ĐẠI CƯƠNG
ĐỊNH NGHĨA
Thuốc y học cổ truyền (gọi là dược vật) là những vật liệu có nguồn gốc thực vật, khoáng vật và động vật dùng để làm thuốc đã được văn bản hoá hoặc truyền đạt theo gia truyền và dân gian.
Thực vật (thảo mộc):
Thân gỗ: tô mộc, đỗ trọng, hoàng bá.
Thân thảo: mã tiên thảo (cỏ roi ngựa), mần trầu, lưỡi rắn, hàm ếch.
Dây leo: hà thủ ô, dây đau xương.
Khoáng vật.
Quặng: mật đà tăng, khô phàn, duyên đơn, hàn the, chu sa, thần sa.
Kim loại.
Động vật (con thuốc): thuỷ điệt, ngô công, toàn yết, thuyền thoái… được văn bản hoá ở Việt nam chính thức có văn bản hoá thuốc y học cổ truyền từ năm (1960) sau được thể chế hoá bằng pháp luật.
Tính năng của thuốc thảo mộc
Nói tính năng tức là nói đến tính chất công năng tác dụng của dược vật bao gồm trong tứ khí, ngũ vị, thăng lên, giáng xuống, phù trầm và thuốc có độc hay không độc, tác dụng ưu tiên của nó.
Tứ khí
Là tính năng cơ bản của dược vật, tính vị của thuốc thường dựa vào vị giác, khứu giác của người để phân biệt. Nhưng chủ yếu là căn cứ vào tổng kết, đánh giá hiệu quả lâm sàng của thuốc vì vậy để phản ánh khách quan về sự quy kinh của tính vị dược vật. Trong đó lương và hàn thuộc hàn, ôn và nhiệt được quy về nhiệt. Ngoài ra còn một số vị thuốc có tính chất bình hoà được gọi là tính bình (ví dụ không đơn thuần là một tính chất, vì vậy dược vật chỉ có tứ khí chứ không có ngũ khí. Các vị thuốc hàn lương thường có tác dụng thanh nhiệt, tả hoả, giải độc (chống viêm, chống nhiễm khuẩn, hạ sốt) dùng để điều trị các chứng nhiệt (dương chứng). Các vị thuốc có tính ôn nhiệt đa phần có tác dụng tán hàn, cứu nghịch ôn dương dùng để điều trị các chứng bệnh thuộc hàn (âm chứng). Tuy nhiên các vị thuốc ôn nhiệt đều có thể phối hợp với các vị thuốc có tính bình hoặc tính hàn trong điều trị.
Ngũ vị là năm loại vị của thuốc.
Cay, ngọt, đắng, chua, mặn, đó là năm vị cơ bản của thuốc được quy loại theo ngũ hành, ngoài ra còn có loại đạm. Vị của thuốc khác nhau có tác dụng lâm sàng khác nhau.
Vị cay thường có tác dụng phát tán (phát triển, tản suất, suất ra) như: ma hoàng, quế chi hoặc có tác dụng chỉ thống hành khí tức là lưu thông chuyển hoá chất sinh năng lượng sẽ làm giảm được đau như: mộc hương, sa nhân.
Vị ngọt thường được dùng trong bổ dưỡng, hoà hoãn, giảm đau, chống mệt mỏi, thuốc thường đi vào kinh tỳ và tạng tỳ, ngoài ra còn có tác dụng điều hoà các vị thuốc khác như: cam thảo, nhân sâm (đẳng sâm), hoàng kỳ.
Vị chua thường đi vào kinh can hoặc tạng can, các vị thuốc đều có tác dụng thu liễm, cố sáp, kha tử cầm ỉa chảy (chỉ tả), ngũ vị tử thu liễm cố sáp, kim anh tử, cố tinh sáp niệu, sơn thù, sơn tra.
Vị đắng có tác dụng thanh nhiệt hoặc tả thanh nhiệt, táo thấp như: hoàng cầm, hoàng bá, hoàng liên, thuốc có vị đắng thường vào tâm kinh.
Vị mặn thường có tác dụng nhuyễn kiên tán kết và tư nhuận tiềm giáng như: huyền sâm, mẫu lệ, quy bản, tặc cốt, hải tảo.
Vị đạm thường có tác dụng thấm thấp, lợi niệu như: thông thảo, ý dĩ nhân, hoạt thạch, trạch tả, phục linh, sa tiền tử.
