✴️ Những điều cần biết về thiếu máu

Triệu chứng của thiếu máu

Triệu chứng phổ biến nhất của thiếu máu là mệt mỏi. Các triệu chứng phổ biến khác bao gồm:

  • Da nhợt nhạt;
  • Nhịp tim nhanh hoặc không đều;
  • Hụt hơi;
  • Đau ngực;
  • Đau đầu.

Những người bị thiếu máu nhẹ có thể gặp ít hoặc không có triệu chứng. Một số dạng thiếu máu gây ra các triệu chứng cụ thể, bao gồm:

  • Thiếu máu bất sản: Có thể gây sốt, nhiễm trùng thường xuyên và phát ban da.
  • Thiếu máu do thiếu axit folic: Có thể gây khó chịu, tiêu chảy và ăn không ngon miêng.
  • Thiếu máu tán huyết: Có thể gây vàng da, nước tiểu sẫm màu, sốt và đau bụng.
  • Thiếu máu hồng cầu hình liềm: Có thể gây sưng đau ở bàn chân, bàn tay, cũng như mệt mỏi và vàng da.

          thiếu máu gây đau đầu

Nguyên nhân nào gây ra thiếu máu

Cơ thể cần hồng cầu để hoạt động, chúng vận chuyển huyết sắc tố - một loại protein phức tạp gắn các phân tử sắt. Những phân tử này có nhiệm vụ mang oxy từ phổi đến phần còn lại của cơ thể.

Nhiều tình trạng sức khỏe khác nhau có thể dẫn đến mức hồng cầu thấp với nhiều nguyên nhân khác nhau. Ở một số người khó xác định nguyên nhân gây ra số lượng hồng cầu thấp tuy nhiên, 3 nguyên nhân chính gây thiếu máu là:

Mất máu

Thiếu máu thiếu sắt là loại thiếu máu phổ biến nhất và mất máu nhiều, thường xuyên là nguyên nhân chính. Khi cơ thể mất máu sẽ lấy nước từ các mô nằm bên ngoài mạch máu để bù dịch  cho các mạch máu làm loãng máu từ đó làm giảm số lượng hồng cầu.

Mất máu có thể là cấp tính hoặc mãn tính. Một số nguyên nhân gây mất máu cấp tính như phẫu thuật, sinh con và chấn thương…

Mất máu mãn tính thường là nguyên nhân gây thiếu máu có thể là hậu quả của loét dạ dày, ung thư hoặc khối u…

Các nguyên nhân gây thiếu máu khác do mất máu bao gồm:

  • Vấn đề về đường tiêu hóa, chẳng hạn như loét, trĩ, ung thư hoặc viêm dạ dày;
  • Việc sử dụng thuốc chống viêm không steroid, như aspirin và ibuprofen;
  • Chảy máu kinh nguyệt nặng;
  • Số lượng hồng cầu giảm.

Tủy xương là tổ chức mềm, xốp ở trung tâm của xương đóng vai trò thiết yếu trong việc tạo ra hồng cầu. Tủy tạo ra các tế bào gốc, phát triển thành hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu.

Một số bệnh có thể ảnh hưởng đến tủy xương, bao gồm cả bệnh bạch cầu - là một loại ung thư gây ra việc sản xuất các tế bào bạch cầu quá mức và bất thường, làm gián đoạn việc sản xuất hồng cầu.

Các vấn đề với tủy xương có thể gây thiếu máu. Ví dụ thiếu máu bất sản, xảy ra khi có ít hoặc không có tế bào gốc trong tủy.

Trong một số trường hợp, thiếu máu xảy ra khi hồng cầu không phát triển và trưởng thành như bình thường ví dụ như với bệnh Thalassemia - một dạng thiếu máu di truyền.

Các loại thiếu máu khác xảy ra do giảm số lượng hồng cầu hoặc hồng cầu suy yếu bao gồm:

Bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm

Tình trạng này làm cho các hồng cầu có hình dạng giống như lưỡi liềm khiến hồng cầu có thời gian sống ngắn hơn các hồng cầu khỏe mạnh hoặc bị tắc trong các mạch máu nhỏ.

Sự tắc nghẽn này có thể làm giảm nồng độ oxy đến các cơ quan và gây đau dọc theo thành mạch máu.

Thiếu máu thiếu sắt

Điều này liên quan đến việc cơ thể sản xuất quá ít hồng cầu do thiếu chất sắt trong cơ thể. Thiếu máu thiếu sắt có thể xảy ra do:

  • Chế độ ăn ít chất sắt;
  • Hành kinh;
  • Hiến máu thường xuyên;
  • Rèn luyện sức bền;
  • Một số bệnh về đường tiêu hóa, chẳng hạn như bệnh Crohn;
  • Thuốc kích thích niêm mạc ruột.

Thiếu máu do thiếu vitamin

Vitamin B-12 và folate đều cần thiết cho việc sản xuất hồng cầu. Nếu không dung nạp đủ vitamin có thể dẫn đến số lượng hồng cầu.

Một số ví dụ về thiếu máu do thiếu vitamin bao gồm thiếu máu hồng cầu khổng lồ (megaloblastic) và thiếu máu ác tính.

