✴️ Xét nghiệm AST và ý nghĩa trong đánh giá chức năng gan

Nội dung

1. Xét nghiệm AST là gì?

AST (Aspartate Transaminase) là tên một loại enzyme có mặt trong quá trình chuyển hóa Aspartate của cơ thể. Thông thường, nồng độ AST trong máu được duy trì ở mức ổn định và thường rất thấp. Tuy nhiên, nồng độ này có thể tăng cao đối với những trường hợp mắc các bệnh lý về gan, thận, tim, cơ xương,...

Xét nghiệm AST là một trong những xét nghiệm quan trọng được thực hiện nhằm đánh giá chức năng của gan thông qua việc xác định nồng độ enzym AST có trong máu. Từ đó có thể phát hiện được những bệnh lý hoặc tổn thương tại gan nếu có. 

Để có thể đánh giá được chính xác tình trạng sức khỏe của gan, xét nghiệm AST có thể được kết hợp với các xét nghiệm khác như xét nghiệm ALT. Tỷ lệ AST/ALT sẽ giúp xác định được nguyên nhân và mức độ dẫn đến những tổn thương gan, có thể là do thuốc lá, rượu bia hay độc chất, virus. 

Ngoài ra, bệnh nhân đang trong quá trình điều trị các bệnh về gan cũng có thể được chỉ định làm xét nghiệm AST để theo dõi tình trạng sức khỏe và sớm có điều chỉnh phù hợp. 

2. Chỉ số AST ngưỡng bình thường và bất thường liên quan đến gan

Tùy thuộc vào độ tuổi, giới tính hay chế độ sinh hoạt hàng ngày mà chỉ số AST trong máu có thể có sự dao động. Tuy nhiên, vẫn có một giới hạn nhất định đối với chỉ số AST nên có thể là báo hiệu cho sự tổn thương gan nếu chỉ số AST vượt quá mức đó. 

Ngưỡng bình thường của chỉ số AST là dưới 40 UI/L. Khi chỉ số này tăng cao thì người bệnh cần được kết hợp làm thêm một số xét nghiệm khác để có thể phát hiện sớm bệnh và điều trị kịp thời.

Chỉ số AST ở ngưỡng bất thường:

Chỉ số AST tăng nhẹ (nhưng vẫn < 100 UI/L): thường gặp ở bệnh nhân có gan nhiễm mỡ, xơ gan, viêm gan mạn tính hoặc các trường hợp vàng da tắc mật.

Chỉ số AST tăng vừa (nhưng vẫn < 300 UI/L): thường gặp ở những trường hợp sử dụng quá nhiều bia rượu dẫn đến tổn thương gan. 

Chỉ số AST tăng cao (trên 3000 UI/L): thường là do gan bị tổn thương dẫn đến hoại tử (do hóa chất, thuốc độc hay viêm gan do virus cấp tính/ mạn tính,...)

Chỉ số AST ngưỡng bình thường và bất thường liên quan đến gan

3. Nên thực hiện xét nghiệm AST với những trường hợp nào?

Là một xét nghiệm đánh giá chức năng gan, xét nghiệm AST thường được chỉ định thực hiện trong các đợt khám sức khỏe tổng quát định kỳ. 

Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể chỉ định tiến hành xét nghiệm AST nếu người bệnh có những biểu hiện như:

  • Cơ thể ủ rũ, mệt mỏi.
  • Ăn không ngon, chán ăn.
  • Có cảm giác buồn nôn và nôn.
  • Đầy bụng, ăn uống khó tiêu.
  • Vùng mạn sườn phải có cảm giác đau.
  • Da vàng, phân nhạt màu, nước tiểu màu vàng.
  • Ngứa ngáy.

Bên cạnh đó, những đối tượng có nguy cơ cao mắc các bệnh về gan cũng nên làm xét nghiệm AST để kiểm tra chức năng gan của mình:

  • Người có tiền sử mắc viêm gan do virus.
  • Đối tượng nghiện rượu bia.
  • Tiền sử gia đình có người từng mắc các bệnh về gan.
  • Trường hợp béo phì, thừa cân hoặc mắc các bệnh liên quan đến chuyển hóa trong cơ thể như tiểu đường,... Ngoài ra các bệnh về tim, suy tim sung huyết, viêm màng ngoài tim,nhồi máu cơ tim hoặc các bệnh như hoại tử cơ, nhồi máu não chỉ số AST cũng có thể tăng.

4. Quy trình tiến hành xét nghiệm AST

Trước khi lấy mẫu xét nghiệm, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám sơ bộ dựa trên những triệu chứng mà người bệnh cung cấp. Sau đó, nếu có nghi ngờ tăng cao AST thì mới chỉ định làm xét nghiệm. 

Mẫu bệnh phẩm được sử dụng trong xét nghiệm AST là máu tĩnh mạch. Nhân viên y tế sát trùng vị trí lấy máu, thường là tĩnh mạch cánh tay và rút một lượng máu vừa đủ cho vào ống nghiệm. 

Mẫu máu thu được sau đó được chuyển về phòng máy phân tích và cho ra kết quả. 

Kết quả xét nghiệm AST giúp đánh giá tình trạng tổn thương gan nhưng không thể đánh giá một cách chính xác nếu chỉ dựa vào chỉ số này. Do đó, khi có kết quả bất thường từ xét nghiệm AST, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân tiến hành thêm các xét nghiệm liên quan như: xét nghiệm ALT, ALP, GGT, Albumin,...

Cần lưu ý những điều gì khi làm xét nghiệm AST?

Một vài lưu ý cần biết khi làm xét nghiệm AST bao gồm:

  • Xét nghiệm AST không yêu cầu người bệnh phải nhịn ăn trước khi lấy máu
  • Trước khi xét nghiệm khoảng vài ngày nên ngưng sử dụng rượu bia, thuốc lá và các loại thuốc điều trị khác.
  • Sau khi lấy máu, bệnh nhân cần tránh mang vác hoặc thao tác mạnh, nên dành thời gian để nghỉ ngơi.
  • Nếu huyết thanh đục hoặc mẫu máu bị vỡ hồng cầu có thể làm ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm. 

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top