Ngũ vị của thuốc có liên quan đến ngũ tạng như trên đã nói, các vị thuốc có vị cay vào phế, ngọt vào tỳ, đắng vào tâm, chua vào can và mặn vào thận.
Thăng giáng phù trầm.
Thăng giáng phù trầm là chỉ tác dụng của dược vật sau khi đã uống vào cơ thể, mỗi loại thuốc, vị thuốc đều phát huy tác dụng khác nhau. Qua thực tiễn lâm sàng y học cổ truyền phương Đông đã tổng kết tác dụng của dược vật, thuốc sau khi uống.
Thăng lên, giáng xuống, phát tán và tiết lợi, dựa vào tính chất này của thuốc để lựa chọn thuốc, điều trị các chứng bệnh ở trên, ở dưới, ở trong, ở ngoài ở nửa thân người hoặc các triệu chứng bệnh: nghịch lên trên, nôn, nấc, đau đầu, bốc hoả từng cơn, hen suyễn, chóng mặt, ù tai…), các chứng hạ hãm do khí hư hoặc tỳ hư, hạ hãm là sa các tạng: sa trực tràng (thoát giang), sa tử cung, âm đạo, sa dạ dày, sa gan, sa lách, thoát vị, trĩ…
Tính thăng phù của thuốc thường có tác dụng thăng dương phát biểu trừ phong, tán hàn, ôn lý. Trong lâm sàng thường dựa vào tính thăng giáng phù trầm của thuốc để điều trị các chứng bệnh ở dưới, ở lý và nghịch lên trên, ví dụ: các vị thuốc được lựa chọn: thạch quyết minh (ốc cửu khổng) có tác dụng tiềm dương, điều trị can dương thượng nghịch, tô tử giáng khí thang điều trị khí nghịch (hen phế quản), tô tử sao, tiền hồ, nhục quế, chích thảo, đương quy, hậu phác, bán hạ. Thăng giáng phù trầm chủ yếu còn phụ thuộc vào khí vị, độ dày mỏng, sự nặng nhẹ của các vị thuốc.
Đặc điểm chung thuốc thăng phù thường có vị cay, ngọt và ôn nhiệt, thuốc trầm giáng đa phần là có vị đắng, chua, mặn, hàn lương, thuốc có tỷ trọng nhẹ thường thăng lên, thuốc có tỷ trọng nặng thường giáng xuống. Lâm sàng cần phải chú ý phân biệt khí của khí vị và khí của tứ khí.
Khí vị mỏng sẽ phát tiết (phát hãn và thăng dương), ví dụ: thăng ma, kinh giới, ma hoàng, sài hồ, cát căn, khương hoạt…
Khí vị dày sẽ phát nhiệt (tán hàn, ôn lý), ví dụ: phụ tử chế, nhục quế, can khương.
Vị dày thường có tác dụng tiết hoả, thanh hoả, tả hạ, ví dụ: đại hoàng, mang tiêu, kinh giới, hoàng liên, long đờm thảo. Vị mỏng thường có tác dụng thông giáng hạ hành, ví dụ, phục linh, thông thảo, thược dược, mẫu lệ.
Thăng giáng phù trầm còn liên quan đến tính năng nhẹ của hoa, lá, cành, rễ của từng loại thuốc. Ví dụ cúc hoa, hà diệp chủ yếu là thăng phù (nếu bệnh nhân nhức đầu cho cúc hoa đau đầu sẽ nặng lên. Bộ phận hạt, quả, tính chất nặng: tô tử, chỉ thực, từ thạch phần nhiều là trầm giáng. Ngoài tác dụng chọn lọc, quy kinh có một số trường hợp ngoại lệ: phức hoa vị thuốc là hoa mà tính giáng nghịch, chỉ khái (chữa ho), ngưu bàng tử là hạt nhưng lại có tính thăng phù có thể sơ can tiết nhiệt.
Khi bào chế làm biển đổi tính chất của vị thuốc. Tính thăng giáng phù trầm của dược vật có thể do phối hợp các vị thuốc với nhau hoặc do bào chế để làm biến đổi các vị thuốc. Nếu thuốc thăng phù nhưng ở trong tập hợp (nhóm thuốc) tiềm giáng thì thăng phù phải giáng xuống theo và ngược lại. Thuốc vị nhẹ sao rượu sẽ thăng lên, sao với nước gừng sẽ phát tán, sao với dấm sẽ thu liễm và sao với muối sẽ tiềm giáng đi xuống…
Quy kinh của thuốc.