Phá hủy hồng cầu

Những tế bào này thường có vòng đời 120 ngày trong máu, nhưng cơ thể có thể phá hủy hoặc loại bỏ chúng trước khi chúng hoàn thành vòng đời tự nhiên. Một loại thiếu máu do sự phá hủy của hồng cầu là thiếu máu tán huyết tự miễn xảy ra khi hệ thống miễn dịch nhầm lẫn hồng cầu với một chất lạ và tấn công chúng. Nhiều yếu tố có thể gây ra sự phá hủy quá mức của hồng cầu bao gồm:

  • Nhiễm trùng;
  • Một số loại thuốc, bao gồm một số loại kháng sinh;
  • Tăng huyết áp nặng;
  • Ghép mạch máu và van tim giả;
  • Độc tố do bệnh thận hoặc gan tiến triển;
  • Phản ứng của hệ thống miễn dịch;
  • Nọc độc của rắn hoặc nhện.

Điều trị thiếu máu

Có nhiều phương pháp điều trị thiếu máu với mục đích chính để tăng số lượng hồng cầu từ đó làm tăng lượng oxy trong máu. Sau đây là các phương pháp điều trị cho một số loại thiếu máu:

Thiếu máu do thiếu sắt: Bổ sung sắt và thay đổi chế độ ăn uống có thể cải thiện tình trạng. Với các vấn đề do mất máu, bác sĩ sẽ xác định và điều trị nguyên nhân gây chảy máu quá nhiều.

Thiếu máu do thiếu vitamin: Phương pháp điều trị có thể bao gồm thay đổi chế độ ăn uống và bổ sung vitamin B-12.

Bệnh Thalassemia: Phương pháp điều trị bao gồm bổ sung axit folic, thải loại sắt. Đối với một số người, truyền máu và ghép tủy xương có thể cần thiết.

Thiếu máu do bệnh mãn tính: Tập trung vào giải quyết nguyên nhân chính gây ra thiếu máu.

Thiếu máu bất sản: Điều trị bao gồm truyền máu hoặc ghép tủy xương.

Thiếu máu hồng cầu hình liềm: Liệu pháp oxy, thuốc giảm đau và truyền dịch, có thể bao gồm kháng sinh, bổ sung axit folic, truyền máu và thuốc trị ung thư.

Thiếu máu tán huyết: Kế hoạch điều trị có thể bao gồm thuốc ức chế miễn dịch, điều trị nhiễm trùng và lọc huyết tương, lọc máu.

Chế độ ăn cho người thiếu máu

Nếu thiếu hụt dinh dưỡng là nguyên nhân gây thiếu máu, ăn nhiều thực phẩm giàu chất sắt có thể giúp ích. Những thực phẩm sau đây có nhiều chất sắt:

  • Ngũ cốc và bánh mì tăng cường chất sắt;
  • Các loại rau lá xanh như cải xoăn, rau bina và cải xoong;
  • Gạo lức, đậu;
  • Các loại thịt, cá, trứng
  • Các loại hạt;
  • Đậu hũ;
  • Trái cây sấy khô.

Các yếu tố nguy cơ

Thiếu máu có thể xảy ra ở mọi người ở mọi lứa tuổi, giới tính và sắc tộc. Các yếu tố sau đây làm tăng nguy cơ phát triển một dạng của tình trạng thiếu máu:

  • Sinh non;
  • Trẻ từ 6 tháng đến 2 tuổi;
  • Kinh nguyệt;
  • Mang thai và sinh con;
  • Có chế độ ăn ít vitamin, khoáng chất và sắt;
  • Thường xuyên dùng thuốc làm viêm niêm mạc dạ dày;
  • Có tiền sử gia đình bị thiếu máu di truyền, chẳng hạn như thiếu máu hồng cầu hình liềm hoặc thalassemia;
  • Bị rối loạn đường ruột ảnh hưởng đến sự hấp thụ các chất dinh dưỡng;
  • Mất máu, do phẫu thuật hoặc chấn thương;
  • Mắc bệnh mãn tính như AIDS, tiểu đường, bệnh thận, ung thư, viêm khớp dạng thấp, suy tim hoặc bệnh gan.

Chẩn đoán thiếu máu như thế nào

Có nhiều phương pháp khác nhau để chẩn đoán thiếu máu, nhưng cách phổ biến nhất là xét nghiệm công thức máu toàn phần giúp xem xét các chỉ số bao gồm:

  • Mức hematocrit - liên quan đến việc so sánh thể tích hồng cầu với tổng thể tích máu;
  • Nồng độ huyết sắc tố;
  • Số lượng hồng cầu.

Công thức máu toàn phần có thể đưa ra một dấu hiệu của sức khỏe tổng thể giúp bác sĩ định hướng phát hiện các tình trạng bệnh lý tiềm ẩn như bệnh bạch cầu hoặc bệnh thận…

Nếu nồng độ hồng cầu, huyết sắc tố và hematocrit giảm xuống dưới mức bình thường, một người có khả năng bị thiếu máu.

Tuy nhiên, mức độ của một người khỏe mạnh vẫn có thể vượt ra ngoài phạm vi này. Do đó, công thức máu toàn phần không phải là căn cứ để kết luận nhưng đây vẫn là một trong những phương hướng đầu tiên giúp chẩn đoán bệnh chính xác hơn.

Tổng kết

Điều trị cho một người bị thiếu máu phụ thuộc vào nguyên nhân. Có thể ngăn ngừa hoặc kiểm soát thiếu máu bằng cách thay đổi chế độ ăn uống hằng ngày. Với các trường hợp thiếu máu khác thường kéo dài, một số có thể đe dọa tính mạng nếu không được điều trị.

Nếu bản thân cảm thấy liên tục uể oải và mệt mỏi, nên gặp bác sĩ để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Bệnh viện Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

return to top