✴️ Campylobacter và Helicobacter

Nội dung

CAMPYLOBACTER JEJUNI

Giống Campylobacter thuộc họ Spirillaceae, gồm có các loài khác nhau có thể gây bệnh cho người.

Đặc điểm sinh vật học:

Campylobacter jejuni là những vi khuẩn bé, mảnh, Gram âm, hình dấu phẩy nhọn hai đầu, rất di động nhờ có 1 lông ở 1 đầu, không sinh nha bào. Nuôi cấy C.jejuni trên môi trường nhân tạo thường khó khăn vì vi khuẩn đòi hỏi điều kiện vi hiếu khí (micro-aerophile). Mọc được ở 37oC nhưng mọc tốt hơn ở 42oC, không mọc ở 25oC. Thường dùng các môi trường chọn lọc như thạch máu Columbia, thạch máu tryptose để phân lập vi khuẩn. C.jejuni mọc chậm sau 2 - 3 ngày.

Vi khuẩn có Oxydase và Catalase, phân hủy nitrat, không oxy hóa hoặc không lên men các loại đường.

C.jejuni có kháng nguyên O chịu nhiệt được chia thành 23 typ huyết thanh và có kháng nguyên H không chịu nhiệt.

Khả năng gây bệnh:

C.jejuni là một tác nhân gây viêm ruột cấp tính thường gặp ở người. Chúng xâm nhập vào người do ăn uống các thức ăn và nước bị nhiễm khuẩn, do tiếp xúc với động vật, chủ yếu là với gia cầm, gia súc.

Thời gian ủ bệnh 2 - 10 ngày. Thể lâm sàng thường gặp là bệnh cảnh của một viêm ruột cấp tính với dấu hiệu đau bụng, tiêu chảy dữ dội, phân nước có khi có máu và mủ. Có trường hợp xảy ra nhiễm khuẩn huyết. Tiêu chảy do C.jejuni kéo dài 5 - 10 ngày. Đa số trường hợp khỏi không cần điều trị bằng kháng sinh.

Cơ chế gây bệnh chưa rõ. C.jejuni có độc tố ruột, nhưng có ý kiến cho rằng vi khuẩn này có khả năng xâm nhập giống như Shigella. C.jejuni nhân lên chủ yếu ở hồi tràng và hổng tràng.

Bệnh viêm ruột do C.jejuni xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới, gây tiêu chảy cấp ở người, đặc biệt ở trẻ em và ở khách du lịch từ các nước phát triển đến các nước nhiệt đới.

Chẩn đoán vi sinh vật:

Chẩn đoán viêm ruột cấp do C.jejuni phải dựa chủ yếu vào phân lập vi khuẩn từ phân của bệnh nhân. Cấy phân vào các môi trường chọn lọc, để ở nhiệt độ 42oC từ 2 - 3 ngày trong khí trường có 5% oxy, 10% cacbonic và 85% nitơ.

Phòng bệnh và điều trị:

Chưa có vaccin. Cần chú ý vệ sinh môi trường, vệ sinh ăn uống. Kháng sinh chỉ nên dùng trong những trường hợp nhiễm khuẩn huyết hoặc tiêu chảy kéo dài.

 

HELICOBACTER  PYLORI

Từ năm 1900 đến năm 1980, thỉnh thoảng người ta ghi nhận có sự hiện diện của một vi khuẩn hình xoắn ở niêm mạc dạ dày. Nhưng những phát hiện đó không được quan tâm đúng mức, bởi vì cho đến cuối thế kỷ 20 này, hầu như người ta vẫn quan niệm rằng dạ dày là môi trường không có vi khuẩn do độ pH acid của nó. Mãi đến năm 1979, Warren đưa ra giả thuyết chính vi khuẩn đó là căn nguyên gây ra viêm, loét dạ dày - tá tràng. Năm 1981, Marshall bắt đầu tìm ra phương pháp phân lập vi khuẩn này, đến năm 1982 ông đã nuôi cấy thành công và thấy vi khuẩn này giống như Campylobacter jejuni , năm 1983 ông chính thức công bố vi khuẩn này trên tạp chí Lancet (Paris) với tên là Campylobacter pyloridis, về sau được gọi là Campylobacter pylori. Năm 1989, Goodwin  nghiên cứu về cấu trúc tế bào vi khuẩn này và thấy chúng khác hẳn các Campylobacter khác nên đã đề nghị xếp các Campylobacter này thành một giống mới, giống Helicobacter và từ đó Campylobacter pylori được gọi là Helicobacter pylori.

Đặc điểm sinh vật học: 

Là những vi khuẩn nhỏ, lúc mới phân lập từ mẫu sinh thiết niêm mạc dạ dày thì có hình cong, hoặc hình chữ S, đứng thành đám. Nếu cấy chuyển nhiều lần thì có hình que. Vi khuẩn Gram âm, rất di động nhờ có 2 - 6 lông ở một đầu. Vi khuẩn không sinh nha bào.

Vi khuẩn đòi hỏi điều kiện vi hiếu khí. Yêu cầu dinh dưỡng cao, môi trường nuôi cấy cần có máu động vật hoặc huyết thanh. Vi khuẩn mọc chậm, trên môi trường thạch máu Colombia hoặc thạch máu tryptose sau 3 ngày ủ ở 37oC, có thể thấy khuẩn lạc nhỏ, không màu, có đỉnh nhọn.

Vi khuẩn không lên men các loại đường, có oxydase và catalase, urease dương tính mạnh. Urease dương tính mạnh là tính chất dùng để phân biệt H. pylori với các vi khuẩn có hình cong khác như Campylobacter...

Miễn dịch:

Đáp ứng miễn dịch tại chỗ:

Tại nơi H. pylori xâm nhập, xuất hiện hiện tượng tập trung một số lượng lớn các bạch cầu trung tính và các tế bào lympho. Các tế bào lympho và bạch cầu giải phóng ra các interleukin và các gốc tự do oxy hoá, nhưng phản ứng viêm tại chỗ này không có khả năng loại bỏ H. pylori.

Đáp ứng miễn dịch dịch thể:

Khi nghiên cứu tìm kháng thể trong máu những bệnh nhân loét dạ dày - tá tràng có mặt H. pylori, người ta đã phát hiện thấy có sự gia tăng kháng thể IgG, IgA và đặc biệt là IgM. Các kháng thể này giảm một cách có ý nghĩa sau khi tiệt trừ hết H. pylori. Vấn đề này đã được ứng dụng trong chẩn đoán huyết thanh học và giám sát kết quả điều trị.

Khả năng gây bệnh ở người:

Khả năng gây bệnh:

Từ khi Marshall phân lập thành công vi khuẩn này, nhiều công trình nghiên cứu về vai trò gây bệnh của H. pylori đã được thực hiện. Người ta cũng đã tiến hành nghiên cứu trên người tình nguyện, đây là những người không có hội chứng viêm, loét dạ dày; họ được uống H. pylori. Sau một thời gian, họ bị viêm dạ dày; sau đó người ta lại dùng các biện pháp tiêu diệt H. pylori thì những người này lại hết viêm dạ dày. Gần đây, nhiều tác giả nhận xét rằng, hầu như các trường hợp viêm loét dạ dày - tá tràng đều liên quan đến nhiễm trùng H. pylori; đặc biệt trong thể viêm teo, một thể rất dễ dẫn đến ung thư dạ dày mà lại thấy luôn luôn có mặt vi khuẩn này.

Cơ chế gây bệnh:

H.pylori rất di động, xâm nhập qua lớp chất nhầy và xâm lấn biểu mô dạ dày, đặc biệt là khoảng gian bào. Vi khuẩn sản sinh urease rất mạnh, enzyme này có hoạt tính phân giải urê thành amoniac. Urê là sản phẩm chuyển hoá của các mô tế bào, chúng vào máu một phần và được đào thải ra ngoài qua thận. Một lượng urê từ máu qua lớp niêm mạc dạ dày vào dịch dạ dày. Amoniac có phản ứng kiềm làm tăng tạm thời pH tại chỗ đến khoảng 6,5 và giúp cho vi khuẩn sống sót được trong môi trường rất axit của dạ dày. Ngoài ra amoniac còn gây độc trực tiếp đối với tế bào niêm mạc dạ dày. H.pylori còn làm giảm chất nhầy bảo vệ thành dạ dày cho nên axit dịch vị tác động trực tiếp lên thành dạ dày. Sự phối hợp nhiều yếu tố trên gây viêm, lóet dạ dày. Trên những bệnh nhân bị viêm lóet dạ dày - tá tràng có thể phân lập được H.pylori từ 80% - 90% trường hợp.

