Khoa học Yoga ra đời từ hàng ngàn năm trước đây. Theo cuốn Cẩm nang Yoga, thần Shiva được coi là hành giả Yoga đầu tiên. Vài ngàn năm trước đây, bên bờ hồ Kantisarovar ở Himalaya, vị thần này đã truyền lại kiến thức uyên thâm của mình cho 7 vị hiền giả huyền thoại.
Các vị hiền giả đó đã mang khoa học Yoga đầy sức mạnh tới mọi miền thế giới từ châu Á, Trung Đông, Bắc Phi cho tới Nam Mỹ. Tuy nhiên, chính ở Ấn Độ mới là nơi khoa học Yoga thể hiện một cách trọn vẹn. Vị hiền giả Agastya đã chu du khắp tiểu lục địa Ấn Độ và kết hợp văn hóa này vào cốt lõi là lối sống Yoga.
Yoga là "kết quả văn hóa bất tử" của nền văn minh thung lũng Indus Saraswati, phát nguồn từ 2700 năm trước CN, đã chứng tỏ khả năng giúp con người nâng cao thể chất và tinh thần.
Yoga cũng xuất hiện trong các truyền thống dân gian, trong di sản Vệ Đà và truyền thống Phật giáo. Yoga đã lan rộng ra toàn thế giới qua các bậc thầy yoga xuất sắc từ thời cổ đại cho tới nay.
Ngày nay, ai ai cũng tin chắc và khả năng thực hành Yoga để phòng chống bệnh tật, duy trì và nâng cao sức khỏe. Hàng triệu triệu người khắp trái đất hưởng những lợi lạc từ thực hành Yoga và Yoga đang phát triển và trở nên rực rỡ hơn theo năm tháng.
Yoga tác động ở cấp độ thân thể, trí óc, cảm xúc và năng lượng của con người. Có 4 loại Yoga: Karma Yoga - khi chúng ta vận dụng cơ thể; Jnana Yoga - khi chúng ta vận dụng trí óc; Bhakti Yoga - khi chúng ta vận dụng cảm xúc; và Kriya Yoga - khi chúng ta vận dụng năng lượng. Mỗi loại hình Yoga chúng ta thực hành sẽ rơi vào một hay nhiều loại hình Yoga nêu trên.
Người tập Yoga nên làm theo những nguyên tắc chỉ dẫn dưới đây khi tập Yoga:
Chúng ta nên tập luyện Yoga ở nơi yên tĩnh với tinh thần và cơ thể thư thái. Nên tập Yoga khi chưa ăn gì hoặc sau khi ăn nhẹ. Uống một chút mật ong pha với nước ấm nếu bạn cảm thấy mệt, nên để rỗng bàng quang và ruột trước khi tập yoga. Nên dùng thảm Yoga hoặc chăn mỏng khi luyện tập.
Nên mặc quần áo nhẹ thoải mái giúp cơ thể chuyển động dễ dàng. Không nên tập yoga khi cơ thể đang kiệt sức, đau ốm, đang trong trạng thái vội vã hay căng thẳng. Trong trường hợp mắc bệnh mạn tính hay bệnh tim mạch, nên tham khảo bác sĩ hay nhà trị liệu Yoga trước khi luyện tập. Đối với phụ nữ mang thai hay đang bị kinh nguyệt, bạn cũng nên hỏi ý kiến các chuyên gia Yoga.
Bạn nên bắt đầu buổi tập Yoga bằng một lời cầu nguyện hay thỉnh nguyện, vì điều đó sẽ giúp cho trí óc bạn thư thái. Nên tập Yoga một cách chậm rãi thư thái, ý thức về cơ thể và nhịp thở. Không nín thở nếu như không có yêu cầu đặc biệt để làm như vậy trong suốt buổi tập. Luôn luôn nên thở qua đường mũi, trừ khi được hướng dẫn khác.
Không căng cứng cơ thể hay giật mạnh cơ thể bất cứ lúc nào trong khi tập. Luyện tập theo khả năng của bạn.
Cần có thời gian mới đạt được kết quả tốt, vì thế kiên trì và luyện tập đều đặn là rất cần thiết.
Có những điều chống chỉ định/hạn chế trong mỗi bài tập Yoga và phải luôn nhớ trong đầu những điều chống chỉ định đó. Nên kết thúc buổi tập Yoga bằng thiền định.
Sau khi tập Yoga, bạn có thể tắm sau 20-30 phút. Bạn cũng chỉ nên ăn sau 20-30 phút sau khi tập xong.
Một vài chỉ dẫn về chế độ ăn uống có thể đảm bảo cơ thể và tinh thần bạn dẻo dai cho việc luyện tập. Người tập Yoga được khuyên là nên ăn chay thường xuyên, và đối với người trên 30 tuổi, ăn hai bữa mỗi ngày là đủ, trừ trường hợp bị ốm hay cường độ hoạt động cao hay lao động nặng nhọc.
Về cơ bản, Yoga là con đường giải phóng mọi kiềm tỏa. Tuy nhiên, nghiên cứu y học trong những năm gần đây đã khám phá ra nhiều lợi ích thể chất và tinh thần do Yoga đem lại, được kiểm chứng bằng trải nghiệm của hàng triệu người luyện tập bộ môn này. Nghiên cứu cho thấy rằng:
- Yoga tốt cho sức khỏe thể chất, chức năng cơ xương và sức khỏe tim mạch.
- Yoga có tác dụng tốt trong việc kiểm soát các bệnh như tiểu đường, rối loạn hô hấp, huyết áp cao, huyết áp thấp và các rối loạn của cơ thể do lối sống.
- Yoga giúp giảm suy nhược, mệt mỏi, lo âu và căng thẳng.
- Yoga điều tiết các triệu chứng của thời kỳ mãn kinh.
Thực chất, Yoga là quá trình tạo nên một cơ thể và trí óc, làm bàn đạp cho cuộc sống dồi dào sức khỏe và hạnh phúc.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh