1. Viêm dây thần kinh tai là gì?
Viêm dây thần kinh tai hay viêm dây thần kinh thính giác là tình trạng viêm dây thần kinh số 8. Đây là một trong mười hai đôi dây thần kinh sọ não, nằm ở phần tai trong và có vai trò truyền các xung động thần kinh giữa não và bộ phận thính giác – tiền đình. Vì vậy, dây thần kinh tai đảm bảo khả năng nghe và giữ thăng bằng của cơ thể. Khi dây thần kinh này tổn thương có thể khiến cơ thể mất thăng bằng cùng nhiều triệu chứng khó chịu khác.
Bệnh có thể gặp phải ở mọi lứa tuổi, nhưng ít gặp ở trẻ em và gặp nhiều ở người cao tuổi.
2. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng viêm dây thần kinh thính giác
Phần lớn các trường hợp viêm dây thần kinh số 8 là do virus. Những loại virus có thể gây viêm dây thần kinh này bao gồm:
– Virus Herpes
– Virus sởi
– Virus cúm
– Virus quai bị
– Virus viêm gan
– Virus bại liệt
– Virus Rubella
Viêm dây thần kinh thính giác cũng có thể do viêm tai giữa hay viêm màng não. Trong nhiều trường hợp, dây thần kinh tai có thể bị nhiễm độc do ảnh hưởng của các độc tố, rượu, nicotine, thuốc và các kim loại nặng. Ngoài ra, bệnh thường xảy ra ở những người sống và làm việc trong môi trường bị ô nhiễm tiếng ồn hay người bị chấn thương âm thanh. Người bị viêm dây thần kinh thính giác cũng có thể do bị u dây thần kinh thính giác. Tuổi tác đóng vai trò quan trọng trong việc làm giảm sức khỏe của dây thần kinh. Vì vậy, người lớn tuổi thường mắc các bệnh về dây thần kinh số 8.
3. Triệu chứng của bệnh
Bệnh viêm dây thần kinh số 8 thường biểu hiện thành các triệu chứng như sau:
– Giảm thính lực
– Ù tai
– Đau tai dữ dội
– Tăng huyết áp
– Nhìn thấy các điểm trước mắt
– Khó nhìn
– Giảm khả năng hiểu lời nói
– Mất thăng bằng cơ thể
– Mất khả năng định vị phương hướng
– Chóng mặt đột ngột
– Suy giảm tập trung
– Buồn nôn, nôn
Tùy từng mức độ bệnh và nguyên nhân gây bệnh mà các triệu chứng này biểu hiện khác nhau ở mỗi bệnh nhân. Do vậy, khi thấy một hoặc một số biểu hiện trên, người bệnh cần gặp các bác sĩ chuyên khoa để được khám và chẩn đoán chính xác.
4. Các giai đoạn phát triển của bệnh
Các giai đoạn và mức độ phát triển của bệnh được phân loại dựa vào thính lực của người bệnh.
– Giai đoạn 1: Người bệnh vẫn có thể nghe tiếng thì thầm trong vòng 3 mét, và nghe thấy tiếng nói bình thường trong vòng 6 mét.
– Giai đoạn 2: Người bệnh có thể nghe tiếng thì thầm trong vòng 1 mét, và nghe thấy tiếng nói bình thường trong vòng 4 mét.
– Giai đoạn 3: Người bệnh không thể nghe thấy tiếng thì thầm, và nghe thấy tiếng nói bình thường trong vòng 1 mét.
– Giai đoạn 4: Người bệnh chỉ có thể nghe thấy một số loại âm thanh nhất định.
– Giai đoạn 5: Người bệnh không nghe được gì (tình trạng điếc hoàn toàn).