Dịch tể học:

Tình trạng kinh tế của xã hội có ảnh hưởng lớn đến hiện tượng nhiễm H. pylori. Ngay ở Mỹ, tỷ lệ nhiễm H. pylori ở người da đen cũng cao hơn người da trắng, bởi vì liên quan đến đời sống tinh thần, vật chất và vệ sinh môi trường.

Nguồn truyền nhiễm là người, có thể gặp ở khỉ nhưng không đáng kể. Đường lây chủ yếu là người truyền sang người. Phương thức lây truyền là đường phân - miệng và đường miệng - miệng, trong đó đường phân - miệng đóng vai trò chủ yếu.

Chẩn đoán vi sinh vật:

Chẩn đoán trực tiếp:

Phân lập vi khuẩn từ bệnh phẩm, bệnh phẩm thông thường nhất là mẫu sinh thiết niêm mạc dạ dày khi nội soi, hoặc có thể là dịch dạ dày. Nuôi cấy lên các môi trường thích hợp như thạch máu Colombia, ủ 37oC ở điều kiện vi hiếu khí, sau 3 ngày thấy khuẩn lạc nghi ngờ thì trích biệt rồi nhuộm Gram (cần thay thế đỏ Safranin bằng đỏ Fuchsin để màu đỏ được rõ hơn do vi khuẩn nhỏ), thử nghiệm các tính chất sinh vật hóa học để xác định vi khuẩn.

Chẩn đoán nhanh bằng test urease:

Cho mẫu sinh thiết vào môi trường Ure-christensen, nếu trong mẫu nghiệm có H.pylori thì chúng sẽ phân hủy ure thành amonium và carbon dioxide làm cho pH môi trường trở nên kiềm và đổi màu của chỉ thị màu đỏ phenol từ màu hồng sang đỏ cánh sen.

Thử nghiệm đo hàm lượng carbon đồng vị phóng xạ C13 trong hơi thở:

Theo nguyên lý là CO2 được tạo thành sau phản ứng phân hủy ure sẽ theo máu rồi tới phổi và thải ra ngoài theo hơi thở. Đưa vào cơ thể bệnh nhân ure gắn C13, đo hàm lượng C13 thải ra theo hơi thở để xác định có hay không nhiễm H.pylori.

Tìm kháng thể kháng H.pylori:

Tìm kháng thể kháng H.pylori trong huyết thanh, trong nước bọt hoặc trong dịch dạ dày bằng thử nghiệm ELISA. Thường dùng trong điều tra dịch tễ học nhiễm H.pylori.

Kỹ thuật khuếch đại gen (PCR):

Kỹ thuật PCR có thể phát hiện được đoạn gen đặc hiệu của H.pylori ở cả mảnh sinh thiết dạ dày, dịch dạ dày, nước bọt và phân của bệnh nhân.

Phòng bệnh và điều trị:

Phòng bệnh:

Phòng bệnh chung: Bệnh dạ dày - tá tràng phụ thuộc rất nhiều vào các điều kiện kinh tế - xã hội. Việc nâng vao đời sống cho nhân dân là rất cần thiết, trong đó vệ sinh môi trường cũng đóng vai trò quan trọng, vì bệnh lây chủ yếu qua đường phân miệng.

Phòng bệnh đặc hiệu: Phòng bệnh có hiệu quả và lý tưởng nhất là dùng vaccine. Hiện nay, một loại vaccine phòng bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng đang được các nhà nghiên cứu trên thế giới quan tâm và thực nghiệm, hy vọng trong tương lai gần sẽ có vaccine để phòng bệnh này.

Điều trị:

Hiện nay, trong điều trị viêm loét dạ dày - tá tràng, ngoài sử dụng thuốc kháng tiết, người ta còn dùng kháng sinh để tiêu diệt căn nguyên vi khuẩn H. pylori, thường dùng hai loại kháng sinh phối hợp như Metronidazol hoặc Tinidazol với Amoxicilline hoặc Clarithrromycin thì hiệu quả tác dụng tốt hơn là dùng một loại.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top