✴️ Thuốc hóa đàm chí khái bình suyễn (P1)

Nội dung

ĐẠI CƯƠNG

Định nghĩa

Thuốc hoá đàm là những vị thuốc có tác dụng trừ đàm hoặc tiêu đàm.

Thuốc chỉ khái bình suyễn thuốc có tác dụng ức chế hoặc làm giảm ho, giảm khó thở. 

Phân loại

Thuốc hoá đàm chủ yếu điều trị các chứng đàm trong đó có hàn đàm, nhiệt đàm, táo đàm, thấp đàm. Căn cứ vào tính dược ôn táo và lương nhuận của thuốc mà phân thành hai nhóm:

Ôn hoá hàn đàm.                                                                          

Thanh hoá nhiệt đàm. 

Thuốc chỉ khái bình suyễn.

Chỉ định

Thuốc hóa đàm: 

Nếu đàm trệ ở phế sẽ gây ho, nhiều đàm.

Đàm bít tâm khiếu sẽ gây hôn mê, co giật; đàm bít ở thanh dương sẽ gây chóng mặt can phong nội động. 

Đàm trệ kinh lạc: chi thể tê buốt, bán thân bất toại, khẩu nhãn oa tà...

Thuốc chỉ khái bình suyễn: bệnh ngoại cảm, nội thương gây ra ho, khó thở.

Chú ý

Vì ho suyễn thường kiêm có đàm và đàm rất dễ phát sinh ho suyễn, cho nên 3 loại hóa đàm, chỉ khái, bình xuyễn thường dùng phối hợp với nhau. Nếu ngoại cảm gây nên bệnh thì dùng cùng với thuốc giải biểu, hỏa nhiệt gây bệnh thì dùng cùng với thuốc thanh nhiệt, lý hàn gây bệnh thì dùng cùng với thuốc ôn lý tán hàn. Ngoài ra nếu chóng mặt co giật hôn mê thường dùng với thuốc trừ phong, bình can, khai khiếu, an thần. Nếu có chứng loa lịch, hàn đàm thường dùng với thuốc nhuyễn kiên tán tán kết.

Một số thuốc ôn táo hoá đàm có tác dụng rất mạnh cho nên những chứng ho khạc đàm lẫn máu, có xu hướng chảy máu thì phải rất thận trọng khi dùng.

 

THUỐC HOÁ ĐÀM

Thuốc ôn hoá hàn đàm tính dược ôn táo có tác dụng ôn phế trừ đàm, táo thấp hoá đàm. Chủ yếu điều trị các chứng hàn đàm, thấp đàm, ví như ho xuyễn, đàm  màu trắng, rêu lưỡi nhợt, hoa mắt chóng mặt, chi thể tê buốt.....

Thuốc thanh hoá nhiệt đàm tính dược mát lạnh, có tác dụng thanh nhiệt hoá đàm, thuốc có tính nhuận sẽ kiêm có tác dụng nhuận táo; thuốc có vị mặn sẽ kiêm có tác dụng nhuyễn kiên tán kết. Tác dụng chủ yếu để điều trị các chứng nhiệt đàm, gây ho khó thở, đờm vàng dính, khó khạc, lưỡi khô ráo. Ngoài ra còn dùng để đều trị chứng đàm nhiệt hoá hoả gây ra trúng phong co giật, co quắp chân tay, loa lịch.....

Trong khi dùng thuốc hoá đàm, phải phân biệt rõ nguyên nhân sinh đàm để mà điều trị “Tỳ vỵ sinh đàm chi nguyên”, tỳ hư làm tân dịch không vận hoá, tụ thấp thành đàm nên khi điều trị thường phải phối hợp với thuốc kiện tỳ táo thấp, để  tiêu bản kiêm thi. Vì đàm dễ làm trở trệ khí cơ, “Khí trệ tắc đàm ngưng, khí hành tắc đàm tiêu” nên thường phối hợp với thuốc lý khí để tăng cường tác dụng tiêu đàm.

Bán hạ

Bán hạ (Rhizoma Pinelliae) là thân rễ chọn củ nhỏ của cây bán hạ  Pinellia ternata (Thumb.) Breit, thuộc họ ráy Araceae.

Tính vị: cay, ấm, có độc. Qui kinh tỳ, vị, phế.

Tác dụng: táo thấp hoá đàm, giáng nghịch chỉ ẩm, tiêu bĩ tán kết, dùng ngoài để tiêu sưng nề, giảm đau.

