Tổng hợp những thông tin bạn cần biết về hồi phục sau đột quỵ
Đột quỵ ảnh hưởng đến bệnh nhân theo nhiều mức độ khác nhau. Có bệnh nhân hồi phục hoàn toàn. Ngược lại, có những bệnh nhân lại bị di chứng về thần kinh như là liệt nửa người hay là bị cấm khẩu.
Dưới đây là một số những biểu hiện do đột quỵ gây ra:
- Khả năng nói: Bệnh nhân đột quy đôi khi mất khả năng nói hoặc hiểu lời nói. Thuật ngữ y học trong trường hợp này gọi là thất ngôn. Một số bệnh nhân khác chỉ nói được ú ớ. Y học gọi là loạn vận ngôn
- Khả năng vận động và di chuyển: Bệnh nhân đột quỵ có khi bị yếu hoặc liệt nửa người bên trái hoặc bên phải. Liệt cơ có thể ở vùng mặt, tay và chân. Trường hợp này y học gọi là hội chứng liệt nửa người. Một số bệnh nhân khác lại có rối loạn dáng đi hoặc thăng bằng. Thêm vào, họ mất khả năng vận động có chủ đích, có kiểm soát, thậm chí cả khi đột quỵ không gây liệt hoặc mất cảm giác. Y học gọi là mất dùng động tác.
- Mất cảm giác: Bệnh nhân đột quỵ có khi bị mất cảm giác một phần hoặc toàn bộ nửa người một bên.
- Vấn đề ăn và nuốt: Bệnh nhân đột quỵ đôi khi có vấn đề về nuốt như khó nuốt hay bị ho sặc khi nuốt. Y học gọi là chứng khó nuốt. Bệnh nhân bị chứng này thì rất dễ bị thức ăn vào phổi, gây viêm phổi do hít. Khi đó, chỉ định đặt ống thông dạ dày cho bệnh nhân là hợp lý nhất.
- Vấn đề về khả năng suy nghĩ và tương tác với mọi người xung quanh: Bệnh nhân đột quy đôi khi bị lú lẫn cấp hoặc mất khả năng tập trung. Họ cũng có thể bị thay đổi những thói quen hàng ngày, điều này dễ gây chú ý với những người trong gia đình họ. Đôi khi họ có những cảm xúc không phù hợp. Họ có thể buồn hoặc tức giận vô cớ.
- Trầm cảm: Bệnh nhân đột quỵ có khi bị trầm cảm. Điều này làm cho đột quỵ hồi phục chậm hơn. Do đó, điều trị trầm cảm sau đột quỵ là rất quan trọng.
- Vấn đề tiểu tiện: Bệnh nhân đột quỵ có thể mất kiểm soát tiểu tiện hoặc rò nước tiểu. Y học gọi là tiểu không tự chủ. Rối loạn này thường đỡ dần theo thời gian.
Trong thời gian hồi phục, bệnh nhân cố gắng luyện tập để phục hồi một số khả năng đã mất. Thậm chí cả vùng não bị tổn thương do đột quỵ cũng có khả năng tái tạo cả về giải phẫu lẫn chức năng.
Bệnh nhân mất khả năng nói có thể học nói nhờ giúp đỡ của các nhà ngôn ngữ liệu pháp hoặc ít nhất là cũng có thể phục hồi một phần để có khả năng duy trì giao tiếp tối thiểu. Tương tự, bệnh nhân không có khả năng di chuyển, đi lại thì nhờ các kỹ thuật viên vật lý trị liệu có thể giúp đi lại được.
Các nhà ngôn ngữ liệu pháp, kỹ thuật viên vật lý trị liệu….là các chuyên gia trong lĩnh vực phục hồi chức năng. Nếu bạn bị đột quỵ, thì những chuyên gia này có thể giúp bạn:
- Giúp bạn phục hồi một số khả năng đã mất ví dụ: ngôn ngữ, khả năng nuốt…
- Đưa ra cho bạn những lời khuyên giúp bạn đối phó với những vấn đề do đột quỵ gây ra. Ví dụ như để giải quyết vấn đề trầm cảm sau đột quỵ thì ngoài dùng thuốc điều trị trầm cảm thì các chuyên gia về tâm thần có thể sử dụng phối hợp với lý liệu pháp…
Đột quỵ có hồi phục hoàn toàn hay không thì còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố:
- Kích thước tổn thương to hay nhỏ
- Vị trí vùng tổn thương như thế nào
- Tuổi của bạn già hay trẻ (Nếu trẻ thì có xu hương hồi phục tốt hơn)
- Bạn có bị các bệnh lý kèm theo như là suy tim, loạn nhịp hoàn toàn hoặc ung thư… hay không
- Tình trạng sức khỏe của bạn như thế nào trước khi bị đột quỵ
- Khi đột quỵ xảy ra bạn có được điều trị sớm hay không
Trước đây, các nhà khoa học cho rằng não bị tổn thương thì không có khả năng hồi phục. Nhưng đến nay quan điểm này đã thay đổi, vùng não bị tổn thương có khả năng hồi phục và thích ứng. Điều quan trọng là quá trình này có thể được đẩy nhanh hơn nhờ sự quyết tâm của bạn và sự can thiệp của các chuyên gia y tế.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh