Giảm hen suyễn nhờ uống trà

Nội dung

Mặc dù có rất nhiều cách điều trị cho tình trạng hen suyễn, nhưng một số loại trà có thể sẽ giúp làm giảm các triệu chứng.

Dưới đây là các loại trà đã được chứng minh có thể làm giảm các triệu chứng hen suyễn.

Trà gừng

Trà gừng chứa rất nhiều các chất dinh dưỡng cũng như các chất có hoạt tính sinh học. Trà gừng có nhiều lợi ích như làm giảm viêm, giảm cảm giác buồn nôn và làm giảm đường huyết. Ngoài ra, các nghiên cứu đã gợi ý rằng gừng có thể sẽ giúp giảm các triệu chứng hen suyễn. Nghiên cứu trên các tế bào người cho thấy các hợp chất có trong gừng như gingerol và shogaols có thể giúp làm giảm các triệu chứng hen suyễn bằng cách làm giảm tình trạng viêm ở đường thở.

Trong một nghiên cứu trên 92 người bị hen suyễn sử dụng 450mg chiết xuất gừng hoặc giả dược hàng ngày. Đáng chú ý, 20% số người trong nhóm dùng gừng cải thiện tình trạng khò khè, 52% cải thiện tình trạng căng tức ngực.

 

Trà xanh

Trà xanh rất giàu các chất dinh dưỡng cũng như các chất chống oxy hoá có tác dụng giúp bạn giảm cân, giảm nguy cơ tiểu đường typ 2, bệnh tim mạch và một số loại ung thư. Ngoài ra, các nghiên cứu gợi ý rằng trà xanh cũng có thể giúp làm giảm các triệu chứng hen suyễn.

Nghiên cứu trên 1000 người chỉ ra rằng những người uống 240ml trà xanh có chức năng phổi tốt hơn đáng kể so với những người không uống. Ngoài ra, trà xanh cũng có chứa caffeine, giúp làm giãn đường thở của bạn trong khoảng 4 giờ và có thể giúp làm giảm tạm thời các triệu chứng hen suyễn.

 

Trà đen

Giống như trà xanh, trà đen cũng có chứa caffeine giúp làm giãn đường thở và có thể cải thiện chức năng phổi ở mức độ vừa phải. Do vậy, cũng có thể giúp cải thiện phần nào các triệu chứng hen suyễn. Trà đen còn có một số tác dụng khác như làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và giảm nguy cơ tiểu đường typ 2.

 

Trà bạch đàn

Trà bạch đàn làm từ lá của cây bạch đàn, chứa rất nhiều các chất chống oxy hoá và các hoá chất thực vật như eucalyptol. Eucalyptol có thể hỗ trợ điều trị các triệu chứng của bệnh hen suyễn.

Các nghiên cứu gợi ý rằng thành phần này có thể giúp giảm viêm, làm giảm sản xuất dịch nhầy và làm giãn nở các phế nang.

 

Trà cam thảo

Trà cam thảo được làm từ rễ cây cam thảo, có vị ngọt và hơi đắng. Trong y học cổ truyền, rễ cam thảo được sử dụng từ rất lâu để điều trị nhiều tình trạng khác nhau, bao gồm cả bệnh hen suyễn. Nghiên cứu trên động vật cho thấy glycyrrhizin có trong chiết xuất của cam thảo sẽ giúp làm giảm các triệu chứng hen suyễn, đặc biệt là khi được phối hợp với các biện pháp điều trị hen suyễn phổ biến hiện nay như salbutamol. Mặc dù nghiên cứu trên người cho thấy kết quả tương tự nhưng cần có thêm nhiều nghiên cứu với thời gian dài hơn để đứa ra kết luận.

Tuy nhiên, bạn cũng cần biết rằng sử dụng quá nhiều rễ cảm thảo có thể dẫn đến các phản ứng phụ nguy hiểm. Tốt nhất, bạn nên hạn chế tiêu thụ ở dưới mức 240ml/ngày và trao đổi với bác sỹ nếu bạn đang mắc phải các tình trạng bệnh lý khác

 

Trà thảo bản bông vàng (mullein)

Trà thảo bản bông vàng là một loại trà làm từ lá của cây thảo bản bông vàng có nguồn gốc từ châu Âu, châu Á và châu Phi. Thảo bản bông vàng đã được sử dụng trong y học cổ truyền từ hàng ngàn năm trước để chữa các tình trạng liên quan đến hô hấp, ví dụ như viêm phế quản, tích tụ dịch nhầy và hen.

Nghiên cứu trên động vật và trên người gợi ý rằng mullein có thể giúp điều trị các triệu chứng hen suyễn như ho, khò khè, và khó thở bằng cách làm giảm viêm, làm giãn cơ ở hệ hô hấp. Tuy nhiên, cần có thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa để chứng minh.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top