✴️ Phục hồi chức năng trong thoái hóa khớp

Thoái hóa khớp là gì ?

Thoái hóa khớp là tình trạng tổn thương lớp sụn phủ trên bề mặt khớp, qua thời gian dài sẽ dẫn đến các biến đổi trong khớp như mọc gai xương, hẹp khe khớp, viêm bao hoạt dịch khớp... Bệnh không gây nguy hiểm tính mạng nhưng diễn tiến âm thầm, gây ra tình trạng đau dai dẳng tăng dần và mất dần các chức năng hoạt động của khớp, cứng khớp và biến dạng khớp. Cuối cùng, dẫn đến kết cục là suy giảm nặng nề chất lượng cuộc sống hay nặng nề hơn là gây tàn phế. Thoái hóa khớp thường gặp nhất là khớp gối, các khớp bàn tay và khớp háng. Nhiều người bệnh thường đến các cơ sở y tế lúc khi đã đau đớn nhiều, khớp biến dạng hoặc bị nhiều tác dụng phụ của việc dùng thuốc giảm đau không đúng cách và kéo dài như viêm loét dạ dày, loãng xương, suy tuyến thượng thận... mà không biết rằng có thể ngăn ngừa, làm chậm diễn tiến bệnh từ những giai đoạn sớm chỉ với các bài tập phục hồi chức năng đơn giản, ít tốn kém nhưng mang lại hiệu quả rất cao.

Làm sao nhận biết bệnh thoái hóa khớp?

Một số dấu hiệu và triệu chứng thường gặp của thoái hóa khớp gồm:

  • Đau khớp có tính chất cơ học: đau âm ỉ, tăng khi hoạt động, giảm khi nghỉ ngơi.
  • Cứng khớp: thường xảy ra khi nghỉ ngơi, thường nặng hơn vào buổi sáng, có thể mất đi sau vài phút đến hơn 1 giờ sau khi xoa bóp, khởi động khớp.
  • Viêm khớp, có các biểu hiện là sưng nóng đỏ vùng khớp, tràn dịch khớp
  • Tiếng kêu lạo xạo trong khớp, lỏng lẻo, biến dạng khớp.
  • Giảm khả năng cử động khớp, đi lại, vận động
  • Yếu cơ hoặc co rút gân cơ quanh khớp.
  • X-quang: hình ảnh gai xương, xơ xương dưới sụn, hẹp khe khớp, lệch trục khớp...

Điều trị phục hồi chức năng để làm gì?

Đối với người bệnh thoái hóa khớp, phục hồi chức năng sớm giúp giảm đau, duy trì và tăng khả năng vận động, ngăn ngừa biến dạng khớp. Từ đó, giúp người bệnh có thể tránh được các tác dụng phụ của thuốc giảm đau kéo dài, đồng thời giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh đáng kể.

Điều trị phục hồi chức năng thoái hóa khớp được chia theo các giai đoạn:

  • Giai đoạn thoái hóa khớp nhẹ: đau không liên tục, đau ảnh hưởng ít đến khả năng vận động khớp và chất lượng cuộc sống. Điều quan trọng trong giai đoạn này là cần phát hiện sớm tình trạng bệnh và ngăn chặn bệnh tiến triển nặng hơn bằng các phương pháp không dùng thuốc: điều chỉnh chế độ sinh hoạt, giảm cân và tập luyện thể dục phù hợp theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
  • Giai đoạn thoái hóa khớp trung bình đến nặng: đau kéo dài, ảnh hưởng đến khả năng đi lại, làm suy giảm chức năng khớp, các hoạt động hàng ngày và chất lượng cuộc sống. Ở giai đoạn này bệnh nhân cần được điều trị bằng các thuốc uống, thuốc thoa giảm đau, tiêm thuốc vào khớp theo chỉ định của bác sĩ, kèm theo tập vận động trị liệu, tư vấn sử dụng các dụng cụ hỗ trợ. Biện pháp hiệu quả đối với người bị thoái hóa khớp nặng là thay khớp. Tuy nhiên, để tránh các biến chứng sau mổ, giúp người bệnh sớm trở về các hoạt động thường ngày, đồng thời kéo dài tuổi thọ của khớp nhân tạo.

          Vật lý trị liệu trong thoái hóa khớp gối
Trong tất cả các giai đoạn bệnh kể cả phòng ngừa bệnh, ba yếu tố bao gồm tập luyện đúng cách, giảm cân và chế độ ăn lành mạnh đã được chứng minh là yếu tố cốt lõi trong phác đồ điều trị và được khuyến cáo cho tất cả bệnh nhân. Trong đó:

  • Tập luyện: là cách an toàn và hiệu quả, tốn kém ít chi phí, giúp tạo ra những thay đổi tích cực trong khớp và làm chậm quá trình thoái hóa khớp.
  • Giảm cân: giúp giảm lực tải lên khớp, có thể làm chậm quá trình thoái hóa khớp và giảm đau.
  • Chế độ ăn cân bằng giúp cung cấp đầy đủ dưỡng chất, vitamin khoáng chất để duy trì chất lượng xương, dây chằng và cơ bắp.