Qua kinh nghiệm phong phú trên lâm sàng, y học cổ truyền đã tổng kết và rút đúc về tác dụng ưu tiên trên tạng phủ gọi là sự quy kinh của dược vật. Một số vị thuốc tác dụng đặc thù với bệnh ở tạng hoặc đường kinh nhất định. Ví dụ: khi phế bị bệnh thường ho long đờm phải dùng thuốc hoá đờm chỉ khái phải quy về phế kinh, khi tỳ có bệnh, bệnh nhân thường đau bụng, ỉa lỏng, khi dùng thuốc phải chọn thuốc quy về tỳ kinh. Ví dụ: tang bạch bì (vỏ rễ cây dâu) thanh phế nhiệt quy về phế kinh, hạ khô thảo (cây cải trời) thanh can đởm quy về can đởm, thạch cao thanh phế nhiệt quy về phế, thục địa bổ thận quy về thận kinh, bạch truật bổ tỳ quy về tỳ kinh…
Phối ngũ và cấm kỵ phối ngũ (phối hợp và không phối hợp)
Phối hợp thuốc thường dùng 2 - 3 loại thuốc phối hợp nhau, y học cổ truyền gọi là phối ngũ. Phối hợp thuốc nhằm tăng cường tác dụng hiệp đồng trong chứng bệnh phức tạp mà còn hạn chế được tác dụng phụ (phát huy sở trường, khống chế sở đoản), có mấy cách phối hợp:
Các thuốc cùng nhóm hoặc khác nhóm khi phối hợp tăng sinh tác dụng hiệp đồng nâng cao hiệu quả điều trị.
Tăng cường tác dụng hiệp đồng: huyền sâm + sinh địa tăng tác dụng tư âm (cùng nhóm), hoàng bá + thương truật tăng tác dụng thanh nhiệt táo thấp (khác nhóm)
Dùng tác dụng các loại này khi phối hợp khống chế loại thuốc khác làm cho thuốc biến lỗi tác dụng. Phát huy hiệu quả điều trị: sinh khương ức chế tác dụng gây ngứa của bán hạ và tăng tác dụng tác dụng trừ đàm.
Hoàng liên, nhục quế, một hàn, một nhiệt tạo nên loại thuốc thứ ba đứng giữa hàn và nhiệt có tác dụng khác hoàn toàn (đó là tác dụng giao thông tâm thận, tác dụng gây ngủ, an thần tốt)
Nếu dùng độc vị (một vị) khi tăng liều phát huy tác dụng của thuốc: khi dùng cam thảo để giải độc, nhân sâm để cứu thoát, bồ công anh để điều trị mụn nhọt cần phải tăng liều cao hơn bình thường.
Ứng dụng phối hợp trong một bài thuốc: bạch truật, cam thảo trong bài thuốc tứ quân tử thang (sâm, linh, truật thảo, cam thảo bổ khí, điều hoà, sinh tân, chỉ khát, tái hấp thu, tuy nhiên bạch truật thì ngược lại)
Cấm kỵ phối hợp (không phối hợp thuốc): y học cổt truyền dụng dược cấm kỵ phối hợp không quá nghiêm ngặt nhưng phải chú ý một số vị thuốc có tác dụng đặc thù.
Tác dụng tương phản sau khi phối hợp phát sinh tác dụng độc.
Tác dụng tương uý sau khi phối hợp giảm tác dụng.
Trên lâm sàng cần phải chú ý các vị thuốc sau:
Tương phản: cam thảo tương phản với cam toại, đại kích, nguyên hoa, hải cảo… ô đầu tương phản với bán hạ, bối mẫu, qua lâu, bạch cập. Lê lô tương phản với đan sâm, sa sâm, đẳng sâm, khổ sâm.
Tương uý: thuỷ ngân tương uý với phác tiến, nhân ngôn. Ba đậu tương uý với khiêu ngưu tử. Đinh hương tương uý với uất kim, nhân sâm với ngũ linh chi, thường là cấm kỵ tuyệt đối vì phát sinh tác dụng độc, tuy nhiên cũng có trường hợp phối hợp lại tăng tác dụng mạnh hơn, cá biệt trong xơ gan cổ chướng.
Cho uống trong dùng nước cam thảo ngâm cam toại để tháo dịch cổ chướng là phát huy tác dụng của cam toại. Đẳng sâm + ngô thù du làm tăng tác dụng khi điều trị huyết áp thấp.
Thuốc cấm dùng cho người có thai
Các vị thuốc thường gây đẻ non hoặc xẩy thai: ba đậu, đại kích, ban miêu, thủy điệt, hồng hoa, xạ hương, thiên hoàng.
Một số thuốc: thông kinh phá ứ, phá khí hành trệ và các thuốc cay, nóng, hoạt lợi phải thận trọng đối với bệnh nhân có thai. Ví dụ như: đào nhân, đại hoàng, phụ tử chế, can khương, nhục quế, ngưu tất, mang tiêu, đan bì.
Thuốc có độc và không độc.
Các thuốc dùng đều có tính hai mặt, mặt có lợi và có hại. Người xưa chia làm 4 loại: độc nhiều, độc vừa, độc ít và không độc, để đề xuất nguyên tắc điều trị.
Chỉ dùng sau khi đã bào chế loại bỏ độc tính như: ô đầu, phụ tử, mã tiền, lê lô, ba đậu, thiềm tô, trúc đào…Khi trúng độc biểu hiện tim đập chậm, thậm chí ngừng đập.
Một số thuốc gây tả hạ như: cam toại, đại kích, nguyên hoa. Một số thuốc duyên đơn, hàng đơn, đởm phàn, khi dùng nấu thuốc bôi ngoài da phải chú ý giảm độc và diện tích bôi theo quy định.
Cần phải chế cho giảm độc và phải phối hợp thuốc để tăng hiệu quả và giảm độc tính.
Chỉ định liều dùng phải chặt chẽ rõ ràng, dùng ngoài hay uống trong với thuốc độc đều phải chỉ định theo tuổi, các thuốc đều phải sắc lâu, nếu dùng liều cao sắc thời gian ngắn sẽ bị ngộ độc.
BÀO CHẾ PHƯƠNG TỄ, LƯỢNG DÙNG VÀ PHƯƠNG PHÁP UỐNG
Phương pháp bào chế thường dùng
Mục đích bào chế:
Giảm bớt, loại bỏ độc tính.
Làm thay đổi tính năng thuốc.
Tăng cường hiệu quả thuốc.
Loại bỏ tạp chất.
Bào chế đơn giản: sao, sấy, lùi, ngâm, tẩm (dấm, gừng, rượu, muối), phơi âm can, sao vàng hạ thổ.
Bào chế thành phẩm: muốn bào chế thành phẩm tốt phải có đơn thang cố định. Nếu làm thành phẩm phải thông qua liều độc LD50. Ở Trung Quốc nếu thành phần kế thừa nguyên vẹn bài thuốc cổ thời Chu Đan Khê (1281 - 1358), Lý Đông Viễn (1180 - 1251), Lưu Hoàng Tố 1120 - 1200 và Trương Tử Hoà 1156 - 1230) sau công nguyên. Theo quy định của tổ chức y tế thế giới không phải thử liều độc, ở ta hiện nay đều phải thử liều độc LD50.
Các dạng bào chế thuốc cốm, viên hoàn, viên dẻo (thuốc tễ), thuốc bọc sáp, viên nén, viên nhộng…
Từ năm 1970 - 1974 Y học cổ truyền Trung Quốc đã có những bài thuốc bổ, những vị thuốc thảo mộc (herbal medicine) chế thành dạng tiêm truyền và được dùng thủy châm vào huyệt như dung dịch đào nhân, hồng hoa tiêm vào phong trì, túc tam lý điều trị di chứng viêm não.
Cấu tạo bài thuốc cổ nguyên tắc phổ biến là:
Quân dược.
Tá dược.
Thần dược.
Sứ dược.
(ý nghĩa của từng phần sẽ nói rõ hơn ở phần phương tễ).
Thuốc nghiệm phương.
Thuốc chế theo đối pháp lập phương.
Thuốc chế theo kinh nghiệm gia truyền và dân gian sẽ nói rõ hơn ở phần phương tễ.
CƠ SỞ ĐỂ XÉT TÁC DỤNG CỦA THUỐC THEO KHOA HỌC HIỆN ĐẠI
Nhóm những chất vô cơ
Các gốc axit:
Axit sunfuric; mang tiêu, phác tiêu, đảm phàn, minh phàn.
Axit clohydric: muối ăn, các thuốc chế với muối. + Axit fotforic: thuốc chế tại xương, nguồn gốc động vật + Axit silixic: hoạt thạch.
Kim loại và á kim: Ca trong thạch cao, ô tặc cốt, mẫu lệ. Fe trong hắc phàn, Cu (đởm phàn). Hg selen: chu sa, thần sa. Mg: hoạt thạch. Kali: râu ngô, mã đề. I ốt: hải tảo, côn bố, ké đầu ngựa.
Tác dụng: xúc tiến chuyển hóa cục bộ.
Nhân sâm có germani.
Selen có trong hầu hết các thuốc thảo mộc 1mg selen/1kg khô có selen cao là loại hoàng kỳ của Mỹ. (Astragalus racemosus).
Selen một nhóm hoạt động của nhiều men, ngăn chặn sự tạo thành lipopeoxyt làm chậm quy trình lão hóa (oxy hóa), tham gia chuyển ion qua màng tế bào, điều khiển tổng hợp collagen, proteine, hồng cầu, gan, AND, ARN và các globulin miễn dịch và các Ubiquinon có vai trò trong hô hấp tế bào, nếu thiếu selen là thiếu vitamin C, teo cơ, tim mạch và hệ thống miễn dịch bị tổn hại. Thiếu selen còn sinh bệnh đục thủy tinh thể, thiếu tế bào gan mất khả năng hô hấp. Selen được chỉ định rộng rãi trong điều trị; xơ vữa động mạch (chủ yếu là mạch vành), thấp khớp, chống độc, kích thích miễn dịch, chữa K, nha chu viêm, sáng mắt do tăng dòng điện từ võng mạc lên não.
Kẽm (Zn) có vai trò trong một số men tham gia tổng hợp chất đạm, chống rụng tóc, chữa loét lâu liềnvai trò trong phát triển chưa cao.
Silicium thành phần quan trọng trong gân, xương, sụn giúp cho sự đàn hồi của thành mạch máu cải thiện mang chất keo giữ lại chất canxi trong thấp khớp chống thoái hóa xương khớp, nhanh liền xương silicium có nhiều trong nước rong hoa quả, vị quả đặc biệt có nhiều trong vị thuốc thiên trúc hoàng.
Gây táo bón dùng để điều trị ỉa lỏng ngoài ra còn có tác dụng cầm máu và bổ. Những thuốc có chất tanin khi dùng không được dùng đồ sắt thuốc có màu đen nên phải sắc bằng nồi đất, nồi nhôm.
Flavon (Flavonozit) và antoxyan (antoxyannozit) là những glucozit có mầu sắc.
Flavon: màu vàng, antoxyan: màu tím (trung tính, môi trường axit có màu đỏ, màu xanh nên ở môi trường kiềm), chất Flavon quí là rutin cầm máu, tính chất kháng khuẩn rất mạnh; hoàng liên, hoàng bá, hoàng cầm, đại hoàng, hoàng đằng.
Ancaloit: vai trò rất quan trọng trong điều trị; là những chất hữu cơ có tính chất kiềm tìm thấy trong thuốc động vật và thực vật, có vị rất đắng tác dụng rất mạnh tuy với liều nhỏ. Tỷ lệ ancaloit thay đổi tùy theo thời kỳ thu hái và bào chế.
Những vị thuốc chữa ancaloit rất nhiều; ô đầu, mã tiền, hoàng nàn, đại hoàng, thuốc phiện, cà độc dược.
Vitamin A, B, C, D, E, B1, B2, B6, B12, C1, C2, D1, D2, D3…
Các chất nội tiết (hoc môn) thường gặp trong các vị thuốc có nguồn gốc động vật: kê nội kim, tử hà sa, lộc nhung, hải cẩu.
Chất kháng sinh thường là ancaloit, tinh dầu nhưng cũng có thể là nhiều chất khác.
Nhóm những chất hữu cơ
Nhóm những chất độn có ở rất nhiều cây và động vật khác: nước, muối vô cơ chất hydrat các bon (đường, tinh, bột) chất béo (dầu mỡ sáp, chất protein các men, lục diệp tố và các sắc tố.
