Điều trị gãy xương cổ tay ở trẻ em

Khi so sánh với người lớn, xương của trẻ em mềm, dễ uốn cong và chịu biến dạng cũng như nén ép tốt hơn. Cùng với đặc điểm nhanh liền do cốt mạc liên tục và sự cung cấp máu phong phú, trẻ có độ tuổi càng nhỏ thì khả năng liền xương càng nhanh. Trong gãy xương ở trẻ em, tổn thương sụn tiếp hợp gặp từ 10-15% trường hợp, và ít trường hợp gãy vụn khi so với người lớn (trừ các trường hợp chấn thương mạnh).

Gãy xương cổ tay có nhiều nguyên nhân gây ra, và ở trẻ nhỏ thì nguyên nhân phổ biến nhất là do các tai nạn trong sinh hoạt (vui chơi, chạy nhảy, giao thông…). Khi tình trạng gãy xương xảy ra, nó có thể đi kèm với các tổn thương ở các tổ chức phần mềm xung quanh khác.

Điều trị gãy xương cổ tay như thế nào?

Để giúp xương lành lại, trẻ sẽ cần bó bột và có thể là nẹp hoặc treo tay cố định. Loại bó bột mà trẻ cần tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của vết gãy hoặc vết nứt gãy ở xương.

Thông thường, những trường hợp gãy xương nhẹ thường chỉ cần bó bột một nửa vùng cẳng tay. Khi một trường hợp gãy xương nghiêm trọng, lúc đó có thể sẽ cần bó bột toàn bộ cả cánh tay.

Bó bột nửa cánh tay

Khi chỉ bó bột vùng cẳng tay (nửa cánh tay), thời gian cần thiết là trong khoảng từ ba đến bốn tuần. Khoảng một tuần sau khi bó bột, trẻ sẽ cần phải tái khám tại các phòng khám chuyên khoa. Tại đây, các kỹ thuật viên sẽ đảm bảo rằng cổ tay trẻ đang lành lại đúng theo quy trình và không có bất cứ sai lệch nào trong quá trình tự lành lại. Các kỹ thuật viên cũng có thể hướng dẫn bạn cách tháo băng tại nhà sau khi hết thời gian bó bột.

Tùy thuộc vào kích thước và mức độ nghiêm trọng của của vết gãy, có thể mất từ ​​sáu tháng đến một năm để xương cổ tay lành lặn hoàn chỉnh, có thể duỗi thẳng, uốn cong và vặn xoắn hoàn toàn mà không cần lo ngại các vấn đề ảnh hưởng. Theo các chuyên gia, hầu hết em không cần các biện pháp vật lý trị liệu sau khi tháo bó bột.

Bó bột toàn cánh tay

Nếu trẻ bó bột toàn cánh tay, quá trình giữ bột và nẹp – treo tay có thể kéo dài từ bốn đến sáu tuần hoặc lâu hơn nữa. Trẻ sẽ cần tái khám vào tuần đầu tiên, tuần thứ hai, tuần thứ tư và tuần thứ sáu sau khi bó bột. Tương tự như bó bột nửa cánh tay, việc duy trì bột sẽ phụ thuộc vào mức độ vết thương.

 

Phục hồi sau bó bột

Sau khoảng từ ba đến bốn tuần, bác sĩ có thể đánh giá tình hình và cho phép trẻ được tháo bột nếu trẻ đang bó bột một nửa cánh tay. Việc tháo bó bột không khó, và bạn có thể được hướng dẫn để tự làm tại nhà. Tuy nhiên, tốt hơn cả là bạn nên đến cơ sở y tế để được những chuyên gia xử trí. Khi tháo bó bột, bạn cần cẩn thận dùng kéo cắt bỏ mặt bên của bó bột. Trong trường hợp trẻ được bó bột toàn bộ cánh tay, trẻ sẽ được tháo bột tại các cơ sở y tế.

Sau khi tháo băng bột, da của trẻ có thể bị khô, ngứa và trông có vẻ bẩn. Bạn nên sử dụng nước ấm và xà phòng để rửa nhẹ nhàng vùng da bị bó lâu ngày, cũng như thoa kem để làm ẩm da. Việc băng bó lâu ngày cũng khiến cổ tay trẻ bất động trong thời gian dài và sau khi tháo băng, trẻ có thể bắt đầu cử động cổ tay dần dần. Ban đầu, cổ tay có thể bị cứng và khó vận động. Tuy nhiên, bạn nên hướng dẫn trẻ vận động nhẹ nhàng từng chút một, và các chuyển động sẽ cải thiện tốt hơn theo thời gian.

Các bài tập nhẹ có thể giúp trẻ hồi phục dần như:

  • Tập vận động chủ động các bài tập như gập, duỗi, quay cổ tay, nghiêng trụ, nghiêng quay, quay sấp và tiến dần đến quay ngửa cổ tay, cũng như các bài tập mạnh hơn về cơ cầm nắm để làm tăng tầm vận động khớp cổ tay.
  • Tăng cường các bài tập chức năng cổ bàn tay cho trẻ như cầm thả đồ vật, xoay nắp chai, lật sách, lăn bóng, phẩy tay,…
  • Tập vận động tự do có đề kháng các khớp khuỷu, vai, liên đốt bàn đốt…

Trong một số trường hợp, bạn có thể để ý thấy bên tay bó bột của trẻ có thể nhỏ hơn và cảm thấy yếu vận động hơn so với cánh tay còn lại. Lý do được đưa ra là trong thời gian bó bột, các cơ vùng tay trở nên mỏng hơn do không được vận động thời xuyên. Do vậy bạn cũng không nên lo lắng vì các cơ sẽ hồi phục và khỏe trở lại khi trẻ trở lại các hoạt động bình thường hàng ngày.

Duy trì chế độ ăn giàu đạm, vitamin và các vi chất vi lượng để giúp trẻ mau hồi phục tốt. Thời gian sau bó bột, bạn cũng nên khuyên trẻ tránh các vận động và va chạm mạnh. Với trẻ nhỏ, tránh các va chạm mạnh vào vùng tay vừa tháo băng. Các môn thể thao mạnh mà trẻ thích thú cũng nên tạm dừng, và nên cho trẻ chơi lại sau bốn đến sáu tuần sau tháo bó bột.

 

Tổng kết

Gãy xương cổ tay là một trong những chấn thương tuy ít gặp ở trẻ mà chủ yếu thường gặp ở người lớn tuổi. Tuy nhiên, trẻ vẫn có khả năng gặp phải tình trạng này trong các hoạt động hàng ngày như vui chơi, chạy nhảy… Dù khả năng phục hồi của trẻ là tốt hơn so với người lớn, song vẫn cần những lưu ý đặc biệt để giúp trẻ hồi phục nhanh nhất, tránh các biến chứng có thể để lại sau này.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top