✴️ Những điều cần biết về MCHC thấp trong xét nghiệm máu?

Nội dung

Hemoglobin ảnh hưởng đến màu sắc của máu và quá trình lưu thông oxy xung quanh cơ thể. Việc thiếu oxy do nồng độ hemoglobin thấp có thể gây ra mệt mỏi và các triệu chứng thiếu máu khác.

Xét nghiệm nồng độ hemoglobin tiểu thể trung bình (MCHC) là một phần của xét nghiệm công thức máu toàn bộ (CBC) được thực hiện trong quá trình phân tích máu và giá trị MCHC được sử dụng để đánh giá mức độ nghiêm trọng và nguyên nhân của thiếu máu.

Hemoglobin thấp có thể giúp hỗ trợ bác sĩ xác định nguyên nhân gây ra bệnh thiếu máu. Mặc dù để có kết luận chính xác sẽ phải cần kết hợp nhiều kết quả xét nghiệm khác nhau chứ không chỉ dựa trên mức MCHC thấp.

Nguyên nhân

Thiếu máu được đặc trưng bởi lượng hemoglobin thấp. Điều này có thể do các điều kiện bình thường như mang thai hoặc do chế độ ăn uống thiếu sắt gây ra. Trong một số trường hợp khác có thể do các tình trạng đe dọa đến tính mạng. Các yếu tố gây ra lượng hemoglobin thấp bao gồm:

  • Ít tế bào máu được hình thành hơn;

  • Tế bào hồng cầu bị phá hủy nhanh hơn tốc độ chúng được hình thành;

  • Mất máu.

Nguyên nhân gây mất máu bao gồm vết thương, vết loét, bệnh trĩ hoặc ung thư. Ngoài ra, mất máu cũng có thể được gây ra bởi các tình trạng như hiến máu thường xuyên và kinh nguyệt ở phụ nữ.

Các loại thiếu máu sau đây có liên quan đến nồng độ hemoglobin thấp:

Thiếu máu do thiếu sắt

Tình trạng này có thể do chế độ ăn uống thiếu sắt hoặc do cơ thể không có khả năng hấp thụ sắt. Khi có ít chất sắt hơn để hình thành hồng cầu, các tế bào hồng cầu sẽ nhỏ hơn và nhạt màu hơn.

Thiếu máu ác tính

Thường do chế độ ăn uống thiếu vitamin B-12 gây ra. Tình trạng này cũng ảnh hưởng đến những người không thể hấp thụ vitamin B-12.

Thiếu máu bất sản

Tình trạng này được đặc trưng bởi số lượng tế bào hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu giảm.

Chứng thiếu máu tan máu

Xảy ra khi các tế bào hồng cầu bị thải loại khỏi cơ thể trước khi hết tuổi thọ và không được tủy xương sản sinh các tế bào hồng cầu mới để thay thế.

Các tình trạng khác có mối liên quan với mức MCHC

Trong một số trường hợp hiếm hoi, thiếu máu có thể là dấu hiệu của các tình trạng khác nghiêm trọng hơn như:

  • Đang điều trị ung thư hoặc mắc bệnh bạch cầu;
  • Bất thường ở tủy xương;
  • Khối u đường tiêu hóa;
  • Bệnh về thận và gan;
  • Rối loạn viêm.

Bệnh thận có thể gây thiếu máu vì thận không thể sản xuất đủ erythropoietin. Đây là một loại hormone kích thích tủy xương tạo ra các tế bào hồng cầu.

Hóa trị trong điều trị ung thư cũng có thể ảnh hưởng đến việc sản xuất các tế bào hồng cầu mới, dẫn đến thiếu máu.

