểm tra, 5 đối chiếu.

Sau truyền hoá chất cần truyền dịch đẳng trương để tráng ven, số lượng theo chỉ định của bác sĩ. 

Kết thúc truyền

Đối với ống thông tĩnh mạch: Tháo dây truyền khỏi catheter và lắp nút đậy. Một số catheter cần bơm thuốc chống đông vào trong trước khi đậy nút để tránh đông máu gây tắc. Lượng thuốc chống đông sẽ do bác sĩ chỉ định trong y lệnh. Lau dịch, máu bị chảy trong khi tháo dây

Đối với buồng tiêm truyền dưới da: Bơm thuốc chống đông vào trong buồng tiêm truyền trước khi rút. Lượng thuốc do bác sĩ chỉ định trong y lệnh.

Dọn dẹp, bảo quản dụng cụ

Dọn các chai, dây truyền, kim tiêm, băng, gạc.v.v. vào đúng nơi quy định.

Rửa sạch các dụng cụ, lau khô, tiệt khuẩn.

Ghi hồ sơ: ngày giờ tiêm truyền, thời gian tiêm truyền: giờ bắt đầu và giờ kết thúc.

Các phản ứng của người bệnh (nếu có). Tên điều dưỡng thực hiện. 

 

THEO DÕI  VÀ XỬ TRÍ TAI BIẾN

Theo dõi

Điều dưỡng cần đến quan sát người bệnh và đường truyền 15 phút một lần để đề phòng các tai biến có thể xảy ra.

Xử trí tai biến

Nếu người bệnh bị phản ứng với bất kỳ thuốc nào, phải ngừng tiêm, truyền ngay và báo cáo với bác sĩ

Đối với choáng phản vệ: xử trí như choáng phản vệ với các thuốc khác.

Nếu có hiện tượng thoát mạch, cần khoá đường truyền, báo cáo bác sĩ.

Theo dõi người bệnh, nếu nôn nhiều cần báo ngay cho bác sỹ để bổ sung thuốc chống nôn kịp thời.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top