✴️ Hướng dẫn cách lấy bệnh phẩm

Kỹ thuật lấy máu xét nghiệm

Trước khi lấy máu, bệnh nhân nhịn ăn, không uống nước.

Lấy máu vào buổi sáng sau khi ngủ dậy (trừ khi có chỉ định cấp cứu).

Kỹ thuật lấy nước tiểu xét nghiệm

Xét nghiệm nước tiểu có giá trị giúp chẩn đoán các bệnh về thận, gan, thai nghén,...

  • Hướng dẫn bệnh nhân vệ sinh bộ phận sinh dục ngoài rồi đi tiểu, phần nước tiểu đầu bãi và cuối bãi vào một bô, phần giữa bãi vào một bô.
  • Điều dưỡng mang găng cho nước tiểu phần giữa bãi vào ống đong và cho nước tiểu từ ống đong vào ống nghiệm khoảng 20ml, đậy nút ống nghiệm.
  • Đưa bệnh phẩm và giấy xét nghiệm đến phòng xét nghiệm.
  • Sắp xếp và xử lý dụng cụ theo đúng quy định.

Tuỳ theo yêu cầu xét nghiệm lấy nước tiểu trong 24 giờ hoặc chỉ lấy 1 lần số lượng khoảng 20ml. 

          các-lấy-mẫu-nước-tiểu

Cách lấy nước tiểu 24h

Trong trường hợp lấy nước tiểu 24 giờ phải có hoá chất bảo quản: dung dịch formol hoặc phenol cho một giọt tương ứng với 30ml nước tiểu, thymol 1% trong rượu  cho 1ml tương ứng với 100ml  nước tiểu, sau đó cho tăng dần theo số lượng nước tiểu của bệnh nhân.

  • Chuẩn bị một bình nhựa có thể tích khoảng 3 - 5 lít
  • Cho thuốc bảo quản nước tiểu vào bình chứa (lọ đựng nước tiểu có thuốc được phát tại khoa Xét nghiệm).
  • Buổi sáng sớm thức dậy đi tiểu bỏ hết (ví dụ: thức dậy 5 giờ sáng thì lấy nước tiểu cho đến 5 giờ sáng ngày hôm sau).
  • Kể từ lần đi tiểu kế tiếp, tất cả nước tiểu kể cả nước tiểu hứng được lúc đi đại tiện và đi tắm đều cho vào bình chứa, lắc nhẹ và đều để trộn lẫn nước tiểu với chất bảo quản.
  • Trong đêm nếu có đi tiểu bao nhiêu lần đều hứng nước tiểu đủ.
  • Lấy cả nước tiểu khi đi đại tiện, đậy nắp bô sau mỗi lần đi tiểu và để chỗ mát.
  • Sau lần đi tiểu cuối cùng (vào giờ định trước) sáng hôm trước đến giờ đó sáng hôm sau, điều dưỡng đo và ghi số lượng nước tiểu trong ngày vào bảng theo dõi.
  • Lắc đều, lấy đủ lượng nước tiểu theo yêu cầu cho vào ống nghiệm, gửi nước tiểu và giấy xét nghiệm đến phòng xét nghiệm.
  • Đo lượng thể tích nước tiểu và ghi lại thể tích bằng ml hoặc lít vào phiếu chỉ định của bac sĩ

 Chú ý: thể tích nước tiểu ghi trên phiếu xét nghiệm càng chi tiết thì sẽ giúp cho kết quả xét nghiệm càng chính xác. Ví dụ: ghi V = 1210 ml thay vì ghi V = 1200 ml.         
 Cách lấy nước tiểu làm xét nghiệm cặn ADDIS

  • Trước khi lấy mẫu nước tiểu, bệnh nhân đi bỏ hết nước tiểu.
  • Bệnh nhân uống 200ml nước lọc.
  • Sau đó, bắt đầu lấy tất cả nước tiểu của những lần đi tiểu tiếp theo vào trong bình sạch, kể cả lúc đi tiêu, có nắp đậy kín trong vòng 3 giờ.
  • Sau khi tích đủ nước tiểu trong 3 giờ, bệnh nhân đo toàn bộ thể tích nước tiểu đã lấy được, ghi thể tích vào phiếu chỉ định của bác sĩ (bằng ml hoặc lít).
  • Rót vào 2/3 lọ nhỏ sạch do phòng Xét nghiệm phát.
  • Đem đến phòng XN ngay để các thành phần trong nước tiểu không bị vỡ, hay thay đổi.

 Chú ý: thể tích nước tiểu ghi trên phiếu xét nghiệm càng chi tiết thì sẽ giúp cho kết quả xét nghiệm càng chính xác. Ví dụ: ghi V = 1210 ml thay vì ghi V = 1200 ml.

Kỹ thuật lấy phân để xét nghiệm

  • Hướng dẫn bệnh nhân đi ngoài vào một bô, đi tiểu sang bô còn lại.
  • Chọn chỗ phân có biểu hiện bệnh lý như: nhầy, máu, lợn cợn trắng, dùng tăm bông lấy một lượng phân bằng đầu ngón tay út cho vào lọ, đậy kín nút.
  • Gửi bệnh phẩm và giấy xét nghiệm đến phòng xét nghiệm.

Kỹ thuật lấy mủ xét nghiệm

Lấy mủ xét nghiệm trong các trường hợp vết thương có biểu hiện nhiễm khuẩn. Kết quả xét nghiệm giúp chẩn đoán và điều trị, chăm sóc vết thương nhanh hồi phục, phòng tránh nhiễm khuẩn toàn thân.

Nếu vết thương nhiều mủ thì hút mủ bằng ống hút và cho vào ống nghiệm đậy nút kín gửi đến phòng xét nghiệm.

Nếu vết thương ít mủ thì sau khi hút mủ vào kim tiêm, để nguyên mủ trong bơm tiêm, đậy kín đầu bơm tiêm và gửi đến phòng xét nghiệm.

Kỹ thuật lấy đờm để xét nghiệm

Cách lấy mẫu đàm

Xét nghiệm đờm chủ yếu để giúp chẩn đoán các bệnh về đường hô hấp, đặc biệt là tìm trực khuẩn lao.

          lấy mẫu đàm xét nghiệm

Nguyên tắc: lấy đờm vào buổi sáng sớm, tránh để nhiều nước bọt lẫn vào đờm. Người khạc đờm ít hoặc trẻ nhỏ thì có thể lấy chất nhầy ở hang.

  • Bệnh nhân cần đánh răng súc miệng sạch.
  • Ho mạnh và khạc đàm vào lọ chứa (do Phòng Xét nghiệm phát) đậy kín nắp lại. Nếu bệnh nhân khạc đờm ít hoặc trẻ nhỏ thì dùng tăm bông quệt vào niêm mạc họng rồi phết lên lam kính làm tiêu bản; hoặc có thể cho cả tăm bông vào ống nghiệm đậy kín nút gửi bệnh phẩm và giấy xét nghiệm đến phòng xét nghiệm.

Chú ý: nếu không có đàm mà chỉ có nước bọt thì xét nghiệm sẽ không chính xác.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top