✴️ Sử dụng morphine cho người bệnh khó thở

ĐỊNH NGHĨA

Là biện pháp sử dụng thuốc Morphine nhằm mục đích: Làm giảm mức độ triệu chứng khó thở cho người bệnh, làm giảm sự lo lắng cho người bệnh và làm giảm sự khó chịu của người bệnh trong khi đợi sự can thiệp của các biện pháp y học khác trong quá trình điều trị các bệnh chính.

 

CHỈ ĐỊNH

Người bệnh có triệu chứng khó thở với mức độ vừa hoặc nặng

 

CHỐNG CHỈ ĐỊNH

Người bệnh khó thở nhịp chậm dưới 12 lần/phút

Trường hợp dị ứng với Morphine

 

CHUẨN BỊ

Người thực hiện

Bác sỹ: Khám lâm sàng, tìm nguyên nhân gây khó thở và xử trí theo nguyên nhân như nhiễm trùng, COPD, ung thư phổi nguyên phát hay thứ phát, bệnh suy tim xung huyết, tràn dịch màng phổi, khối u hạ họng thanh quản, tràn dịch ổ bụng mức độ nhiều, thiếu máu, rối loạn chuyển hóa…

Điều dưỡng: chuẩn bị thuốc, dụng cụ, chăm sóc người bệnh, hướng dẫn dùng Morphine, ghi chép phiếu chăm sóc…

Phương tiện

Ống nghe, đồng hồ đếm nhịp thở, huyết áp kế, bơm tiêm 10ml (hay 1ml), nước cất, hoặc 1 lọ đựng thuốc Morphine pha nếu dùng đường uống liều nhỏ.

Thuốc:

Morphine ống dạng tác dụng nhanh cho đường tiêm, hoặc 

Morphine viên dạng tác dụng nhanh cho đường uống

Người bệnh

Hồ sơ bệnh án

Được ghi chép đầy đủ: nguyên nhân, mức độ khó thở trước và sau khi dùng Morphine, liều và đường dùng Morphine thường xuyên và đột xuất

Nơi thực hiện:

Tại bệnh phòng hay tại nhà

 

CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

Bước 1. Thực hiện các biện pháp không thuốc cho người bệnh như nằm đầu cao, nới lỏng quần áo, phòng thoáng, quạt nhẹ vào mặt, cho thở Oxy (nếu có thể)

Bước 2. Đánh giá mức độ khó thở của người bệnh theo quan sát lâm sàng, và/hoặc theo thang điểm từ 0 đến 10 (với 0 điểm=không khó thở, 10 điểm=khó thở khủng khiếp). Nhận định mức độ khó thở của người bệnh làm căn cứ chỉ định Morphine:

Mức độ nhẹ: từ 1 đến 3/10 điểm

Mức độ vừa: từ 4 đến 6/10 điểm

Mức độ nặng: từ 7 đến 10/10 điểm

Chỉ định Morphine khi người bệnh có mức độ khó thở từ vừa đến nặng.

Bước 3. Giải thích mục đích dùng Morphine cho việc giảm khó thở.

Bước 4. Khởi liều Morphine 5mg đường uống hay 2mg đường tiêm (dưới da hay tĩnh mạch) với người bệnh lần đầu dùng Morphine

Đánh giá lại hiệu quả liều khởi đầu sau 15-30 phút nếu uống hay 5-10 phút nếu tiêm. Duy trì liều trênmỗi 4-6 giờ nếu hiệu quả giảm mức độ khó thở trên 50 . Có thể cho thêm liều đột xuất.

Bước 5. Thêm liều tương tự liều khởi đầu nếu hiệu quả giảm khó thở dưới 50 . Đánh giá lại sau mỗi 15-30 phút đường uống hay 5-10 phút đường tiêm. Tính tổng liều Morphine trong 4-6 -12 giờ sau đó để có liều duy trì tiếp theo.

Bước 6. Đánh giá lại mức độ khó thở của người bệnh vào các ngày sau để điều chỉnh liều Morphine cho phù hợp với tổng thể đáp ứng điều trị chung của người bệnh theo bệnh chính.

Bước 7. Nếu người bệnh đang dùng Morphine cho các chỉ định khác như đau và xuất hiện khó thở mức độ vừa hay nặng, thêm Morphine với liều bằng 10-15  tổng liều Morphine 24 giờ. Đánh giá lại sau liều này theo quy trình trên.

Bước 8. Theo dõi sát nhịp thở của người bệnh và xử trí ngộ độc Morphine khi nhịp thở dưới 12 lần/phút với Naloxone.

Bước 9. Thêm nhóm thuốc an thần như Diazepam 5-10mg, nếu người bệnh trong cơn khủng hoảng thở‖ và hoảng loạn do khó thở. Không dùng đơn độc thuốc an thần cho người bệnh khó thở.

Bước 10. Hướng dẫn người bệnh và gia đình: chăm sóc toàn trạng, tư thế, dinh dưỡng, tinh thần…cách dùng Morphine tại nhà theo giờ và đột xuất, cách bảo quản và quản lý Morphine an toàn

 

THEO DÕI VÀ XỬ TRÍ TAI BIẾN

Theo dõi

Nhịp thở, mức độ khó thở, hiệu quả Morphine, các tác dụng phụ…

Xử trí tai biến

Buồn nôn, nôn:

Có thể gặp ngay ở liều Morphine đầu tiên, sẽ hết sau vài ngày, xử trí với Metochlopramide 10 mg/lần x 2-3 lần/ngày

Buồn ngủ, lơ mơ:

Có thể xuất hiện sớm, cần theo dõi nhịp thở của người bệnh ssau sử dụng Morphine và giảm liều Morphine nếu cần.

Táo bón:

Xuất hiện muộn sau vài ngày, nên cho thêm thuốc nhuận tràng kèm theo khi chỉ định Morphine cho khó thở.

Ức chế hô hấp:

Rất hiếm xảy ra, theo d i sát nhịp thở nếu dưới 12 lần/phút, xử trí với Naloxone theo chỉ dẫn và giảm liều Morphine.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top