5. Phương pháp chẩn đoán bệnh viêm dây thần kinh trong tai
Các xét nghiệm được đưa ra bao gồm:
– Xét nghiệm thính giác
– Xét nghiệm tiền đình
– Kiểm tra rung giật nhãn cầu
– Chụp MRI có cản quang để loại trừ các vấn đề khác ở não
6. Phương pháp điều trị viêm dây thần kinh số 8
6.1. Kiểm soát các triệu chứng viêm dây thần kinh tai
Mục tiêu chính của quá trình điều trị là làm giảm các triệu chứng, trong đó có:
– Buồn nôn
Bệnh nhân có thể được chỉ định các thuốc chống nôn như ondansetron hoặc metoclopramide. Nếu tình trạng ói mửa diễn tiến nghiêm trọng, bệnh nhân cần được nhập viện để truyền dịch tĩnh mạch nhằm bổ sung nước cho cơ thể.
– Chóng mặt
Bệnh nhân có thể được chỉ định các loại thuốc như meclizine, diazepam, compazine hay lorazepam.
Ngoài ra, tình trạng viêm có thể được điều trị bằng các thuốc chống viêm corticoid ở giai đoạn đầu, kèm theo các thuốc giúp giảm tình trạng buồn nôn và chóng mặt.
6.2.. Điều trị viêm dây thần kinh tai bằng thuốc kháng virus
Phần lớn các trường hợp bệnh là do virus, đặc biệt là virus Herpes. Vì vậy, bệnh nhân thường được điều trị bằng các thuốc kháng virus như acyclovir để điều trị nguyên nhân gây bệnh.
6.3. Điều trị phục hồi chức năng cho bệnh nhân
Nếu điều trị nội khoa không giúp cải thiện tình trạng bệnh trong vài tuần, bệnh nhân cần được điều trị phục hồi chức năng, đặc biệt là khả năng giữ thăng bằng của cơ thể. Một trong những bài tập vật lý trị liệu hiệu quả thường được sử dụng là bài tập Brandt – Daroff.
Cách thực hiện bài tập Brandt – Daroff:
– Bắt đầu ở vị trí ngồi thẳng, chân duỗi thẳng phía trước
– Xoay đầu sang bên phải một góc 45 độ
– Giữ tư thế này trong khoảng 30 giây
– Quay trở về tư thế ban đầu
– Lặp lại ở phía bên trái
– Tương tự ở tư thế nằm ngửa
Lưu ý, các loại thuốc hay các phương pháp điều trị phục hồi trên chỉ mang tính tham khảo và tác dụng trên mỗi người bệnh là khác nhau. Để lựa chọn được phương pháp điều trị phù hợp cho mình, bệnh nhân cần đi khám và nghe theo chỉ định của các bác sĩ chuyên khoa.
7. Phương pháp phòng ngừa bệnh
Để phòng ngừa mắc viêm dây thần kinh số 8, chúng ta nên cố gắng loại bỏ các yếu tố có khả năng gây viêm dây thần kinh như:
– Điều trị các bệnh do virus kịp thời, tránh dẫn đến biến chứng ở dây thần kinh thính giác.
– Giảm tiếng ồn của môi trường xung quanh hay thay đổi công việc, chỗ ở nếu chúng ta phải tiếp xúc với tiếng ồn quá thường xuyên. Nếu không thể phòng tránh, chúng ta cần chuẩn bị các biện pháp bảo vệ tai như bịt tai để ngăn tiếng ồn.
– Không lạm dụng thuốc hay uống thuốc không theo chỉ định của bác sĩ, đặc biệt là các loại kháng sinh có tác dụng không mong muốn với thính lực hay các thuốc điều trị lao.
– Kiểm tra sàng lọc định kì đối mũi họng, đặc biệt là những người cao tuổi.
Khi bệnh đã tiến triển nặng và trong một khoảng thời gian dài, thính lực của bệnh nhân sẽ mất đi một phần hoặc hoàn toàn. Và thính lực thường khó hồi phục. Sau khi đo thính lực để xác định mức độ viêm dây thần kinh tai, bác sĩ sẽ quyết định xem bệnh nhân có cần phải sử dụng các thiết bị hỗ trợ giúp tăng khả năng nghe hay không.
Tóm lại, bệnh viêm dây thần kinh ở tai gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người bệnh, đặc biệt là người cao tuổi. Thăm khám thường xuyên và thực hiện các biện pháp vệ sinh sạch sẽ giúp bạn phòng tránh căn bệnh này hiệu quả.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh