Theo lý luận của Y học cổ truyền phương Đông dựa trên các học thuyết Âm dương ngũ hành, tạng tượng, kinh lạc… Đông y cho rằng, bệnh tật phát sinh là do các nguyên nhân: nội nhân (thất tình, khí hư, khí trệ, huyết hư, huyết ứ), ngoại nhân (lục dâm, ôn dịch) và bất nội ngoại nhân (ẩm thực, trật đả, trùng thú cắn) làm rối loạn công năng các tạng phủ, làm mất cân bằng âm dương, làm tắc trở kinh mạch, làm khí trệ huyết ứ. Cấy chỉ là một phương pháp châm cứu đặc biệt có tác dụng điều khí làm cho khí huyết lưu thông, điều hòa công năng các tạng phủ, lập lại cân bằng âm dương đẩy lui bệnh tật.
Chỉ định trong cấy chỉ:
Qua hơn nửa thế kỷ nghiên cứu và thực nghiệm lâm sàng, ngày nay phương pháp cấy chỉ Đông y được chỉ định cho những chứng bệnh sau:
Bệnh nội khoa: viêm phế quản, hen phế quản, bệnh tim mạch vành, tăng huyết áp, rối loạn thần kinh tim, chứng trào ngược thực quản, viêm dạ dày mạn tính, loét dạ dày tá tràng, thoát vị bẹn, viêm đại tràng mạn, táo bón, bí tiểu, tiểu không tự chủ, tiểu đường, giảm béo, viêm khớp phong thấp, đau đầu, đau dây thần kinh V, liệt dây thần kinh VII, liệt nửa người, động kinh, suy nhược thần kinh, tự kỷ, tâm thần phân liệt, đau cổ vai, đau thắt lưng do thoái hóa cột sống, thoái hóa khớp gối, thoát vị đĩa đệm cột sống cổ, thắt lưng, đau dây thần kinh liên sườn…
Bệnh nam khoa: chứng bất lực, xuất tinh sớm, di tinh, viêm tuyến tiền liệt…
Bệnh phụ khoa: kinh nguyệt không đều, tử cung xuất huyết chức năng, thống kinh, bế kinh, viêm tuyến vú, chứng tăng sản tuyến vú, viêm phần phụ…
Bệnh nhi khoa: co giật, điếc, lác, rối loạn tiêu hóa, chán ăn, đái dầm…
Bệnh da liễu: mụn nhọt, nổi mề đay, viêm da thần kinh, mụn trứng cá, ngứa ngáy bề mặt…
Bệnh ngũ quan: chắp lẹo, cận thị, đục thể thủy tinh, sụp mi mắt, viêm mũi xoang dị ứng, viêm họng cấp mạn tính, viêm thanh quản, viêm amidan, ù tai…
Phương pháp cấy chỉ chữa bệnh.
Liệu trình cấy chỉ:
Tùy theo bệnh tật, mức độ bệnh, khả năng chịu đựng và đáp ứng của người bệnh mà chọn liệu trình cho phù hợp để đem lại hiệu quả trị liệu tối ưu. Thông thường bệnh cấp tính hoặc bán cấp tính có thể tiến hành cấy chỉ 7-10 ngày 1 lần, 2-3 lần là 1 liệu trình; người bệnh mạn tính từ 15-30 ngày 1 lần, 3-5 lần là 1 liệu trình. Đối với người bị bệnh rất nặng thì 10 lần là 1 liệu trình. Sau 1 liệu trình có thể nghỉ 1 thời gian nhất định, thông thường là thời gian của 1-2 lần cấy chỉ, ví dụ 15 ngày cấy chỉ 1 lần thì khoảng thời gian nghỉ giữa liệu trình là 15-30 ngày.
Có thể nói, phương pháp cấy chỉ huyệt vị là sự kết hợp của châm cứu học truyền thống và y học hiện đại. Những năm gần đây các loại bệnh được nghiên cứu trị liệu ngày càng rộng rãi, hiệu quả trị liệu cao, dần dần được các bác sĩ và bệnh nhân tiếp nhận. Tuy nhiên, phương pháp cấy chỉ huyệt vị vẫn còn nhiều phương diện cần được tiếp tục nghiên cứu sâu rộng thêm về cơ chế tác dụng của phương pháp cấy chỉ huyệt vị; Nghiên cứu cải tiến dụng cụ cấy chỉ, chuẩn hóa phương pháp thao tác và quy trình cấy chỉ sao cho đạt hiệu quả tối ưu.
Trường hợp chống chỉ định cấy chỉ
Giống như châm cứu, cấy chỉ không có chống chỉ định tuyệt đối, nhưng do cấy chỉ có kim thô hơn châm cứu và đầu mũi kim cũng sắc hơn nên khi thao tác cần thận trọng hơn, thường không đâm xoáy kim, đây cũng là điểm khác biệt với châm cứu. Những trường hợp sau cần phải chú ý:
Người bệnh mệt mỏi nhiều, đang đói hoặc mới ăn no, đang sốt cao; Phụ nữ có thai không cấy chỉ vùng bụng và các huyệt hợp cốc, tam âm giao, phụ nữ có tiền sử lưu sản; Người có cơ địa dễ xuất huyết; Người có bệnh tim nặng (suy tim); Các huyệt Thần khuyết, Nhũ trung không thể cấy chỉ.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh