✴️ Chỉ số ALT (SGPT) trong máu là gì? vai trò trong điều trị bệnh gan

Nội dung

ALT (SGPT) là gì?

ALT hay Alanine aminotransferase được biết đến là 1 loại enzyme đặc trưng được tìm thấy đa số trong các tế bào gan, một số lượng ít tại thận, tim, cơ xương.

Với người khỏe mạnh bình thường thì nồng độ ALT trong máu thấp. Tuy nhiên do tác động nào đó gây tổn thương cho gan thì ALT được giải phóng vào máu và nồng độ ALT trong máu sẽ tăng cao.

Bác sĩ sẽ dựa vào xét nghiệm ALT để phát hiện các tổn thương gan do bệnh lý, chấn thương hoặc sử dụng thuốc. Nếu nồng độ ALT trong máu càng cao, đồng nghĩa với việc gan bị tổn thương càng nghiêm trọng. Xét nghiệm này thường được chỉ định kết hợp với AST, là bộ xét nghiệm quan trọng để đánh giá chức năng và tổn thương gan.

Chỉ số ALT

Thời điểm cần xét nghiệm ALT

Khi nào cần xét nghiệm ALT là câu hỏi mà rất nhiều người bệnh quan tâm. Thông thường, qua quá trình thăm hỏi tiền sử bệnh, khám lâm sàng, người bệnh được bác sĩ chỉ định làm xét nghiệm ALT nếu có những biểu hiện về suy giảm chức năng gan như:

– Chán ăn, buồn nôn, ăn không ngon miệng

– Mệt mỏi, sốt, suy nhược cơ thể

– Đau bụng, đặc biệt là hạ vùng hạ sườn phải

– Vàng da, vàng mắt, nước tiểu sẫm màu, phân nhạt màu hơn bình thường

– Ngứa, nổi mề đay, mụn nhọt…..

Một số đối tượng khác cũng được chỉ định xét nghiệm ALT như người thường xuyên sử dụng rượu, bia, hút thuốc, béo phì, tiếp xúc với hóa chất độc hại, người có tiền sử bệnh gan, viêm gan do virus A, B, C….

Ngoài ra, kiểm tra chỉ số ALT cũng được áp dụng trong các trường hợp như:

– Theo dõi tình hình diễn biến của các bệnh lý về gan (viêm gan, gan nhiễm mỡ, xơ gan…)

– Xác định thời điểm áp dụng các phương pháp điều trị bệnh gan

– Đánh giá hiệu quả điều trị trong liệu trình điều trị đang được áp dụng

Gan bị tổn thương sẽ khiến nồng độ ALT trong máu tăng lên. Tuy  nhiên xét nghiệm ALT đơn lẻ chưa thể kết luận chính xác mức độ cũng như nguyên nhân của bệnh gan. Vì vậy người bệnh sẽ được chỉ định thêm các phương pháp kiểm tra chuyên biệt khác để chẩn đoán chính xác tình trạng tổn thương gan.

Chỉ số ALT trong máu có ý nghĩa gì?

Nhiều người bệnh khi được chỉ định xét nghiệm ALT chưa hiểu rõ ý nghĩa của xét nghiệm này là gì. Câu trả lời được giải thích như sau:

ALT là chỉ số đặc hiệu về men gan để chẩn đoán đánh giá tình trạng tổn thương gan và các vấn đề liên quan. Chỉ số ALT trong máu nếu nằm trong giới hạn cho phép tức là chức năng gan bình thường, không có dấu hiệu bệnh lý nghiêm trọng. Nhưng nếu chỉ số ALT tăng, tùy theo mức độ tăng nhẹ hay tăng cao cũng đều là dấu hiệu cảnh báo cho người bệnh về chức năng gan đang bị tổn thương. Nếu không được phát hiện sớm, điều trị kịp thời thì bệnh có thể tiến triển nặng thêm, biến chứng nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng người bệnh.

Chỉ số ALT tăng nhẹ đến trung bình

Nồng độ ALT trong máu của các bệnh nhân viêm gan cấp, nhẹ, viêm gan mạn tính, xơ gan, … được cho là tăng nhẹ đến trung bình nếu chỉ số xét nghiệm ALT gấp dưới 4 lần so với mức bình thường (chỉ số bình thường từ 0-37). Ở mức tăng này, tổn thương gan được đánh giá là nhẹ. Tuy nhiên người bệnh không nên chủ quan mà vẫn phải thường xuyên theo dõi, xét nghiệm.

Nguyên nhân khiến nồng độ ALT trong máu tăng nhẹ đến trung bình là do tắc nghẽn ống mật, gan nhiễm mỡ… Ngoài ra còn xuất hiện ở những trường hợp lạm dụng rượu, bia, tổn thương tim, hay có khối u trong gan… cũng là nguyên nhân dẫn đến chỉ số ALT trong máu tăng.

Chỉ số ALT cao

Chỉ số ALT tăng cao hoặc rất cao nếu nồng đồ ALT trong máu gấp 100 lần chỉ số bình thường. Đây là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý về gan nghiêm trọng như viêm gan virus cấp hoặc mạn tính, tổn thương do thuốc, hóa chất, hoại tử tế bào gan, trụy mạch kéo dài. Đặc biệt chỉ số ALT có thể tăng đến 5.000 UI/L trong trường hợp người bệnh bị suy gan cấp hay sốc gan.

Đối với bệnh nhân viêm gan cấp tính, chỉ số ALT có thể duy trì tăng cao trong khoảng từ 1 đến 2 tháng, sau khi được điều trị, trong khoảng từ 3 đến 6 tháng, chỉ số này sẽ giảm dần và trở về mức bình thường.

Bên cạnh AST ( viết tắt từ aspartate aminotransferase), thì xét  nghiệm ALT là một hạng mục rất cần thiết trong phần trong kiểm tra chức năng gan, giúp chẩn đoán và phát hiện những bất thường xay ra đối với chức năng gan, cảnh báo những bệnh lý liên quan đến gan.

Yếu tố ảnh hưởng đến xét nghiệm ALT

Ngoài nguyên chính do gan thì còn một số yếu tố khác ảnh hưởng đến nồng độ ALT trong máu. Do đó, cần loại bỏ các yếu tố ảnh hưởng sau để có kết quả chẩn đoán chính xác nhất.

  • Yếu tố thuốc điều trị: các thuốc chống co giật, tâm thần, ức chế lên men chuyển hóa angiotensin, thuốc loại thiazide lợi tiểu, thuốc tránh thai, metronidazol, acetaminophen, allopurinol, trifluoperazine… là những loại thuốc gây ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả xét nghiệm ALT

  • Yếu tố khác như thực phẩm chức năng, thuốc bổ cũng là một trong những yếu tố dẫn đến nồng độ ALT tăng

  • Ngoài ra, các bác sĩ cũng chỉ ra, việc dùng thuốc tiêm vào mô cơ, tập thể dục gắng sức hay các chấn thương ở cơ xương, tim cũng là các yếu tố gây tăng nồng độ ALT.

Như vậy, để có được kết quả xét nghiệm ALT, cũng như chẩn đoán các bệnh lý về gan chính xác nhất, trước khi được chỉ định xét nghiệm, người bệnh cần thông báo cho bác sĩ các loại thuốc, thực phẩm chức năng, thuốc bổ mình đang dung.

Cần chuẩn bị gì trước khi xét nghiệm ALT

Các chất có trong thực phẩm và thuốc có thể làm ảnh hưởng dẫn đến sai lệch kết quả xét nghiệm ALT nói riêng và các xét nghiệm chức năng gan khác nói chung. Vì vậy người bệnh cần lưu ý chuẩn bị trước khi thực hiện xét nghiệm ALT như:

  • Nên xét nghiệm vào buổi sáng, nhịn ăn trước 4-6 giờ đồng hồ

  • Thông báo cho bác sĩ các loại thuốc, thực phẩm chức năng, thuốc bổ đang dung (nếu có) để có tư vấn chính xác từ bác sĩ.

  • Chuẩn bị tâm lý thoải mái, tránh căng thẳng.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top