✴️ Những loại lá có thể dùng tắm cho bé

Nội dung

1. Tắm lá đinh lăng cho trẻ sơ sinh

Đinh lăng từ lâu đã được sử dụng trong y học cổ truyền và được ca ngợi là nhân sâm của người nghèo. Cây chứa nhiều chất polyphenol, flavonoid giúp chống oxy hóa, kháng virus và kháng viêm. Các axit amin như methionin, cystein, glucoside, đặc biệt là vitamin B của đinh lăng có tác dụng dưỡng trắng hồng da rất hiệu quả. Lá đinh lăng còn chứa chất saponin giúp kháng độc tố, kháng khuẩn và kháng nấm trong các tế bào da, từ đó góp phần hạn chế các bệnh về da. Nhờ những lợi ích này mà đinh lăng được biết đến là một trong các loại lá tắm hữu hiệu cho trẻ sơ sinh.

Việc phơi khô và nấu nước lá đinh lăng để tắm cho trẻ sơ sinh không chỉ cải thiện tình trạng ra mồ hôi trộm, hạn chế mụn nhọt và mẩn ngứa cho bé, mà còn giúp giảm đau, hạ sốt và lợi tiểu. Tuy nhiên, vì lá đinh lăng có tính hàn, các mẹ chỉ nên tắm lá cho bé tối đa 3 lần/tuần.

 

2. Lá chè xanh

Lá chè xanh là một trong các loại lá tắm cho trẻ sơ sinh phổ biến nhất, phù hợp với làn da nhạy cảm của trẻ. Nguyên nhân là do chè xanh chứa catechin có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm, se lành vết thương và làm sạch da. Ngoài đặc tính chống oxy hóa, ức chế sự phát triển của vi khuẩn có hại ảnh hưởng cho da và tăng cường sức đề kháng của trẻ sơ sinh, lá chè xanh còn có công dụng trị các bệnh ngoài da thường gặp ở trẻ như rôm sảy, mụn nhọt, hăm tã, lở loét, mẩn ngứa, mẩn đỏ, vết côn trùng đốt… Tắm cho trẻ bằng lá chè xanh tươi giúp làn da hồng hào và khỏe khoắn hơn, đồng thời giúp tinh thần của trẻ được thư giãn, trẻ dễ ngủ hơn, ít quấy khóc hơn.

 

3. Lá trầu không – một trong các loại lá tắm cho tre sơ sinh

Nhờ đặc tính chống nhiễm trùng, kháng khuẩn, kháng virus và chống oxy hóa, lá trầu không hỗ trợ sát trùng vết thương, tiêu viêm, điều trị rôm sảy, hăm tã, mẩn ngứa… cho trẻ rất hiệu quả. Lá trầu không còn giúp chữa lành các vết lở, chống nấm da và giảm ngứa cho những bé có cơ địa dị ứng. Tắm lá trầu không cho trẻ sơ sinh 2 lần/tuần cũng làm thư thái tinh thần của trẻ hơn. Nguyên nhân là vì lá trầu không có chứa tinh dầu với mùi thơm dễ chịu. Các mẹ nên rửa sạch lá trầu không, vò nát, đun sôi với nước và một ít muối, sau đó pha loãng nước lá với nước nguội để tắm cho bé.

4. Lá khế

Lá khế thường được các mẹ dùng để tắm cho trẻ sơ sinh nhờ đặc tính chống oxy hóa, chống viêm và chống nhiễm trùng. Những tính chất này giúp điều trị da bị mẩn ngứa, viêm da, dị ứng, ngứa ngáy, mụn nhọt, mề đay, rôm sảy, bệnh chàm… ở trẻ. Khả năng sát khuẩn cao của lá khế cũng giúp tăng cường đề kháng trên da, làm sạch các vết thương ngoài da và loại bỏ độc tố khỏi cơ thể. Việc tắm lá khế cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ 3 lần/tuần còn giúp da trẻ mịn màng hơn.

Chỉ cần dùng 1 nắm lá khế tươi rửa sạch, đun sôi để nguội là có ngay một loại nước lá tắm tốt cho sức khỏe làn da của bé. Lưu ý, lá khế có thể gây kích ứng với một số trẻ sơ sinh. Mẹ nên thử rửa/lau trên một vùng da nhỏ của bé trước để đảm bảo an toàn.