Phục hồi chức năng gồm các phương pháp điện trị liệu như siêu âm trị liệu, sóng ngắn trị liệu, dòng điện giảm đau, hoạt động trị liệu với các biện pháp giúp người bệnh thích nghi với các hoạt động hàng ngày và vận động trị liệu với các bài tập để cải thiện tình trạng bệnh phù hợp với mong muốn của người bệnh.
Điện trị liệu: các phương pháp này giúp cho người bệnh

  • Giảm đau;
  • Cải thiện khả năng di chuyển;
  • Cải thiện dáng đi;
  • Giảm tình trạng viêm, co thắt cơ co rút khớp.

Hoạt động trị liệu: kỹ thuật viên sẽ đánh giá chức năng hiện tại của khớp và khả năng thực hiện các hoạt động hàng ngày của người bệnh, từ đó chọn lựa dụng cụ hỗ trợ phù hợp để giúp bệnh nhân di chuyển dễ dàng hơn, giảm áp lực lên khớp, hỗ trợ cuộc sống hàng ngày một cách tối ưu như:

  • Đai nẹp gối, giày dép hấp thu lực, gậy 3 chân/4 chân, khung tập đi, xe lăn...
  • Dụng cụ hỗ trợ cuộc sống: ghế nâng cao bồn cầu, lót đệm ghế, dụng cụ hỗ trợ lấy đồ...
  • Tập dáng đi, duy trì tư thế tốt, hướng dẫn tập thực hiện các sinh hoạt hàng ngày
  • Hướng dẫn kiểm soát tư thế, phòng ngừa té ngã và các tư thế cần phòng tránh để tránh gây các tác động bất lợi lên khớp.

Vận động trị liệu: tập luyện là quan trọng nhưng việc tập như thế nào cho đúng cách còn quan trọng hơn. Chính vì vậy, trước khi tiến hành tập luyện, người bệnh cần xác định rõ những vấn đề sau:
Xác định mục tiêu phù hợp với mong muốn điều trị của bản thân (ví dụ có thể đi lại được, có thể leo núi được...), quỹ thời gian của mỗi người. Nên bắt đầu từ những mục tiêu dễ sau đó tăng dần tùy khả năng.
Tập đúng: chương trình tập cần có sự tư vấn của bác sĩ và kỹ thuật viên phục hồi chức năng để có chế độ tập riêng tùy thuộc tình trạng bệnh và tình trạng sức khỏe của bản thân. Các bài tập bao gồm các nhóm chính:

  • Tập duy trì tầm vận động khớp;
  • Tập kéo giãn các bắp  cơ và dây chằng;
  • Tập mạnh cơ quanh khớp;
  • Tập sức bền.

Tập đủ: cường độ tập sẽ thay đổi tùy theo tình trạng sức khỏe của mỗi người, do đó bệnh nhân cần được tư vấn bởi người có chuyên môn. Tuy nhiên, mức khuyến cáo chung là các bài tập mức độ trung bình 30 phút mỗi ngày, ít nhất 5 ngày trong tuần (trong đó các bài tập mạnh cơ cần được thực hiện ít nhất 2 lần/tuần)
 

Điều nhắn nhủ 

Để phòng ngừa thoái hóa khớp có một số điều quan trọng chúng ta cần nhớ:

  • Duy trì chế độ tập luyện đúng cách.
  • Có chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng, tránh thức ăn nhiều đường bột, nhiều dầu mỡ, nên tăng cường rau củ trái cây, các loại thức ăn giàu chất xơ, vitamin, canxi.
  • Bổ sung canxi và vitamin D đã được chứng minh có hiệu quả rõ rệt trong việc ngăn ngừa thoái hóa khớp do liên quan đến chất lượng xương, gân cơ và dây chằng. Các thực phẩm chức năng như glucosamine, sụn vi cá mập... có hiệu quả thay đổi tùy cá nhân, cần được sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa trước khi sử dụng.
  • Kiểm soát cân nặng, duy trì cân nặng lý tưởng.
  • Tránh thực hiện các hoạt động, tư thế có thể gây hại cho khớp như: đi bộ trên đoạn đường gồ ghề, leo cầu thang, đường dốc, đi giày cao gót, đế cứng, mang vác nặng, ngồi xổm, xếp bằng, ngồi ghế quá thấp. Những người có nguy cơ thoái hóa khớp cũng nên tránh các môn thể thao tạo áp lực lớn lên khớp như bơi ếch tốc độ nhanh, các môn chơi với bóng, điền kinh...

Xem thêm: Phục hồi chức năng thần kinh sau đột quỵ

 

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top