✴️ Tỷ lệ A/G cao

Nội dung

Tỉ lệ albumin và globulin huyết thanh (A/G) là một chỉ số trong xét nghiệm máu. Chỉ số này đo lường tỷ lệ của albumin so với globulin, hai loại protein chính trong máu.

Thông thường thì tỷ lệ A/G được thực hiện như là một xét nghiệm protein máu thường quy. Xét nghiệm này được dùng để kiểm tra đánh giá tổng trạng sức khỏe, bao gồm cả tình trạng dinh dưỡng và chức năng miễn dịch của cơ thể.

Xét nghiệm này còn được thực hiện để tầm soát và theo dõi nhiều bệnh lý khác nhau, bao gồm bệnh thận, nhiễm trùng mạn tính, các loại ung thư và nhiều bệnh khác.

Bài viết này sẽ giải thích các mục đích của xét nghiệm tỷ lệ A/G máu, quá trình thực hiện và cách diễn giải kết quả.

MỤC ĐÍCH

Huyết thanh là thành phần dịch trong suốt nằm trong máu và không chứa tế bào máu hay yếu tố đông máu nào. Trong huyết thanh có chứa các protein, được gọi là protein huyết thanh.

Protein huyết thanh có hai loại chính:

  • Albumin. Albumin chiếm khoảng 50 phần trăm lượng protein huyết thanh, chất này phản ánh tình trạng dinh dưỡng của cơ thể. Albumin chuyên chở những chất như hormone, acid béo, và thuốc đi khắp cơ thể.
  • Globulin. Globulin được tạo ra bởi hệ miễn dịch của cơ thể, chiếm khoảng 48 phần trăm trong protein huyết thanh. Globulin thể hiện được trạng thái miễn dịch của cơ thể và mức độ nặng của tình trạng nhiễm trùng.

Mục tiêu của xét nghiệm tỷ lệ A/G là để đo lường được tỷ lệ của albumin so với globulin.

Bởi vì kết quả của xét nghiệm cho ta được một cái nhìn sâu hơn về tình trạng dinh dưỡng và miễn dịch của cơ thể, xét nghiệm này rất hữu ích trong việc chẩn đoán và theo dõi nhiều bệnh lý khác nhau.

 

KẾT QUẢ

Chỉ số bình thường của A/G thường lớn hơn 1, khoảng từ 1 đến 2 do thường có nhiều albumin hơn glubulin trong huyết thanh.

Nếu như cơ thể sản xuất ra quá ít hoặc quá nhiều một trong 2 loại protein trên thì sẽ cho ra chỉ số A/G thấp hoặc cao.

 

A/G THẤP

Chỉ số A/G thấp có thể cho thấy rằng mức albumin quá thấp hoặc mức globulin quá cao. Globulin cao thể hiện rằng đang có tình trạng viêm và sự hoạt động của hệ miễn dịch.

Nhìn chung, A/G thấp thường đi kèm với:

  • Bệnh thận
  • Bệnh gan, chỉ số thể hiện tổng trạng chức năng của gan
  • Nhiễm trùng mạn tính (HIV, lao, viêm gan)
  • Suy dinh dưỡng
  • Viêm tụy
  • Bệnh tự miễn (viêm khớp dạng thấp)
  • Một số ung thư, bao gồm:
    • Ung thư gan
    • Đa u tủy và các ung thư máu khác
    • Ung thư đại-trực tràng
    • Ung thư tụy
    • Ung thư phổi
  • Đái tháo đường tuýp 2 (albumin thấp thể hiện tình trạng thiếu insulin)

Một nghiên cứu năm 2010 phát hiện ra rằng nồng độ albumin thấp là chỉ số tiên đoán một phần của tỷ lệ tử vong cao trong các bệnh ung thư đường tiêu hóa, phổi, vú và các loại ung thư khác.

 

A/G CAO

Nồng độ Albumin cao có thể được gây ra bởi sự sản sinh albumin quá mức ở gan, hoặc do lượng huyết thanh quá thấp.

Tỷ lệ A/G cao do nồng độ albumin cao có thể do các nguyên nhân như mất nước nặng, tiêu chảy, nhưng tình trạng này cũng có thể xảy ra trong thai kỳ. Thận khỏe mạnh sẽ không cho phép albumin đi ra khỏi máu vào nước tiểu. Nồng độ albumine nước tiểu cao có thể là một chỉ điểm cho bệnh thận.

Chỉ số A/G cao còn có thể là do nồng độ globulin thấp, thường gặp ở những bệnh nhân bị thiếu kháng thể, suy giảm miễn dịch.

