✴️ Kỹ thuật sử dụng áo nẹp chỉnh hình cột sống ngực thắt lưng

ĐẠI CƯƠNG

Định nghĩa: Áo nẹp chỉnh hình cột sống Ngực-Thắt lưng (Thoraco-Lumbar Spinal Orthosis - T.L.S.O) là một loại áo nẹp chỉnh hình được chỉ định rộng rãi trong số rất nhiều các loại áo nẹp chỉnh hình cột sống. Áo nẹp cột sống TLSO có tác dụng nắn chỉnh cong vẹo cột sống từ đoạn ngực đến thắt lưng và khung chậu.

Cong vẹo cột sống: Là tình trạng cong của cột sống sang phía bên của trục cơ thể và vẹo (xoay) của các thân đốt sống theo trục của mặt phẳng ngang. Trên người bệnh cong vẹo cột sống có thể kèm theo cả tình trạng gù hoặc ưỡn theo trục trước sau

Cong vẹo cột sống có thể xảy ra đơn thuần hoặc phối hợp với các biến dạng khác của cột sống là gù ở vùng ngực hoặc ưỡn ở vùng thắt lưng.

Nguyên nhân:

Không rõ nguyên nhân (Idiopathic) là nhóm chiếm đa số > 70% - Bẩm sinh: Mất nửa đốt sống, xẹp đốt sống.

Mắc phải: Do tư thế ngồi sai, u xơ thần kinh, bại não, di chứng bại liệt, di chứng lao cột sống, bệnh cơ - thần kinh…

Lâm sàng:

Cột sống cong vẹo sang phía bên hoặc ưỡn ra trước, gù ra sau so với trục giải phẫu của cột sống, có thể là một đường cong hoặc hai đường cong.

Xương bả vai 2 bên không cân đối.

Nghiệm pháp quả rọi: Thả quả rọi mà mốc là gai sau của đốt sống C7 sẽ phát hiện rõ độ cong của cột sống.

Xuất hiện những ụ gồ ở vùng lưng, mà đỉnh các ụ gồ đó thường trùng với chỗ cong vẹo nhất của cột sống, thường thấy rõ nhất khi yêu cầu người bệnh đứng cúi lưng.

Đối diện với bên xuất hiện ụ gồ thường là vùng lõm, đây là hậu quả của tình trạng xoay của các thân đốt sống.

Hai vai mất cân xứng với đặc điểm một bên nhô cao và thường ngắn hơn bên đối diện do tình trạng co kéo của các nhóm cơ vùng lưng.

Khung chậu bị nghiêng lệch và cũng bị xoay.

Thân mình có thể xuất hiện những đám da đổi màu (màu bã cà phê)

Vùng lưng, đặc biệt là vùng thắt lưng có thể xuất hiện những đám lông..

Có thể phát hiện thấy tình trạng chênh lệch chiều dài hai chân hoặc các dị tật khác của hệ vận động. 

Thử cơ bằng tay: Phát hiện các cơ liệt.

 

CHỈ ĐỊNH

Trẻ cong vẹo cột sống đoạn ngực từ đốt sống ngực 6 trở xuống đến khung chậu có đường cong > 25 độ và < 50 độ.  

Trẻ sau chấn thương cột sống.  

Trẻ sau phẫu thuật nắn chỉnh cong vẹo cột sống.

 

CHỐNG CHỈ ĐỊNH

Trẻ cong vẹo cột sống có kèm các bệnh thoái hóa cơ.

Trẻ bị trật khớp háng bẩm sinh, cứng đa khớp, bệnh lý thần kinh cơ…

 

CHUẨN BỊ

Người thực hiện 

Bác sỹ chuyên khoa Phục hồi chức năng, kỹ thuật viên Vật lý trị liệu kỹ thuật chỉnh hình. 

Phương tiện

Áo nẹp chỉnh hình TLSO.

Phim chụp Xquang, đèn đọc phim Xquang.

Người bệnh

Trước khi cho trẻ đeo áo nẹp cần kiểm tra sự bất cân xứng tại các vị trí như mỏm vai  gai chậu trước trên, ụ sườn, xương bả vai...

Nới rộng quần áo và tiến hành đeo thử áo nẹp.

Hồ sơ bệnh án

Bác sỹ, kỹ thuật viên nẵm vững nguyên nhân, tiền sử, quá trình diễn biến và chẩn đoán của người bệnh.

Nắm chỉ định và chống chỉ định của bác sỹ chuyên khoa.

Xác định mức độ cong vẹo, mức độ xoay thân đốt sống, các dị dạng đốt sống, vị trí đỉnh đường cong trên phim Xquang.

 

CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

Tâm lý tiếp xúc:

Giải thích rõ cho cha mẹ bệnh nhi và người nhà hiểu được tình trạng bệnh tật và các bước sẽ tiến hành để tạo ra sự hợp tác chặt chẽ và tuân thủ. 

Thực hiện kỹ thuật:

Tiến hành đeo nẹp ngay khi phát hiện trẻ bị cong vẹo cột sống có đường cong có góc Cobb >25 độ.

Liên tục đeo cả ngày và đêm (23/24 giờ mỗi ngày).

Hẹn người bệnh đến kiểm tra định kỳ sau mỗi 3 tháng.

 

THEO DÕI

Theo dõi sau khi trẻ có chỉ định đeo áo nẹp:

Áo nẹp có tạo nên các điểm tỳ đè tại các vị trí cần nắn chỉnh.

Đường cong vẹo cột sống có bị tăng lên hay ổn định và giảm.

 

TAI BIẾN VÀ XỬ TRÍ

Đôi khi đeo áo nẹp gây nên tổn thương bề mặt da  như viêm loét.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top