Giác hơi có giúp ích cho làn da không?

Ai có nguy cơ bị da sần vỏ cam?

Da sần vỏ cam (tên tiếng anh là cellulite) chỉ tình trạng da có bề mặt lồi lõm, sần sùi giống như vỏ cam, thường gặp ở vùng đùi, mông và bụng. Đây là một hiện tượng lành tính thường gặp ở nữ, do sự thay đổi cấu trúc và phân bố mỡ trong lớp bì của da.

Tình trạng da sần vỏ cam rất phổ biến, nhưng nguyên nhân lại chưa được xác định chính xác. Ngay cả những người có chế độ ăn uống và tập luyện lành mạnh vẫn có thể gặp vùng da sần sùi ở đùi, mông.

Da sần vỏ cam (cellulite) không gây hại cho sức khỏe, nhưng lại khiến chị em tự ti.

Một số yếu tố nguy cơ thúc đẩy da sần vỏ cam gồm:

- Tuổi tác: Da yếu dần, giảm khả năng đàn hồi do lão hóa, dễ hình thành vùng da sần vỏ cam.

- Giới tính: Phụ nữ dễ bị da sần vỏ cam hơn nam giới.

- Hormone: Nồng độ estrogen cao cũng có thể liên quan tới tình trạng da sần vỏ cam.

- Chế độ dinh dưỡng và tập luyện kém lành mạnh: Các vị trí tích tụ mỡ thừa khiến da sần vỏ cam trông rõ rệt hơn. Người thừa cân dễ gặp hiện tượng này.

- Yếu tố di truyền: Da sần vỏ cam thường gặp trong gia đình, nên ngay cả người gầy hoặc cân đối vẫn có thể gặp khuyết điểm này.

 

Giác hơi liệu có cải thiện da sần vỏ cam?

Tuy lành tính, da sần vỏ cam ảnh hưởng không nhỏ tới ngoại hình của chị em. Hiện chưa có cách nào giúp chữa trị khỏi hoàn toàn tình trạng này, nhưng có một số phương pháp có thể hỗ trợ cải thiện bằng cơ chế làm tan vùng mỡ dưới da, hoặc phá vỡ các mô làm tế bào da gập ghềnh, lồi lõm.

Trên nguyên lý này, nhiều người tìm tới phương pháp giác hơi nhằm giảm mỡ, cải thiện da sần vỏ cam. Giác hơi trong y học cổ truyền là cách dùng những chiếc cốc chuyên dụng để đặt lên da người bệnh, tạo áp suất âm trong những chiếc cốc này và giúp giảm đau, giảm viêm, trị liệu chấn thương.

Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu hay thử nghiệm nào chứng minh tác dụng giảm sần vỏ cam của giác hơi. Nhiều người cho rằng giác hơi giúp kích thích lưu thông máu, giải độc, từ đó gián tiếp cải thiện tình trạng da sần vỏ cam tạm thời. Tuy nhiên, phải mất nhiều tuần, nhiều liệu trình thì mới đạt được kết quả ngắn hạn này. Giác hơi không thể “chữa khỏi” da sần vỏ cam.

Giác hơi thực hiện không đúng kỹ thuật có thể gây ra một số tác dụng phụ như đau nhức, bầm tím. Người bị chàm eczema, vảy nến, hoặc rối loạn đông máu không nên thực hiện giác hơi.

Da sần vỏ cam là tình trạng thường gặp ở Phụ nữ mang thai. Đối tượng này được khuyến cáo không nên giác hơi.

Hiện có một số phương pháp được áp dụng để điều trị da sần vỏ cam như: Sử dụng sóng cao tần (Radiofrequency), laser, hút mỡ, kem bôi ngoài da và xoa bóp. Người có nhu cầu cải thiện làn da nên tới khám tại bệnh viện, cơ sở y tế chuyên khoa. Những thủ thuật xâm lấn như hút mỡ có thể đi kèm biến chứng, hoặc khiến vùng lõm trở nên nghiêm trọng và lộ rõ trên bề mặt da.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top