Nhóm những “hoạt chất” không đơn giản về tác dụng.
Xơ thực vật do thành tế bào thực vật tạo ra cao phân tử cellulose, hemicellulose pectin, mucilage (chất nhầy) liguin, gomme (gôm) là những dẫn chất tủa a. uronic.
Tác dụng: chống táo bón kích thích sự co bóp ruột tham gia chữa béo phì không cho đường máu tăng đột ngột gián tiếp, hạ cholesterol máu do xơ thực vật giữ lại các muối mật không cho vào máu.
A xit hữu cơ thường gặp: a. focmic, a. xitric, a. malic, a. tactric, a. axêtic, a. oxalic phần lớn làm cho vị thuốc có vị chua, nhưng phần lớn ở các dạng muối: Can xi oxalat (rất nhiều ở cây) a. xinamic (trong quế)
Aconitic (trong phụ tử ô đầu)
Tác dụng những axit thường khác nhau a. benzoich sát trùng chữa ho, a. xitric, a. tactric: thanh nhiệt nhuận tràng giúp cho sự tiêu hóa.
Dầu béo: hạnh nhân, đào nhân, thầu dầu, ba đậu. Khi ép trên giấy có vết trong mờ không mất đi.
Tác dụng: bổ dưỡng; dầu lạc, vừng nhuận tràng; ba đậu, thầu dầu có khi điều trị bệnh ngoài da.
Tinh dầu.
Làm cho vị thuốc có mùi thơm hay sắc đa số là những thuộc chất của tecpin, trừ xạ hương, thường có tác dụng sát trùng, trị bệnh hô hấp, kích thích tiêu hóa, chữa đau bụng nôn mửa hoặc chữa cảm sốt, nhức đầu, hay dùng sắc sau, không sắc lâu dùng xông giải cảm cúm.
Chất nhựa (résine) những chất được tạo thành do oxy hóa các tinh dầu không tan trong nước; nhũ hương, một dược, an tức hương, có thứ nhựa đặc biệt gọi là nhựa tẩy; khiên ngưu, khoai lang có loại giống nhựa nhưng thực chất lại là glucozit.
Chất glucozit hay heterorit hay gặp trong cây thuốc nam.
Glucozit không đơn thuần, khi đun với axit loãng và kiềm loãng thường tách ra làm 2 phần; glucoza và ramnoza, genin tùy theo thành phần không đường mà glucozit chia ra nhiều loại khác nhau.
Glucozit chữa tim rất đắng và rất độc có trong trúc đào, thông thiên, hạt đay, vạn niên thanh, nhựa cóc…
Glucozit đắng, có vị rất đắng nhưng không phải là ancaloit; long đờm thảo, bồ công anh, thạch xương bồ thường khai vị, kích tiêu hóa chữa dạ dày…
Saponin hay saponozit là những glucozit có tinh chất gây bọt, phá huyết; bồ kết, viễn trí, cát cánh, cam thảo, tri mẫu…
Thuốc có chứa saponin thường là thuốc chữa ho long đờm, thông tiểu. Nếu tiêm saponin bị phá huyết gây tử vong.
Antraglucozit là những glucozit có tính chất kích thích sự co bóp của ruột, khi dùng liều nhỏ, kích thích tiêu hóa lợi mật gan, khi dùng liều vừa nhuận tràng, khi dùng liều cao gây tẩy mạnh, dùng ngoài da đều có tác dụng sát trùng chữa bệnh ngoài da; đại hoàng, chút chít, mòng trâu, vỏ đại phan tả diệp, lô hội, thảo quyết minh là những chất có nhiều Antraglucozit.
Chất tanin (chất chát) cũng là một loại glucozit có vị chát và chua tác dụng ngược với glucozit.
QUY CHẾ THUỐC ĐỘC Y HỌC CỔ TRUYỀN
Bảng xếp loại thuốc độc và liều lượng tối đa
Ba đậu (hạt sống) là hạt của quả cây Croton tiglium, họ Euphorbiaceae. Liều tối đa uống 0,05g/1lần, 0,10g/24giờ.
Ban miêu (cả con) là con sâu Lytta vesicatoria. Liều tối đa uống 0,03g/1 lần - 0,06g/24giờ.
Hoàng nàn (sống) là vỏ thân, vỏ cành của cây Strychnos gantheriana, họ Loganiaceae. Liều tối đa uống 0,02g/1 lần, 0,04g/24 giờ.
Mã tiền (sống) là hạt cây Strychnos nux vomica, họ Loganiaceae liều tối đa uống 0,10g/1 lần 0,30g/24 giờ.
Ô đầu (sống) là củ mẹ (củ to) của cây Aconitum fortunei họ Ranunculaceae. Liều tối đa uống 0,05g/1 lần, 0,15g/24 giờ.
Phụ tử (sống) là củ non chưa muối của cây Aconitum fortunei, họ Ranun - culaceae. Liều tối đa 0,05g/1 lần, 0,15g/24 giờ.
Thạch tín (Arsenicum crudum 98% As) liều tối đa (loại thăng hoa) 0,002g /1 lần - 0,004g/24 giờ. Chỉ được bán loại thạch tín thăng hoa gọi là thạch tín chế.
Ba đậu chế: uống liều tối đa 0,05g/1 lần - 0,10g/24giờ.
Hoàng nàn chế liều tối đa uống 0,10g/1 lần - 0,40g/24 giờ.
Hùng hoàng: (Sulfua As) thường dùng ngoài.
Khinh phấn (calomel) liều tối đa uống 0,25g/1 lần 0,40g/24 giờ.
Mã tiền chế liều tối đa uống 0,40g/1 lần - 1g/24 giờ.
Loại giảm độc B.
Phụ tử chế: liều tối đa uống 2,5g/1 lần - 5,0g/24 giờ (áp dụng khi đơn thuốc kèm theo cam thảo, gừng).
Quy định tạm thời về quản lý và bào chế thuốc đông y
Quản lý thuốc độc.
Loại A: ba đậu, hoàng nàn, mã tiền, ô đầu, phụ tử.
Lương y hoặc người có bài thuốc gia truyền muốn mua thuốc sống (chưa bào chế giảm độc) phải đem đăng ký đến cửa hàng dược làm giấy biện nhận về việc bào chế, chế biến.
Loại B: phụ tử muối; không bán thẳng cho bệnh nhân mà chỉ bán cho lương y, người có bài thuốc gia truyền để chế thành phụ tử chế; thủ tục như với thuốc loại A.
Bào chế, chế biến thuốc đông y.
Ba đậu chế (bảng B): lấy hạt ba đậu còn chắc, đập dập, bỏ vỏ cứng lấy nhân sao vàng, ép, dùng giấy thấm hoặc vải hút bỏ hết dầu cho đến còn bã thôi (ba đậu xương) đem sấy khô, tán bột.
Hoàng nàn chế (bảng B): lấy vỏ cây, cành cây hoàng nàn ngâm nước trong 12 - 24 giờ, cạo hết vỏ vàng bên ngoài, ngâm nước vo gạo 3 ngày (1 ngày thay nước vo gạo 1 lần) thái mỏng, phơi khô.
Mã tiền chế (bảng B): lấy hạt của quả mã tiền ngâm vào nước vo gạo đến mềm, cạo bỏ vỏ ngoài và mầm, rồi thái mỏng, sấy khô, tẩm dầu vừng một đêm, sao cho vàng đậm (khô hết dầu) cho vào lọ nút kín.
Ô đầu (bảng A): lấy củ mẹ khi chưa ra hoa hoặc củ con còn nhỏ của cây ô đầu, rửa sạch, thái mỏng, ngâm rượu (dùng ngoài xoa bóp, không được uống).
Phụ tử muối (bảng B) còn gọi là diêm phụ tử.
Lấy củ con của cây ô đầu rửa sạch cho vào muối như muối cà (1 lớp củ lại rắc 1 lớp muối).
Nén nặng, đậy kín, 6 tháng trở lên mới lấy ra dùng.
Phụ tử muối, không bán thẳng cho bệnh nhân.
Phụ tử chế: còn gọi là phụ tử giảm độc loại B.
Lấy phụ tử muối cắt bỏ đầu, đuôi và rốn (chỗ nối giữa các củ), cạo vỏ thái mỏng, dùng nước đậu đen đặc tẩm vào phơi khô rồi lại tẩm (3 lần), đem đổ như đồ sôi 1 giờ (kể từ khi sôi nước), sau đó đem phơi khô thành hắc phụ tử hay phụ tử chế.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh