✴️ Vị thuốc Hương diệp

Tên tiếng Việt: Lá thơm, Giêranium, Hương diệp

Tên khoa họcPelargonium roseum Willd.

Họ: Mỏ hạc (Geraniaceae)

Công dụng: Chủ yếu người ta trồng cây này để cất tinh dầu dùng trong công nghiệp nước hoa và chất thơm. Về mặt làm thuốc tinh dầu hương diệp thường dùng làm thuốc sát trùng......

A. Mô tả cây 

  • Cây bụi nhỏ, cao tới 1m, nhiều cành, phía dưới thân thành gỗ. Lá có cuống dài, phiến lá hình tròn khía sâu thành 5 thùy hình chân vịt. Hoa nhỏ màu hồng với 5 lá dài và cánh tràng. Rất ít hoa. Thường quả khó đậu cho nên thường phát triển bằng cách dâm cành. 
  • Ngoài cây Pelargonium roseum nói ở đây người ta còn trồng những loại Pelargonium odoratissimum Willd., P. capitatum Ait. Theo sự nghiên cứu của Holme thì những nhà sản xuất thường giữ bí mật những loài giống tốt 

B. Phân bố, thu hái và chế biến 

  • Như trên đã nói cây này vốn không có ở nước ta. Chúng ta mới đặt vấn đề di thực để có một loại cây tinh dầu cho tinh dầu có mùi hoa hồng dùng thay thế cho tinh dầu hoa hồng rất hiếm và đắt. Cây này vốn nguồn gốc ở nam châu Phi, được di thực vào châu Âu năm 1690, nhưng mãi đến năm 1819 mới phát hiện là một cây tinh dầu, năm 1847 được trồng ở Pháp (vùng Grasse là nơi trồng nhiều cây tinh dầu nổi tiếng của nước Pháp) và Angiêri, sau đó ở Tây Ban Nha, và vào năm 1880 ở đảo Rêuynion, rồi lan đi nhiều nước châu Âu. Tại Liên Xô cũ, mãi tới năm 1925 mới di thực cây này về trồng đầu tiên ở Giêocgi sau đó từ 1932 mới phát triển sang một nước cộng hoà khác thuộc Liên bang Xô Viết. Cây ưa những đất phù sa bón nhiều phân, trồng bằng dâm cành thường vào tháng 8. Đến tháng 3 và 4 thì cấy đi nơi khác. Khi thu hoạch người ta cắt thân sát đất, từ gốc lại nảy ra những ngọn mới. Tại đảo Rêuynion người ta thu hoạch một năm ba lần, mỗi hecta trồng 40.000 cây thu được 30.000 đến 40.000kg hoa một hecta, nhưng ở Pháp và Liên Xô cũ thì mỗi năm chỉ thu hoạch 1 lần. Thu hái vào buổi chiều vào những ngày khô ráo; nếu đêm trước khi thu hái bị trời lạnh thì năng xuất geraniola và xitronelloha sẽ giảm. Trên lá có rất nhiều long bài tiết chứa tinh dầu mùi thơm hoa hồng. Thu hoạch tại Liên Xô cũ là 57kg tinh dầu mỗi hecta. Người ta cũng thí nghiệm trồng cây này ở Ma rốc với 15.000 đến 25.000 gốc một hecta. Ở đây người ta thu hoạch ba lần vào các tháng 4, 5 và tháng 9.
  • Hằng năm thế giới sản xuất chừng 170 đến 200 tấn tinh dầu, đứng đầu là Pháp và những nước như Rêuynion, Mangat, Angiêri. 
  • Trước khi cây ra hoa người ta thu hoạch toàn cây và cất tinh dầu. Năng suất và chất lượng tinh dầu thay đổi tùy theo địa phương, cách chăm sóc và giống cây. 
  • Ví dụ cây hương diệp Pelargonium odoratissimum trồng ở vùng Grasse của Pháp thì năng suất là 0,10 đến 0,20% tinh dầu, cùng loài này trồng ở đảo Cocsơ (Pháp) thì năng suất chỉ được 0,125 đến 0,166%, tại đảo Rêuynion loài P. Capiotatum và loài P.Roseum cho 0,10 đến 0,15%. 
  • Trồng ở những vùng đất khô hàm lượng tinh dầu thấp hơn nhưng mùi thơm tế nhị hơn. Về phân bón thì người ta cho rằng supephotphat cho năng suất gấp hai, trái lại kali clorua và natri nitrat thì làm giảm năng suất. 

C. Thành phần hoá học 

  • Trong cây tươi có từ 0,10 đến 0,14% tinh dầu, nếu tính trên cây sau khi đã trừ độ ẩm thì hàm lượng từ 1 đến 3%. 
  • Tinh dầu hương diệp là một chất lỏng không màu hay xanh lục nhạt hoặc nâu nhạt, quay trái và có mùi thơm đặc biệt của hoa hồng. Tỷ trọng 0,90 đến 0,907, αD-6o, tan trong 2 hay 3 thể tích cồn 700. Nhưng tính chất này thay đổi tùy theo giống và khí hậu. 
  • Thành phần chủ yếu của tinh dầu là geraniola C10H20O kèm theo có một ít xitronellola. Những thành phần khác là linalola bocneola, tecpineola, ancol phenyletylic, mentola, ancol amylic v.v… Người ta cho rằng mùi hoa hồng của tinh dầu là do ancol phenyletylic mặc dầu hàm lượng chất này rất thấp trong tinh dầu. những chất khác không phải là ancol gồm sunfua dimetyl, I-pinen, menthon quay trái và xintrala. 
  • Thường người ta quy định hàm lượng ancol toàn phần trong tinh dầu (geraniola và xitronellola) từ 62 đến 71,5% và 14 đến 29% ête geranylic trong đó chủ yếu là ête tiglat geranyl đối với tinh dầu hương diệp của Angiêri (25 đến 31% ête toàn phần), chừng 7% các tecpen. 

D. Công dụng và liều dùng 

  • Chủ yếu người ta trồng cây này để cất tinh dầu dùng trong công nghiệp nước hoa và chất thơm. Tinh dầu hương diệp thuộc loại tinh dầu cao cấp, đắt tiền. 
  • Về mặt làm thuốc tinh dầu hương diệp thường dùng làm thuốc sát trùng (dùng riêng hay phối hợp với nhiều tinh dầu khác dưới dạng thuốc mỡ). Uống trong hơi có tác dụng hạ huyết áp. Tinh dầu còn có tính chất đuổi muỗi giống như tinh dầu sả.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top