 

5. Lá tía tô

Khi nhắc đến các loại lá tắm cho trẻ sơ sinh, không thể không kể đến lá tía tô. Đun sôi lá tía tô và hòa cùng nước ấm để tắm cho trẻ sơ sinh 1-2 lần/tuần giúp kháng khuẩn, chống dị ứng, chống ung thư, chống oxy hóa và điều trị một số bệnh về da như rôm sảy, nấm da, ngứa da, chàm, mẩn đỏ.

 

6. Lá kinh giới – Một trong các loại lá tắm cho trẻ sơ sinh dễ tìm

Nhờ có nhiều hợp chất phenolic, lá kinh giới giúp bảo vệ làn da của trẻ sơ sinh khỏi tia UV, mầm bệnh và ký sinh trùng. Tắm lá kinh giới cho trẻ sơ sinh còn tăng khả năng chống viêm, kháng khuẩn, kích thích lưu thông mạch máu, tăng tiết mồ hôi, trị cảm lạnh, nhức đầu, chữa ho cho bé. Mẹ cần rửa sửa sạch một nắm lá kinh giới, vò nát, đun lấy nước pha với nước nguội và tắm cho bé để trị rôm sảy, đặc biệt là trong những ngày hè nóng bức.

7. Lá mướp đắng: Lá tắm cho trẻ sơ sinh ngừa rôm sảy

Tắm nước lá mướp đắng cho trẻ sơ sinh tối đa 3 lần/tuần sẽ giúp làm sạch da, ngăn ngừa rôm sảy, chữa bệnh sởi, bệnh thủy đậu, bệnh ghẻ, bệnh sốt rét và một số chứng bệnh da liễu khác. Thành phần charantin trong lá có tác dụng tăng lưu thông máu, giúp da trẻ trắng hồng. Đặc tính kháng khuẩn cao của lá mướp đắng cũng giúp tăng đề kháng cho trẻ, ngăn ngừa viêm nhiễm. Mẹ chỉ cần chọn lá mướp đắng non, tươi, có màu xanh đậm. Sau đó rửa sạch, vò nhẹ và đun sôi, rồi tắm cho trẻ sau khi nước đã nguội bớt.

 

8. Lá ngải cứu

Lá ngải cứu nổi tiếng với khả năng điều trị mẩn ngứa rất tốt. Ngoài ra, lá còn có tác dụng chống oxy hóa, chống ung thư, kháng khuẩn, kháng nấm và giảm đau. Tắm lá ngải cứu liên tục trong nhiều ngày, tối đa 3 lần/tuần sẽ giúp trẻ sơ sinh cảm thấy dễ chịu, ngủ ngon hơn, đồng thời chữa một số bệnh da liễu phổ biến ở trẻ như bệnh viêm da, ghẻ lở, hăm tã…

Trước khi đun sôi đến khi lá ngải cứu được chín mềm, mẹ cần rửa sạch và thái nhỏ khoảng 200g lá. Đặc biệt, tắm lá ngải cứu cho trẻ sơ sinh vào mùa đông giúp bé giải cảm, phòng tránh cảm cúm trong mùa lạnh hiệu quả.

 

Việc sử dụng các loại lá tắm cho trẻ sơ sinh cần đảm bảo các yếu tố sau:

  • Lá được thu hái ở những nơi sạch sẽ, không bị phun thuốc trừ sâu.
  • Rửa lá cây dưới vòi nước chảy cho thật sạch. Ngâm lá cây với nước muối loãng nhằm tiêu diệt ký sinh trùng.
  • Các loại lá cây dùng để tắm cho bé đều phải đun sôi, để nguội, lọc bỏ lá cây. Với lá kinh giới hay mướp đắng, mẹ có thể có thể giã hay xay nhuyễ, lọc lấy nước cốt và pha tắm cho bé.
  • Tắm sơ cho trẻ bằng nước ấm để loại bỏ bụi bẩn trên da trước khi tắm bằng nước lá. Cuối cùng làm sạch người trẻ bằng nước ấm để loại bỏ những bột lá còn sót lại trên tóc, da.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top