✴️ Xét nghiệm HPV là gì? Vai trò của xét nghiệm này ra sao?

Nội dung

1. HPV là gì?

HPV là viết tắt của Human Papilloma Virus - một tác nhân gây ra u nhú trên cơ thể người và là thủ phạm gây ra bệnh ung thư cổ tử cung. Trên thực tế virus này có nhiều chủng khác nhau thế nhưng không phải tất cả các chủng đều gây ra bệnh.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trong tổng số 100 chủng virus được phát hiện thì chỉ có 40 loại có khả năng gây bệnh ở hậu môn và cơ quan sinh dục. Cụ thể, chủng virus số 16 và số 18 chính là 2 loại có khả năng gây ra ung thư cổ tử cung cao nhất (chiếm tỷ lệ 70% trong các nguyên nhân được xác định). Bên cạnh đó HPV có khả năng gây ung thư ở hậu môn, âm đạo/âm vật ở nữ và dương vật ở nam.

Các bạn nữ trẻ tuổi đã từng sinh hoạt tình dục hay quan hệ tình dục với nhiều đối tượng khác nhau rất dễ nhiễm phải virus HPV. Do loại virus này thường lây bệnh bằng đường quan hệ tình dục thông thường, quan hệ bằng miệng và hậu môn. Trong đó lây từ mẹ sang con vẫn xảy ra nhưng chiếm tỷ lệ rất thấp.

2. Xét nghiệm HPV là gì?

Nhiều người hiện nay vẫn chưa biết được xét nghiệm HPV là gì và được thực hiện như thế nào. Đây là xét nghiệm có khả năng tầm soát và tìm ra virus HPV ở nữ giới có độ tuổi từ 30. Có 2 loại xét nghiệm HPV thường được áp dụng để tìm ra virus chính là:

  • Xét nghiệm Pap: Các bác sĩ sẽ soi tế bào cổ tử cung của bệnh nhân bên dưới kính hiển vi. Nếu có tế bào rỗng xuất hiện báo hiệu bạn đã nhiễm virus HPV.

  • Xét nghiệm HPV: xét nghiệm này có thể thực hiện kết hợp với xét nghiệm Pap. Kết quả xét nghiệm này cho bạn biết được có bị nhiễm virus hay không và nhiễm type nào của virus HPV.

Các xét nghiệm này sẽ được thực hiện dựa trên chỉ định của các bác sĩ để chẩn đoán được tình trạng lây bệnh và gọi tên được chủng virus HPV gây bệnh. Bên cạnh phương pháp xét nghiệm, người bệnh có thể tiến hành thêm các phương pháp khác như siêu âm hay nội soi cổ tử cung,…

Xét nghiệm HPV là gì

3. Xét nghiệm HPV có vai trò như thế nào?

Kết quả xét nghiệm HPV không thể kết luận được bệnh nhân có bị ung thư hay không nhưng nhờ vào kết quả này mà các bác sĩ sẽ nhận định được nguy cơ ung thư cổ tử cung người bệnh đang mắc phải. Xét nghiệm HPV sẽ giúp tìm ra được chủng virus gây ra ung thư cổ tử cung đã có mặt trong cơ thể hay chưa.

Thế nhưng nhiễm trùng HPV có khả năng tự hết. Việc tuân thủ theo liệu trình chăm sóc sức khỏe của các bác sĩ đưa ra có khả năng hạn chế diễn tiến quá trình tạo ra ung thư cổ tử cung.

4. Các kết quả xét nghiệm HPV

Kết quả xét nghiệm sẽ là âm tính hoặc dương tính và nhờ vào đó các bác sĩ sẽ đưa ra định hướng chữa trị thích hợp và chỉ định thêm một vài xét nghiệm khác cần thiết.

4.1. Xét nghiệm âm tính

Đối với trường hợp cho ra kết quả âm tính, bạn đừng vội cho rằng mình sẽ không bị ung thư cổ tử cung. Bởi ung thư cổ tử cung có thể do nhiều nguyên nhân gây ra hoặc có thể do xét nghiệm chỉ tìm ra được 1 phần của các chủng virus trong khi vẫn còn còn nhiều loại chủng virus khác chưa được phát hiện.

Thế nên, để sàng lọc bệnh ung thư cổ tử cung chính xác nhất các bác sĩ có khuyến cáo kết hợp 2 phương pháp xét nghiệm HPV và xét nghiệm Pap. Tuy xét nghiệm HPV âm tính nhưng khuyến cáo nên tiêm phòng vacxin HPV. 

4.2. Xét nghiệm dương tính

Đối với trường hợp cho ra kết quả dương tính, chứng tỏ có tồn tại virus HPV trong cơ thể. Thế nhưng tùy thuộc mức độ của bệnh và những tổn thương ở cổ tử cung các bác sĩ sẽ đề nghị bệnh nhân thực hiện thêm các kỹ thuật khác cần thiết như:

  • Kiểm tra sinh thiết tế bào cổ tử cung giúp tìm ra những tế bào bất thường.

  • Nội soi cổ tử cung giúp quan sát những tổn thương và kết hợp với miếng sinh thiết để thực hiện xét nghiệm.

  • Kết hợp với xét nghiệm Pap. Đối với phụ nữ <31 tuổi được khuyến khích kiểm tra Pap định kỳ 3 năm 1 lần. Đối với phụ nữ <31 tuổi thì tần suất xét nghiệm nên là 6 - 12 tháng/lần. Và tùy theo từng đối tượng bệnh nhân mà thời hạn xét nghiệm sẽ thay đổi để đạt hiệu quả cao nhất trong quá trình sàng lọc ung thư cổ tử cung.

Bên cạnh yếu tố độ tuổi, tình trạng sức khỏe cá nhân, người trong nhóm nguy cơ cũng được đề nghị kiểm tra sức khỏe thường xuyên.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top