✴️ Vị thuốc Gai Chống

Nội dung

Tên tiếng Việt: Gai chống, Tật lê, Quỷ kiến sầu, Bạch tật lê, Gai ma vương, Gai cầu

Tên khoa họcTribulus terrestris L.

Họ: Zygophyllaceae (Gai chống)

Công dụng: Thuốc bổ, kích dục, cầm máu, bổ thận, lợi tiểu, thông máu, lợi sữa. Chữa đau mắt, đau lưng (phụ nữ có thai không được dùng),nhọt vú, chảy máu cam, kiết lỵ ra máu, viêm họng, mụn lở (Quả).

1. Mô tả:

Cây thảo, sống hàng năm hoặc hai năm, mọc bò lan. Thân cành mảnh. Lá kép lông chim, mọc đối hoặc gần đối, có 5 – 7 đôi lá chét bằng nhau, hình bầu dục, gốc thuôn đầu tròn, mặt trên nhẵn, mặt dưới phủ lông trắng. Hoa mọc riêng lẻ ở kẽ lá, màu vàng, cuống hoa dài, có lông cứng, đài 5 răng rời hoặc dính nhau ở gốc, tràng 5 cánh mỏng, sớm rụng, nhị 10, chỉ nhị hình chỉ, bầu hình chóp, thường có 5 lá noãn.

Quả có 5 cạnh, có gai nhọn và lông dày.

Mùa hoa quả: tháng 5 – 8.

2. Phân bố, sinh thái:

Chi Tribulus L có 2 loài ở Việt Nam là T. terrestris L. (gai chống) và T. cistoides L. Trên thế giới, loài gai chống phân bố rải rác ở khắp các vùng nhiệt đới châu Á, châu Phi và cả vùng ôn đới ấm của châu Âu. Ở Việt Nam, gai chống chỉ gặp ở vùng ven biển, từ tỉnh Quảng Bình trở vào, nhiều nhất ở các tỉnh Phú Yên, Khánh Hoà, Bình Thuận, Ninh Thuận.

Cây ưa sáng, chịu được khô hạn, thường mọc thành đám nhỏ trên bãi cát ven biển. Cây con mọc từ hạt xuất hiện vào đầu mùa mưa (khoảng tháng 5 – 6). Sinh trưởng phát triển nhanh, bò lan trên mặt đất. Sau khi mùa hoa quả kết thúc, cây cũng tự tàn lụi vào đầu mùa khô( khoảng cuối năm). Quả gai chống khi chín, tự mở để hạt thoát ra ngoài. Hạt nằm lẫn trong cát suốt mùa khô vẫn còn khả năng nảy mầm tốt.

3. Bộ phận dùng:

Quả chín đã phơi hay sấy khô.

4. Thành phần hóa học:

  • Gai chống chứa nhiều saponin sterolic trong đó genin là diosgenin, ruscogenin, gitogenin, spirosta, clorogenin, hecogenin, neotigogenin.
  • Theo Tosun Fatma và cs, 1991, hàm lượng diosgenin có trong rễ, thân, lá, và quả là 0,13%, 0,78%, 0,12%.
  • Ngoài ra, gai chống chứa β – sitosterol, stigmasterol, kaempferol, kaempferol -3-glucosid, tribulosid..các alcaloid harmin, norharmin, tinh dầu, dầu béo.
  • Theo Cai Lifeng và cs ,1999, quả chứa glucopyranosyl, furostan, galactopyranosid.
  • Theo Jian Xin Li và cs, 1998, quả có 5 chất thuộc  nhóm lignanamid là tribulusamid A, tribulusamid B, N- transferuloyltyramin, terestriamid và N- trans- coumaroyl- tyramin, và β –sitosterol.

5. Tác dụng dược lý:

Cao chiết lạnh với cồn 50o của toàn cây gai chống có tác dụng gây co mi mắt thứ ba của mèo invivo và co hồi tràng cô lập chuột lang. Cao gai chống trong thử nghiệm với phương pháp gây đau do nhiệt, đã biểu lộ các hoạt tính giảm đau rõ rệt. Viên nén Albana là một chế phẩm chữa bệnh tim của Ấn Độ, được bào chế từ nhiều dược liệu trong đó có gai chống và nhiều dược liệu khác. Đã thử nghiệm cho chuột cống trắng uống thuốc này trong 30 ngày, thuốc làm giảm lipid máu có ý nghĩa. Nồng độ những thành phần betalipoprotein và apoprotein trong huyết thanh giảm có ý nghĩa, nồng độ lipoprotein tỷ trọng thấp giảm nhiều hơn so với lipoprotein tỷ trọng rất thấp. Đồng thời, nồng độ lipoprotein tỷ trọng cao trong huyết thanh hơi tăng lên. Sự giảm các thành phần lipid trong huyết thanh và gan kèm theo giảm nông độ acid béo tự do trong huyết thanh và giảm hoạt tính của enzym phân huỷ mỡ ở gan. Thuốc gây ức chế rõ rệt sinh tổng hợp cholesterol ở gan và tăng thải trừ acid mật trong phân. Như vậy đã giải thích cơ chế tác dụng của Albana dùng làm thuốc bảo vệ tim và ha lipid máu.

Một thuốc thảo mộc của Ấn Độ dùng trong y học cổ truyền gồm nhiều thành phần trong có gai chống, đây thần thông, cỏ nhọ nồi, nhục đậu khấu và 3 dược liệu khác, được thử nghiệm trên lâm sàng… đã có hiệu quả điều trị tốt trên 30 bệnh nhân có sỏi bàng quang. Sỏi được tống ra ngoài qua nước tiểu dưới dạng tinh thể calci carbonat hoặc calci oxalat trong vòng 15 – 30 ngày. Những triệu chứng khác kết hợp với sỏi cũng giảm bớt .

6. Tính vị, công năng:

Gai chống có vị đắng để sống có tính bình, sao có linh âm, vào 2 kinh can và phế. Có tác dụng bình can, tán phong, thông huyết, trừ thấp, tả phế, sáng mắt, cường dương, giải độc.

7. Công dụng:

Quả gai chống có tác dụng chữa đau mắt đỏ, mắt ngứa, nước mắt ra nhiều, nhức đầu, đau cổ họng, phụ nữ sưng vú, tắc sữa, khí kết hoặc huyết kết trong bụng, phong ngứa. Ngoài ra còn dùng làm thuốc bổ thận, trị đau lưng, tinh dịch không bền (chóng xuất tinh),gầy yếu, chảy máu cam, lỵ, dùng sức miệng chữa loét miệng. Ngày dùng 12 – 16g dạng thuốc sắc hay thuốc bột. Để chữa đau mắt, cho gai chống vào nước đun sôi, rót ra chén, rồi hứng mắt vào hơi nước. Những người huyết hư khí yếu không dùng được.

Ở Ấn Độ, quả gai chống được coi là có tác dụng lợi tiểu và bổ, và dùng điều trị các bệnh sỏi và đái đau.Tác dụng lợi tiểu của gai chống được quy cho lượng chứa Kali clorid trong quả và phân đoạn alcaloid trong hạt. Phân đoạn alcaloid có tác dụng lợi tiểu yếu ở bệnh nhân có cổ trướng và phù. Lá được coi la có tác dụng bổ dạ dày. Một bột nhão từ lá được dùng điều trị sỏi bàng quang. Rễ có tác dụng nhuận tràng và bổ. Gai chống có trong thành phần 2 bài thuốc cổ truyền Ấn Độ để chữa nhiều bệnh. Quả gai chống còn được dùng làm thuốc tăng trương lực tử cung, rễ gai chống phơi khô, tán bột, ngày uống 30g, chia 3 lần, trong ít nhất 1 tuần để trị bệnh lậu. Quả gai chống có trong thành phần 5 bài thuốc sắc cổ truyền Ấn Độ dùng trị sỏi thận, cùng với gừng và một số dược liệu khác, và có trong công thức một bài thuốc khác chữa bệnh về tim.

Bài thuốc có gai chống:

  • Chữa đau mắt lâu ngày, nhức mắt, hay chảy nước mắt, thị lực giảm sút:

a. Quả gai chống phơi khô trong râm, tán bột, ngày uống 8g, chia 2 lần sau bữa ăn. Uống liên tục trong thời gian dài (Nam dược thần hiệu),

b. Quả gai chống, hoa kim cúc, hạt thảo quyết minh (sao vàng), mỗi vị 10g, giã nát, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm 2 lần trong ngày.

  • Chữa loét mồm, viêm họng đỏ, mụn lở, sưng lợi, viêm chân răng có mủ

a. Quả gai chống tán bột 20 – 30g, nấu với 3 lần nước, cô thành cao, trộn với ít mật ong, bôi ngày nhiều lần.

b. Quả gai chống, ngũ bội tử, mộc tặc, hắc phàn, khô phàn, tế tân, sinh địa, nhục quế, mỗi vị 20g, hoàng bá, thanh phàn, mỗi vị 4g. Tất cả phơi khô, tán thành bột min. Lấy ít bột xát vào chỗ viêm loét, để trong 5 – 10 phút, rồi súc miệng. Ngày làm vài lần.

  • Chữa kinh nguyệt không đều, thấy kinh đau bụng:

Quả gai chống, đương quy, mỗi vị 12g. Sắc uống làm 2 lần trong ngày.

  • Chữa thận hư tiết tinh, di tinh, hoạt tinh (chống xuất tinh), liệt dương:

Quả gai chống 16g, kỷ tử, củ súng, hạt sen, nhị sen, thỏ ty tử, quả ngấy hương, ba kích, quả kim anh (bỏ ruột), mỗi vị 12g. Sắc uống.

  • Chữa trẻ em đái dầm(cố phù thang gia giảm):

Quả gai chống 8g, hoàng kỳ 12g, đương quy, bạch thược, phục linh, sơn thù, thăng ma, tang phiêu tiêu, ích mẫu, ích trí nhân, mỗi vị 8g. Sắc uống ngày 1 thang.

  • Chữa suy suy nhược thần kinh (Lý khí giải uất thang):

Quả gai chống 8g, phục linh 12g, hương phụ, uất kim, chỉ xác, mỗi vị 8g. Sắc uống ngày 1 thang.

  • Chữa di chứng ta biến mạch máu não:

Quả gai chống 12g, câu đằng, hy thiêm, mỗi vị 16g, thiên ma, cương tàm, ngô đồng, mỗi vị 12g, địa long 10g, nam tinh 8g. Sắc uống ngày 1 thang.

  • Chữa khí hư (Nội bỏ hoàn):

Quả gai chống 8g, thỏ ty từ 12g, phụ tử chế, tử uyển, hoàng kỳ, liên nhục, kim anh, khiếm thực, mỗi vị 8g, nhục quế 4g, lộc nhung 2g.

  • Chữa chàm (Tứ vật tiểu phong ẩm gia giảm):

Quả gai chống 8g: thục địa, sinh địa, kinh giới, mỗi vị 16g, đương quy, bạch thược, thương truật, phòng phong, mỗi vị 12g, khổ sâm, thuyền thoái, bạch tiên bì, mỗi vị 8g.

  • Chữa lở ngứa ngoài da:

Quả gai chống, thổ phục linh, mỗi vị 12g, kinh giới, ké đầu ngựa, mỗi vị 8g, ý dĩ 6g. Sắc uống làm 2 lần trong ngày.

  • Chữa viêm da thần kinh (Địa hoàng ẩm tử gia giảm):

Quả gai chống 12g, hà thủ ô, sinh địa, mỗi vị 16g: đương quy, huyền sâm, kinh giới, mỗi vị 12g, cương tàm 8g, toàn yết 6g. Sắc uống 2 lần trong ngày.

 

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top