✴️ Vai trò của các xét nghiệm đánh giá chức năng thận

1. Xét nghiệm máu

- Xét nghiệm Ure

Ure là sản phẩm cuối cùng trong chu trình chuyển hóa nitơ tại gan, có nguồn gốc chủ yếu từ quá trình thoái hóa protein trong cơ thể. Ure được đào thải chủ yếu qua thận và một phần qua đường tiêu hóa.

Xét nghiệm ure được chỉ định trong kiểm tra sức khỏe định kỳ, hoặc trong các trường hợp có bệnh lý về gan, thận, kiểm tra chức năng thận trước khi phẫu thuật, can thiệp.

Giá trì bình thường của xét nghiệm ure máu khoảng 2,5 - 7,5 mmol/L. Chỉ số ure bị ảnh hưởng nhiều bởi chế độ ăn giàu protein, suy thận cấp và mạn tính. Hoặc giảm trong các trường hợp thiếu protein, có thai, suy gan, xơ gan, viêm gan,...

Xét nghiệm máu

Xét nghiệm máu

- Xét nghiệm Creatinin huyết thanh

Creatinin là sản phẩm thoái giáng của creatin trong các cơ để sinh công cơ học. Creatin nội sinh chủ yếu được tổng hợp tại gan, tụy từ arginin và methionin. Creatin ngoại sinh do thức ăn cung cấp.

Creatinin được đào thải qua thận, rất ít chịu ảnh hưởng bởi chế độ ăn, phản ánh chính xác chức năng lọc của thận. Vì vậy, xét nghiệm chỉ số này có ý nghĩa chẩn đoán và đánh giá chức năng thận.

Giá trị Creatinin được đánh giá là bình thường trong khoảng 53-97umol/L ở nữ giới, còn đối với nam giới là 62-115umol/L. Tuy nhiên, giá trị tham chiếu này có thể khác nhau ở từng phòng xét nghiệm.

Nồng độ Creatinin trong máu tăng cao có thể do tăng vận cơ hoặc là dấu hiệu cảnh báo của việc chức năng thận bị suy giảm.

Nồng độ Creatinin trong máu giảm trong các trường hợp như giảm khối cơ và vận cơ, cường giáp, thiếu máu, loạn dưỡng cơ,...

- Xét nghiệm acid uric máu

Acid uric được tổng hợp tại gan, thải ra khỏi cơ thể 80% qua đường nước tiểu và 20% qua đường tiêu hóa. Nồng độ acid uric máu bình thường đối với nam giới là 180-420 mmol/l, đối với nữ giới là 150-360 mmol/l. Những bệnh nhân mắc bệnh suy thận, vẩy nến, gout,… có nồng độ acid uric tăng cao.

Xét nghiệm này được chỉ định để chẩn đoán các bệnh lý gây biến đổi nồng độ acid uric trong cơ thể như bệnh gout, bệnh thận,...

Để kết quả chính xác nên được thực hiện vào buổi sáng, cần nhịn ăn trước khi lấy máu ít nhất là 4 giờ đồng hồ, có thể uống nước lọc.

- Xét nghiệm Cystatin C

Cystatin C là một protein ức chế protease ít bị ảnh hưởng bởi khối lượng cơ, chế độ ăn, giới, chủng tộc, không được bài tiết ở ống thận,…, nên cũng đang được sử dụng để đánh giá chức năng thận trong suy thận cấp, mạn tính, hoặc để đánh giá bệnh tim mạch và nguy cơ tử vong.

- Xét nghiệm rối loạn cân bằng kiềm toan

Thông thường, để đảm bảo hoạt động tối ưu của yếu tố đông máu, các protein co cơ và các men tế bào, định lượng PH máu được duy trì ở mức 7,37-7,43. Ở những bệnh nhân bị suy thận, các acid trong quá trình chuyển hóa bị giảm thải, gây mất bicarbonat, dẫn đến nồng độ các acid trong máu tăng cao.

2. Xét nghiệm nước tiểu

- Tổng phân tích nước tiểu

Đây là một trong những xét nghiệm quan trọng trong kiểm tra sức khỏe tổng quát. Các chỉ số của mẫu tổng phân tích nước tiểu thường là âm tính; nếu các chỉ số này dương tính, tức có những bất thường trong nước tiểu, phản ánh một tình trạng nào đó của cơ thể như cơ thể bị viêm thận cấp, viêm cầu thận hoặc các bất thường về chuyển hóa khác.

Xét nghiệm nước tiểu

Xét nghiệm nước tiểu

- Định lượng protein niệu 24h

Protein niệu là cụm từ chỉ sự có mặt của protein trong nước tiểu. Bình thường trong nước tiểu không có hoặc có rất ít protein do cơ chế tái hấp thu protein ở thận. Xét nghiệm protein niệu nhằm chẩn đoán các bệnh lý thận tiết niệu, giúp cho việc điều trị và phòng tránh nguy cơ xảy ra biến chứng nguy hiểm.

Chỉ số protein trong nước tiểu ở người bình thường là < 0.3 g/ 24h. Protein trong nước tiểu có thể tăng đến >0.3 g/24h ở những người bệnh bị tổn thương tại cầu thận, suy thận, viêm cầu thận thấp, một số bệnh lý toàn thân có ảnh hưởng đến cầu thận như đái tháo đường, tăng huyết áp, lupus ban đỏ,…

3. Kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh

- Siêu âm bụng

Là phương pháp không xâm lấn, hoàn toàn an toàn cho sức khỏe của người bệnh. Qua hình ảnh siêu âm dễ dàng phát hiện các bệnh lý ở thận như soi thận, sỏi niệu quản, hội chứng thận hư, suy thận,...

- Chụp Xquang bụng hoặc chụp cắt lớp vi tính ổ bụng (hệ tiết niệu)

Kỹ thuật này đánh giá chức năng thận qua tia X thăm dò hình ảnh, giúp bác sĩ quan sát rõ hình ảnh toàn bộ hệ tiết niệu. Chụp hệ tiết niệu thường được chỉ định ở những bệnh nhân có nghi ngờ tắc nghẽn tiết niệu hoặc sỏi tiết niệu.

Chụp cắt lớp vi tính ổ bụng (hệ tiết niệu)

Kỹ thuật chụp nâng cao hơn có tiêm thuốc cản quang, nhờ đó bác sĩ đánh giá được tính chất tắc nghẽn hệ tiết niệu, bất thường về đường bài xuất cũng như khảo sát được hệ thống mạch máu thận, từ đó đưa ra phác đồ điều trị kịp thời và hiệu quả.

Thận là cơ quan giữ nhiều vai trò quan trọng trọng như lọc máu, duy trì cân bằng muối và điện giải trong máu, điều chính huyết áp,... Nhưng có nhiều bệnh lý hay gặp ở thận như sỏi thận, suy thận, ung thư thận... không chỉ gây ảnh hưởng tới chất lượng sống, mà còn đe dọa tính mạng người bệnh.

Người bị bệnh thận thường có các triệu chứng không đặc hiệu, khó nhận biết và dễ nhầm lẫn với triệu chứng các bệnh khác như nôn, buồn nôn, mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ, đau ngực, phù chân,... Vì vậy, để bệnh phát hiện sớm và chẩn đoán bệnh chính xác, bạn nên đi khám sức khỏe định kỳ hoặc khám ngay khi có dấu hiệu bất thường. Thông qua các xét nghiệm trên, bạn sẽ bác sĩ chẩn đoán chính và đưa ra hướng chữa trị kip thời khi phát hiện bất thường.

Xem thêm: Làm sao để bảo vệ chức năng thận

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top