Các tình trạng sau đây có thể phá hủy các tế bào hồng cầu nhanh hơn tốc độ chúng được tái tạo:

  • Lách to
  • Rối loạn chuyển hóa porphyrin
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu
  • Bệnh thalassemia
  • Viêm mạch máu
  • Tan máu

Các triệu chứng

Nồng độ hemoglobin thấp không phải lúc nào cũng tạo ra các triệu chứng đáng chú ý và không phải lúc nào cũng có thể là dấu hiệu của bệnh tật. Ở mức độ nặng có thể phát triển các triệu chứng đáng chú ý bao gồm:

  • Suy nhược và mệt mỏi;
  • Da và nướu răng nhợt nhạt;
  • Nhịp tim nhanh hoặc không đều;
  • Tay hoặc chân lạnh;
  • Chóng mặt hoặc nhức đầu;
  • Thiếu tập trung;
  • Đau ngực.

Chẩn đoán

Có nhiều nguyên nhân cơ gây thiếu máu. Thiếu máu được chẩn đoán khi giá trị hemoglobin dưới 13,5 gam trên decilit (g/dL) ở nam hoặc dưới 12,0 g/dL ở nữ. Ở trẻ em, giá trị hemoglobin bình thường thay đổi theo tuổi. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể kiểm tra các chỉ số sau:

  • Vitamin B-12 và folate;
  • Ferritin và độ bão hòa sắt.

Folate và vitamin B-12 giúp cơ thể sản xuất các tế bào hồng cầu. Ferritin là một protein trong máu có chứa sắt, trong khi độ bão hòa sắt là lượng sắt có thể sẵn sàng sử dụng.

Khi nghi ngờ xuất huyết bên trong là một nguyên nhân gây thiếu máu có thể sử dụng nội soi để phát hiện, đánh giá các nguyên nhân có thể gây chảy máu ở đường tiêu hóa.

Điều trị

Điều trị thiếu máu có thể bao gồm nhiều các biện pháp như thay đổi chế độ ăn uống, bổ sung sắt, dùng thuốc hoặc truyền máu.

Thiếu máu do thiếu sắt nghiêm trọng có thể cần tiêm sắt nhằm phục hồi các tế bào hồng cầu, hemoglobin và mức sắt trong máu.

Trung bình, nam giới trưởng thành cần 8,7 miligam (mg) và phụ nữ trưởng thành cần 14,8 mg sắt mỗi ngày. Sau khi mãn kinh, con số này giảm xuống còn 8,7 mg mỗi ngày.

Một dạng tổng hợp của protein erythropoietin ở người đôi khi có thể được sử dụng thay cho truyền máu. Thuốc này kích thích tủy xương tạo ra nhiều tế bào hồng cầu hơn làm tăng hemoglobin.

Mặc dù phương pháp điều trị này đã được FDA chấp thuận cho một số tình trạng như thiếu máu do hóa trị, nhưng chưa được chấp thuận cho tất cả các tình trạng thiếu máu.

Phòng ngừa

Một số tình trạng thiếu máu có thể được ngăn ngừa bằng cách thực hiện một chế độ ăn uống có đủ sắt, vitamin B-12, folate và vitamin C.

Thịt đỏ, thịt gia cầm và hải sản đều là những nguồn cung cấp chất sắt dồi dào. Đối với những người ăn chay và thuần chay có thể cần tăng lượng sắt bằng các thực phẩm như đậu, đậu lăng, đậu phụ và đậu Hà Lan.

Ngoài ra, một số thực phẩm bổ sung chất sắt cũng có thể giúp ngăn ngừa tình trạng thiếu hụt.

Tổng kết

Nhiều tình trạng gây thiếu máu nhẹ có thể điều trị một cách dễ dàng. Một số tình trạng khác có thể tồn tại suốt đời tuy nhiên có thể kiểm soát được bằng thuốc và thay đổi chế độ ăn uống.

Xét nghiệm MCHC có thể giúp bác sĩ xác định nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh thiếu máu.

Mặc dù mức hemoglobin thấp có thể giúp xác định bệnh thiếu máu nhưng việc điều trị sẽ dựa trên nhiều yếu tố khác nhau. Vì vậy nên trao đổi thêm thông tin với bác sĩ nếu như có các vấn đề còn đang thắc mắc về mức MHCH thấp.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top