Chỉ định: 

Điều trị đàm thấp trở trệ gây ho, khí nghịch, đàm nhiều mà đặc, thường dùng cùng với trần bì như bài nhị trần thang. Điều trị đàm thấp gây chóng mặt thường dùng cùng với thiên ma, bạch truật như bài bán hạ bạch truật thiên ma thang.

Điều trị vị khí thượng nghịch gây nôn, thường dùng cùng với sinh khương như bài tiểu bán hạ thang. Điều trị vị nhiệt gây nôn thì dùng cùng với  thạch hộc, mạch môn... nếu phụ nữ có thai mà gây nôn, tuy có thuyết cho là cấm kỵ dùng, nhưng cũng có thể dùng cùng với các thuốc phù chính an thai. Gần đây đã chế thành dịch tiêm để chữa các loại buồn nôn.

Điều trị các chứng ngực bụng đầy chướng, thấp nhiệt trở trệ thường phối hợp với can khương, hoàng liên, hoàng cầm để khai bĩ tán kết như bài bán hạ tả tâm thang. Điều trị chứng đàm nhiệt kết hung thường phối hợp với qua lâu, hoàng liên như bài tiểu hãm hung thang. Điều trị chứng mai hạch khí, khí uất đàm ngưng thường dùng cùng với tử tô, hậu phác, phục linh để hoá đàm tán kết như bài bán hạ hậu phác thang.

Gần đây trên lâm sàng còn dùng bán hạ ở dạng tươi nghiền bột dùng ngoài để điều trị các trường hợp viêm loét cổ tử cung cũng đạt hiệu quả tốt, có thể phối hợp với thiên nam tinh nghiền bột làm hoàn để điều trị cơn đau thắt ngực, có tác dụng cải thiện sóng ST - T trên điện tim, có thể phối hợp với xương bồ nghiện bột nhỏ vào mũi để điều trị nhịp nhanh trên thất.....

Liều dùng: 3 - 10g. Phải chế trước khi dùng.

Chú ý: thận trọng dùng khi huyết hư, âm hư.....

Tác dụng dược lý: có tác dụng trấn tĩnh các trung khu gây ho, làm giãn khí quản, giảm tiết ở khí quản do đó có tác dụng tiêu đàm. Trên thỏ thực nghiệm thấy có tác dụng giảm áp lực nội nhãn.

Thiên nam tinh

Thiên nam tinh (Rhizoma Arsaematis) là thân rễ của cây thiên nam tinh Arisaema erubescens (Wall) Schott, thuộc họ ráy Araceae. Một số sách cho rằng thiên nam tinh là cũng dùng thân rễ nhưng chọn củ to của cây bán hạ Pinellia ternata (Thumb.) Breit, thuộc họ ráy Araceae.

Tính vị: đắng, cay, ấm. Có độc. Qui kinh phế, can, tỳ.

Tác dụng: táo thấp hoá đàm, khứ phong giải kinh, dùng ngoài để tiêu thũng chỉ thống.

Chỉ định: 

Điều trị các chứng hen xuyễn tức ngực thường dùng cùng với bán hạ chỉ thực như bài đạo đàm thang; nếu thuộc về nhiệt đàm thì phối hợp hoàng cầm, qua lâu.

Điều trị chứng phong đàm gây chóng mặt thường phối hợp với bán hạ thiên ma. Điều trị phong đàm trở trệ kinh mạch gây bán thân bất toại, liệt mặt thường dùng cùng với bán hạ, xuyên ô, bạch phụ tử như bài thanh châu bạch hoàn tử. Điều trị phá thương phong gây co giật, đờm dãi nhiều thương phối hợp với bạch phụ tử, thiên ma, phòng phong như bài ngọc chân tán.

Điều trị các chứng do côn trùng cắn, rắn cắn có thể phối hợp hùng hoàng để dùng ngoài.

Gần đây còn dùng thiên nam tinh uống để điều trị các khối u nhất là khối u cổ tử cung đạt hiệu quả nhất định.

Liều dùng: 3 - 10g.

Chú ý: cấm dùng khi phụ nữ có thai, âm hư táo đàm.

Tác dụng dược lý: có tác dụng tiêu đàm, chống co giật, trấn tĩnh, giảm đau.

Trên chuột thực nghiệm thấy có tác dụng ức chế tế bào ung thư.

Bạch giới tử: hạt cây cải canh

Bạch giới tử (Semen Sinapis) là hạt quả chín phơi khô của cây giới tử Sinapis alba L, thuộc họ chữ thập Cruciferae.