Nồng độ globulin thấp còn có thể do suy dinh dưỡng. Suy dinh dưỡng có thể là do viêm ruột hoặc các bệnh lý tiêu hóa khác, rối loạn ăn uống và không có chế độ ăn cân bằng.

A/G CAO

 

THỦ THUẬT

Xét nghiệm tỷ lệ A/G máu thường nhưng không luôn luôn được thực hiện như một phần của bộ xét nghiệm chuyển hóa (CMP). CMP thường được thực hiện khi thăm khám sức khỏe định kỳ thường quy.

Nếu như được thực hiện như một phần của CMP, bệnh nhân sẽ cần phải nhịn đói trước khi xét nghiệm, nghĩa là không được ăn uống trước khi lấy máu. Việc nhịn đói này không liên quan gì đến xét nghiệm A/G nhưng lại ảnh hưởng đến các thành phần khác của CMP. Nếu như chỉ cần thực hiện A/G thôi thì bệnh nhân không cần nhịn đói.

Đây là một thủ thuật xét nghiệm máu đơn giản, thường được thực hiện tại phòng khám. Thường sẽ diễn ra theo các bước sau:

  1. Kỹ thuật viên hoặc điều dưỡng sẽ xác định vị trí mạch trên cánh tay.
  2. Vị trí đó sẽ được sát khuẩn
  3. Nhân viên y tế sẽ đưa kim vào trong mạch, rút máu ra và cho vào trong ống nghiệm. Ống nghiệm này sẽ được đánh dấu bằng tên bệnh nhân.
  4. Nếu như cần nhiều mẫu thử thì nhân viên y tế sẽ thay ống nghiệm nhiều lần cho đến khi đã đủ mẫu.
  5. Sau khi đã lấy đủ mẫu máu thì nhân viên y tế sẽ rút kim và đè ép lên vị trí lấy máu sau đó băng lại.

Tay bệnh nhân có thể sẽ được cột thắt ở phía trên vị trí lấy máu bằng một băng cao su hoặc được yêu cầu nắm chặt quả banh để tăng dòng máu chảy. Khi đã rút được máu thì chỉ cần khoảng vài giây là xong thủ thuật.

Ngoài ra còn có xét nghiệm protein nước tiểu. Tùy theo nguyên nhân của việc kiểm tra A/G mà các bác sĩ cũng có thể cho bệnh nhân thực hiện xét nghiệm này.

 

CÁC ĐỐI TƯỢNG NÊN XÉT NGHIỆM A/G

Các bác sĩ có thể cho thực hiện xét nghiệm tỷ lệ A/G máu nếu như bệnh nhân có những triệu chứng đáng nghi ngờ, đặc biệt là những triệu chứng gợi ý bệnh lý thận hoặc gan.

Các triệu chứng bao gồm:

  • Giảm cân không rõ nguyên nhân
  • Tụ dịch (phù)
  • Vàng mắt, vàng da
  • Tiểu ra máu
  • Buồn nôn
  • Nôn ói
  • Mệt mỏi
  • Chán ăn

Tỷ số A/G thường được sử dụng để đánh giá mức độ tiến triển của bệnh, và thậm chí có thể dự đoán được tỷ lệ tử vong. Bệnh nhân có thể được thực hiện xét nghiệm này nếu như đang nằm viện để điều trị bệnh hoặc nếu như có các bệnh lý mạn tính như bệnh gan hay bệnh thận.

Trong một số trường hợp, không cần phải có lý do gì bạn cũng có thể được thực hiện xét nghiệm này. Tùy theo bác sĩ và phòng xét nghiệm mà tỷ lệ A/G có thể được thực hiện trong quá trình làm CMP.

 

KẾT LUẬN

Tỷ lệ A/G được dùng để đo albumin và globulin, hai protein chính của máu. Xét nghiệm máu đơn giản này được dùng để theo dõi tình trạng dinh dưỡng, chức năng miễn dịch và tổng trạng sức khỏe.

Chỉ sốm A/G thấp hoặc cao thường có liên quan đến các bệnh lý về thận và gan. Chỉ số A/G thấp có thể liên quan đến tình trạng nhiễm trùng mạn tính, ung thư hoặc nhiều hơn nữa. Chỉ số A/G cao có thể liên quan đến mất nước, suy dinh dưỡng và các bệnh lý đường tiêu hóa khác.

Xét nghiệm có thể được chỉ định thực hiện khi bệnh nhân giảm cân không rõ nguyên nhân, cực kỳ mệt mỏi, hoặc phù. Ngoài ra, nếu như bệnh nhân đã được xác định mắc bệnh lý mạn tính thì xét nghiệm này được sử dụng để theo dõi diễn tiến của bệnh.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top