✴️ Phẫu thuật các khối u sau phúc mạc

Nội dung

ĐẠI CƯƠNG

Trong thực tiễn lâm sàng, trước một người bệnh có khối u thuộc khoang sau ổ phúc mạc, mà không thấy liên hệ trực tiếp tới một tạng rỗng hoặc tạng đặc cụ thể nào thì được gọi là u sau phúc mạc. Các công cụ chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, CT. Scanner, MRI,… sẽ giúp ích cho phẫu thuật viên trong việc xác định hình dạng, vị trí, kích thước và mức độ xâm lấn của khối u sau phúc mạc, đồng thời giúp đành giá khả năng phẫu thuật cắt bỏ khối u.

Phẫu thuật có vai trò quan trọng nhất trong việc kiểm soát các khối u sau phúc mạc, có thể đạt mục đích điều trị khỏi đối với các khối u lành tính và các khối u ác tính ở giai đoạn sớm còn khu trú tại chỗ. Hoặc giúp giảm chèn ép, giảm thiểu u tối đa, và phối hợp với các phương pháp điều trị khác như xạ trị và hóa trị liệu. 

Hiện tại mổ mở vẫn được coi là phương pháp cơ bản được dùng trong việc cắt bỏ các khối u sau phúc mạc. Một số trường hợp chọn lọc, khi khối u nhỏ còn khu trú, kèm theo ê kíp phẫu thuật viên giàu kinh nghiệm có thể tiến hành phẫu thuật nội soi cắt khối u sau phúc mạc.

 

CHỈ ĐỊNH

Các trường hợp u sau phúc mạc, thể trạng chung cho phép người bệnh có thể vượt qua một cuộc đại phẫu thuật.

 

CHỐNG CHỈ ĐỊNH

Các trường hợp có chống chỉ định chung của phẫu thuật và gây mê hồi sức.

Người bệnh và gia đình họ không chấp nhận phẫu thuật.

U xâm lấn rộng không còn khả năng cắt bỏ.

 

CHUẨN BỊ

Dụng cụ phẫu thuật:

Bộ đại phẫu ổ bụng.

Người thực hiện:

1 phẫu thuật viên chính, hai phụ mổ, 1 kíp gây mê hồi sức và dụng cụ viên.

Người bệnh:

Giải thích cho người bệnh và thân nhân của họ hoặc người giám hộ (nếu người bệnh không đủ năng lực và hành vi chịu trách nhiệm về quyết định của mình), về chỉ định phẫu thuật sẽ được áp dụng để điều trị bệnh cho người bệnh và các tai biến, biến chứng có thể xảy ra trong và sau phẫu thuật. 

Hoàn thiện các thủ tục hồ sơ bệnh án, cho người bệnh và người nhà của họ ký giấy cam đoạn chấp nhận gây mê hồi sức và phẫu thuật.

Vệ sinh thân thể, chuẩn bị ruột bằng đường uống và thụt tháo đại tràng 2 ngày trước mổ.

Dự trù 1 đến 2 đơn vị máu cùng nhóm ABO và Rh, để sẵn sàng truyền máu bổ sung nếu có mất máu nhiều trong mổ.

Dùng khàng sinh dự phòng.

 

CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

Vô cảm:

Người bệnh được gây mê toàn thân hoặc tê tủy sống có thể kết hợp làm giảm đau ngoài màng cứng để kiểm soát đau trong và sau mổ.

Tư thế:  

Người bệnh nằm ngửa hai chân dạng hoặc duỗi thẳng, tư thế phụ khoa nếu khối u ở tiểu khung, gần các cơ quan tiêu hóa và niệu sinh dục.

Sát khuẩn rộng vùng mổ và bộ phận sinh dục bằng dung dịch Polyvidine 10 và cồn 70 độ.

Phẫu thuật viên chính đứng bên phải, hoặc bên trái người bệnh, tùy thuộc vào u ở tầng trên hay dưới mạc treo đại tràng ngang. Phụ 1 và phụ 2 đứng đối diện phẫu thuật viên chính. Đối với phẫu thuật viên thuận tay trái thì ngược lại.

Kỹ thuật:

Đường mổ: Thường áp dụng đường giữa trên dưới rốn, có thể mở rộng nhiều lên trên hay dưới tùy thuộc vào vị trí u. Đối vời các trường hợp u bên phải hay trái so với cột sống có thể đi đường trắng bên tương ứng, đi trong hay ngoài phúc mạc.

Bộc lộ khoang sau phúc mạc quanh khối u, phẫu tích kiểm soát các nguồn mạch vào và ra khỏi khối u.

Có thể phải cắt một phần hoặc cắt tạng bị khối u xâm lấn vào: Cắt đoạn ruột, cắt lách, cắt tuyến thượng thận…

Kiểm tra cầm máu kỹ, lập lại khoang phúc mạc về trạng thái ban đầu.

Đặt dẫn lưu vùng mổ, và đóng kín thành bụng theo các lớp giải phẫu.

 

CHĂM SÓC VÀ THEO DÕI SAU MỔ

Nuôi dưỡng sau mổ bằng đường tĩnh mạch, đảm bảo câm bằng nước, điện giải, cho ăn nhẹ ngay vào ngày thứ 2 sau mổ hoặc khi có nhu động ruột trở lại.

Dùng kháng sinh, giảm đau, chống viêm giảm phù nề.

Theo dõi thể tích nước tiểu 24 giờ, tính chất dịch dẫn lưu, khối lượng dịch dẫn lưu. Rút ống dẫn lưu 3 đến 4 ngày sau mổ nếu dịch không còn.

 

TAI BIẾN VÀ BIẾN CHỨNG

Mất máu trong mổ: Thường do thương tổn các mạch lớn như động mạch chủ bụng, các mạch mạc treo tràng, mạch thận, mạch chậu… 

Thủng tạng rỗng, ruột non, đại trực tràng.

Hoại tử ruột do nhồi máu hoặc soắn mạc treo ruột.

Dò hoặc bục miệng nối tiêu hóa.

Các tai biến, biến chứng của gây mê hồi sức…

Tùy vào kết quả của mô bệnh học mà quyết định có hóa hoặc xạ trị bổ trợ không.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top