Tính vị quy kinh: cay, ấm. Qui kinh phế, vị.

Tác dụng: ôn phế hoá đàm, lợi khí tán kết.

Chỉ định: 

Điều trị hàn đàm trệ tắc ở phế, hen xuyễn đàm nhiều thường dùng cùng với tô tử, lai phục tử như bài tam tử dưỡng tân thang; nếu thiên về hàn có thể phối hợp tế tân, cam toại, xạ hương tán bột pha uống hoặc dùng dán lên huyệt phế du, cao hoang. Gần đây dùng dịch tiêm bạch giới tử 10% thủy châm vào huyệt phế du, định xuyễn để điều trị hen xuyễn.

Điều trị các chứng đàm trở trệ ở kinh lạc cơ khớp, thường dùng cùng với lộc giác giao, nhục quế, thục địa để ôn dương thông trệ, tiêu đàm tán kết như bài dương hoà thang. Điều trị chứng đàm thấp trở trệ kinh lạc gây tê chân tay hoặc sưng đau các khớp thường dùng cùng với mã tiền tử, một dược như bài bạch giới tử tán.  - Liều dùng: 3 - 6g.

Chú ý: cấm dùng trong trường hợp viêm loét dạ dày tá tràng, xuất huyết, kích ứng ngoài da. Không nên dùng liều cao vì dễ gây nên viêm đường tiêu hoá, gây đau bụng ỉa chảy.

Bạch tiền

Bạch tiền (Rhizoma Cynanchi stauntonii) là thân rễ phơi khô của cây bạch tiền Cynanchum stauntonii (Decne.) Schltr. ex Levl, thuộc họ thiên lý Asclepiadaceae.

Tính vị: cay, đắng, hơi ấm. Qui kinh phế.

Tác dụng: giáng khí hoá đàm.

Chỉ dịnh: điều trị ho đờm nhiều, tức ngực, khó thở, không cần phân biệt thuộc về hàn hay thuộc về nhiệt đều có thể dùng được, thường phối hợp với bán hạ, tử uyển. Điều trị ngoại cảm phong hàn gây ho thường dùng cùng với kinh giới, cát cánh như bài chỉ thấu tán. Điều trị nội thương phế nhiệt gây ho thì dùng với tang bạch bì, đình lịch tử như bài bạch tiền hoàn. Điều trị ho suyễn có phù thũng, sưng đau họng thì phối hợp với tử uyển, bán hạ, đại kích như bài bạch tiền thang.

Liều dùng: 3 - 10g.

Cát cánh

Cát cánh (Radis Platycodi) là rễ phơi khô của cây cát cánh Platycodon grandiflolum (Jaoq.) A.DC, thuộc họ hoa chuông Campanulaceae.

Tính vị: đắng, cay, bình. Quy kinh phế.

Tác dụng: tuyên phế khứ đàm, lợi yết bài nùng.

Chỉ định:

Điều trị ho do phong hàn, thường phối hợp với tử tô, hạnh nhân như bài hạnh tô tán. Nếu do phong nhiệt, thường dùng cùng với tang diệp, cúc hoa, hạnh nhân như bài tang cúc ẩm. Nếu trong ngực cảm thấy tức đầy, đàm trở khí trệ, mất khả năng thăng giáng thường dùng cùng với chỉ thực để thăng giáng khí cơ, lý khí khoan hung.

Điều trị sưng đau hầu họng, mất tiếng thường dùng cùng với cam thảo, ngưu bàng tử như bài cát cánh thang, hoặc gia vị cam cát thang. Nếu sưng họng, kèm theo sốt cao thường dùng cùng với xạ can, bản lam căn.

Điều trị viêm phổi, ho nhiều, đàm đặc thường dùng cùng với cam thảo như bài cát cánh thang, trên lâm sàng hay phối hợp với ngư tinh thảo, đông qua nhân để tăng cường khả năng thanh phế bài nùng.

Ngoài ra còn dùng để tuyên thông phế khí mà thông nhị tiện.

Liều dùng: 3 -10g.

Chú ý: không nên dùng trong khí cơ thượng nghịch, buồn nôn, chóng mặt, âm hư hoả vượng. Khi dùng liều cao có thể gây nôn.

Tác dụng dược lý: tăng tiết dịch khí quản, làm lỏng đàm để tăng cường bài tiết ra ngoài; kháng viêm; ức chế tiết dịch dạ dầy và chống loét; giảm co thắt, giảm đau, chấn tĩnh, giảm đường máu...

 

XEM TIẾP

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top