✴️ Bài tập khớp vai sau phẫu thuật

Nội dung

Tùy theo tính chất và mức độ tổn thương ở khớp vai mà bác sĩ điều trị sẽ chỉ định liệu trình luyện tập với các bài tập phù hợp cho người bệnh. Trong trường hợp bệnh nhân vừa mới thực hiện phẫu thuật khớp vai (phẫu thuật chóp xoay khớp vai, phẫu thuật thay khớp do thoái hóai…), bài tập vật lý trị liệu phục hồi chức năng khớp vai sau phẫu thuật dưới đây có thể được bác sĩ xem xét và chỉ định. Bài tập này chỉ mang tính chất tham khảo, người bệnh nên hỏi ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia vật lý trị liệu trước khi thực hiện.

 

♦ Khởi động: Làm nóng cơ thể từ 5 -10 phút bằng cách đi bộ hoặc đạp xe tại chỗ.

♦ Thực hiện bài tập:

Bài tập 1: Đung đưa cánh tay

  • Đưa người ra trước với tư thế chống 1 tay lên trên bàn, tay kia thả lỏng.
  • Đung đưa cánh tay thả lỏng ra trước ra sau nhẹ nhàng, sau đó xoay sang trái sang phải theo vòng tròn.
  • Đổi tay và thực hiện tương tự.

Chú ý: Không xoay lưng và đầu gối.

 

Bài tập 2: Chéo tay

  • Thả lỏng khớp vai, từ từ đưa 1 tay bắt chéo qua ngực, tay còn lại giữ cánh tay ở phần trên khuỷu tay.
  • Giữ và kéo giãn cánh tay bắt chéo càng xa càng tốt trong vòng 30 giây.
  • Thư giãn 30 giây rồi thay đổi tay và thực hiện tương tự.

Chú ý: Không kéo và đẩy tại vùng khuỷu tay của tay bắt chéo.

 

Bài tập 3: Xoay trong thụ động (sau)

Dụng cụ: Gậy thẳng hoặc cây thước dài

  • Tay phải giữ gậy phía sau lưng, tay trái túm lấy 1 đầu gậy.
  • Tay phải kéo theo hướng ngang sang phải sao cho vai và tay trái bị kéo thụ động mà không gây đau.
  • Giữ tư thế này trong 30 giây rồi thư giãn 30 giây.
  • Đổi tay và thực hiện tương tự, mỗi bên tay lặp lại 4 lần.

Chú ý: Không nghiêng người, vặn người khi kéo tay.

 

Bài tập 4: Xoay trong thụ động (trước)

Dụng cụ: Gậy thẳng hoặc cây thước dài

  • Tay phải giữ gậy phía trước bụng, tay trái túm lấy 1 đầu gậy.
  • Giữ vai và khuỷu tay phải sát vào thân người rồi đẩy gậy theo phương ngang đến điểm kéo mà không gây đau.
  • Giữ tư thế này trong 30 giây rồi thư giãn 30 giây.
  • Đổi tay và thực hiện tương tự, mỗi bên tay lặp lại 4 lần.

Chú ý: Không vặn người khi đẩy tay, đùi giữ thẳng.

 

Bài tập 5: căng giãn tư thế nằm

  • Người bệnh nằm nghiêng trên giường/sàn nhà sao cho thân người nằm trên một bên cánh tay đau, đầu kê lên gối.
  • Tay còn lại đè vào tay đau đến khi nào thấy đau.
  • Giữ tư thế này trong 30 giây rồi thư giãn 30 giây.
  • Lặp lại bài tập 4 lần, mỗi ngày thực hiện bài tập 3 lần.

Chú ý: Không đè vào bàn tay hay bẻ cổ tay đau xuống.

 

Bài tập 6: Kéo tư thế đứng

Dụng cụ: 3 sợi dây chun căng giãn tốt, có chiều dài bằng 3 gan tay.

  • Cột 2 đầu của 3 sợi dây chun với nhau, cố định dây chun vào tay nắm cửa hoặc một vị trí cố định.
  • Đứng thẳng người, tay đau giữ sát vào thân người, từ từ kéo và thả dây chun ra.
  • Lặp lại bài tập 8 lần, mỗi ngày thực hiện bài tập 3 lần, tập  3 ngày/tuần.

Chú ý: Ép đai vai cùng với lực kéo.

 

Bài tập 7: xoay ngoài vai dạng 90 độ

Dụng cụ: 3 sợi dây chun căng giãn tốt, có chiều dài bằng 3 gan tay.

  • Cột 2 đầu của 3 sợi dây chun với nhau, cố định dây chun vào tay nắm cửa hoặc một vị trí cố định.
  • Đứng thẳng người, dạng vai 90 độ, khuỷu tay gập 90 độ, nắm lấy dây thun rồi nâng cánh tay cho đến ngang đầu.
  • Từ từ trở về vị trí ban đầu.
  • Lặp lại bài tập 8 lần, mỗi ngày thực hiện bài tập 3 lần, tập 3 ngày/tuần.

Chú ý: Khuỷu tay dang ngang bằng vai.

 

Bài tập 8: xoay trong vai

Dụng cụ: 3 sợi dây chun căng giãn tốt, có chiều dài bằng 3 gan tay.

  • Cột 2 đầu của 3 sợi dây chun với nhau, cố định dây chun vào tay nắm cửa hoặc một vị trí cố định.
  • Đứng thẳng người, ép cánh tay sát vào thân người, khuỷu tay gập 90 độ, nắm lấy dây thun rồi kéo sao cho khuỷu tay gập trước bụng 1 góc 90 độ.
  • Từ từ trở về vị trí ban đầu.
  • Lặp lại bài tập 8 lần, mỗi ngày thực hiện bài tập 3 lần, tập 3 ngày/tuần.

Chú ý: Khuỷu tay ép sát người.

 

Bài tập 9: Xoay ngoài vai

Dụng cụ: 3 sợi dây chun căng giãn tốt, có chiều dài bằng 3 gan tay.

  • Cột 2 đầu của 3 sợi dây chun với nhau, cố định dây chun vào tay nắm cửa hoặc một vị trí cố định.
  • Đứng thẳng người, khuỷu tay ép sát thân người, đưa ra trước tạo thành góc 90 độ.
  • Nắm lấy dây chun rồi kéo cẳng tay ra ngoài.
  • Từ từ trở về vị trí ban đầu.
  • Lặp lại bài tập 8 lần, mỗi ngày thực hiện bài tập 3 lần, tập 3 ngày/tuần.

Chú ý: Khuỷu tay ép sát người.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top