✴️ Xét nghiệm máu Ferritin

Nội dung

Xét nghiệm máu ferritin là gì?

Ferritin có mặt ở các tổ chức dự trữ sắt: gan, lách, tủy xương, một phần nhỏ được giải phóng ra huyết thanh. Bác sĩ sử dụng xét nghiệm máu ferritin để kiểm tra nồng độ sắt trong máu của một người và giúp chẩn đoán nhiều tình trạng bệnh lý bao gồm:

  • Thiếu máu thiếu sắt, hoặc số lượng hồng cầu thấp
  • Hemochromatosis, một bệnh lý di truyền
  • Hội chứng chân tay bồn chồn

Bệnh nhân có các tình trạng này có thể cần xét nghiệm máu ferritin thường xuyên để theo dõi sức khỏe.

Bác sĩ cũng có thể yêu cầu thực hiện thêm các xét nghiệm máu khác để kiểm tra mức độ dự trữ sắt của một người như:

  • Nồng độ sắt trong máu
  • Nồng độ huyết sắc tố, để kiểm tra số lượng hồng cầu.
  • Gen HFE để chẩn đoán bệnh hemochromatosis
  • Xét nghiệm khả năng gắn sắt toàn phần, đo mức độ transferrin - một protein vận chuyển ferritin.

​     xét nghiệm máu

Ý nghĩa xét nghiệm

Mức ferritin bình thường

Kết quả sẽ được tính theo đơn vị (ng/mL) và có thể thay đổi một chút theo thang đo của từng phòng thí nghiệm này sang phòng thí nghiệm khác. Theo một số nguồn, phạm vi bình thường của ferritin trong máu như sau:

Nhóm

Đơn vị tính (ng/mL)

Nam giới trưởng thành

20 – 250

Nữ giới trưởng thành

10 – 120

Nữ trên 40 tuổi

12 – 263

Trẻ mới sinh

25 – 200

Trẻ < 1 tháng tuổi

200 – 600

Trẻ từ 2 – 5 tháng tuổi

50 – 200

Trẻ từ 6 tháng – 15 tuổi

7 – 140

Các chỉ số có sự chênh lệch đôi chút giữa các thang đo. Với một số nghiên cứu từ 2008 cho thấy nhiều phòng xét nghiệm áp dụng mức ferritin trên 200 ng/mL ở phụ nữ và 300 ng/mL ở nam giới là bất thường.

Cần tham khảo ý kiến bác sĩ thêm trước khi kết luận và lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp.

Mức ferritin thấp

Kết quả của ferritin thấp là bằng chứng của sự thiếu hụt sắt. Cơ thể cần sắt để tạo ra huyết sắc tố - là một loại protein trong các tế bào hồng cầu vân chuyển oxy từ phổi đến các mô trong cơ thể. Không có đủ chất sắt, một người có thể bị thiếu máu. Ngoài ra sắt cũng cần thiết cho:

  • Sự tăng trưởng và phát triển;
  • Chuyển hóa và trao đổi chất;
  • Sản xuất hormone.

Thiếu máu thiếu sắt có thể gây ra các triệu chứng sau đây:

  • Chóng mặt, mệt mỏi;
  • Đau đầu;
  • Nhịp tim không đều, da nhợt nhạt;
  • Khó thở, đuối sức.

Trường hợp thiếu máu nhẹ có thể không gây ra bất kỳ triệu chứng nào.

Nồng độ ferritin cao

Mức ferritin cao hơn bình thường có thể xuất phát từ các nguyên nhân như:

  • Bệnh tan máu;
  • Tình trạng viêm mãn tính;
  • Lạm dụng rượu;
  • Ung thư hạch Hodgkin - một loại ung thư ảnh hưởng đến hệ bạch huyết;
  • Cường giáp;
  • Bệnh bạch cầu, ung thư tủy xương.
  • Bệnh gan
  • Porphyria, một nhóm các rối loạn ảnh hưởng đến da và hệ thần kinh.
  • Những người đã được truyền máu nhiều lần cũng có thể có mức ferritin cao.

Khi mức ferritin cao trên bình thường, bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm thêm để tìm ra các nguyên nhân cơ bản để có được tiến trình điều trị tốt nhất.

Làm thế nào để tăng mức ferritin thấp

Các bác sĩ điều trị tình trạng ferritin thấp bằng thuốc bổ sung sắt. Đối với các trường hợp thiếu máu nặng có thể cần điều trị bằng sắt tiêm tĩnh mạch.

Để có kết quả tốt nhất, nên bổ sung sắt uống kết hợp với vitamin C để tăng hấp thu sắt đồng thời tránh sử dụng thuốc kháng axit, bổ sung canxi uống trà hoặc cà phê trong vòng 2 giờ sau khi bổ sung sắt.

Nếu nồng độ ferritin và sắt trong máu không trở lại bình thường sau khi bổ sung sắt, có thể cần tiến hành xét nghiệm bổ sung để xác định nguyên nhân thiếu hụt và điều trị phù hợp.

Nguyên nhân tiềm ẩn của tình trạng thiếu sắt bao gồm:

  • U xơ hoặc polyp;
  • Mất máu nhiều trong chu kì kinh nguyệt;
  • Loét dạ dày.

Làm thế nào để giảm mức ferritin cao

Việc điều trị nồng độ ferritin cao phụ thuộc vào nguyên nhân cơ bản. Đối với bệnh thừa sắt (hemochromatosis) di truyền có thể điều trị bằng phương pháp chích máu tĩnh mạch. Đây là một thủ thuật lấy bớt máu khỏi cơ thể.

Lượng máu và tần suất loại bỏ sẽ khác nhau tùy thuộc vào độ tuổi, sức khỏe và mức ferritin của một người.

Bệnh nhân sẽ cần điều trị trên cơ sở liên tục để duy trì nồng độ ferritin trong máu bình thường.

Những người có các nguyên nhân khác gây ra mức ferritin cao có thể yêu cầu điều trị bổ sung, chẳng hạn như thuốc hoặc phẫu thuật can  thiệp tùy thuộc vào nguyên nhân.

     

                     (Chích máu tĩnh mạch trong điều trị bệnh Hemochromatosis)

Chuẩn bị xét nghiệm

Thường không cần phải thực hiện bất kỳ yêu cầu đặc biệt nào khi xét nghiệm máu ferritin.

Tuy nhiên, nếu bệnh nhân có thực hiện kèm theo các xét nghiệm máu khác có thể cần phải nhịn ăn trong một khoảng thời gian nhất định trước khi lấy máu.

Tóm lược

Xét nghiệm ferritin là xét nghiệm máu đơn giản để đo mức ferritin trong cơ thể. Kết quả bất thường có thể chỉ ra một bệnh lý tiềm ẩn, chẳng hạn như thiếu sắt, bệnh hemochromatosis hoặc một số loại ung thư.

Nếu có bất thường về kết quả xét nghiệm máu ferritin của mình, nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được giải thích kết quả và có những lời khuyên về phương pháp khắc phục, điều trị chính xác.

Xem thêm: Những điều cần biết về MCHC thấp trong xét nghiệm máu?

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top