A. Mô tả cây
- Nấm linh chi không phải một loại cỏ, mà là một loại nấm hoá gỗ có cuống dài hoặc ngắn, mũ nấm có dạng hình thận, có dạng hình tròn hay hình quạt. Cuống thường cấm không ở giữa mũ nấm mà cắm lệch sang một phía mũ. Hình trụ tròn hay dẹt có thể phân nhánh cuống và cuống có màu khác nhau tuỳ theo loài, loài đỏ thay đổi từ nâu đến đỏ vàng, đỏ cam, mặt trên bóng loáng như đánh vécni, trên mặt mũ có những vân đồng tâm.
- Thụ tầng màu trắng ngà, khi già ngả màu nâu vàng, mang nhiều lỗ nhỏ li ti là các ống thụ tầng mang bào tử. Bào tử loài xích chi hình trứng, được bao bọc bởi 2 lớp màng, màng ngoài nhẵn, không màu, màng trong màu gỉ sắt, lỗ nẩy mầm có hình gai nhọn.
- Toàn nấm gồm những sợi nấm không mầu, trong sáng, đường kính 1-3mm, có phân nhánh.
B. Phân bố, thu hái và chế biến
- Linh chi thường thấy mọc hoang dại ở các vùng núi cao lạnh ở một số tỉnh của Trung Quốc (Tứ Xuyên, Quảng Đông, Quảng Tây…)
- Gần đây, trên cơ sở những giống cây hoang dại người ta đã tổ chức trồng theo qui mô công nghiệp để đáp ứng nhu cầu dùng trong nước và xuất khẩu. Ngoài Trung Quốc, Nhật Bản cũng đã tiến hành trồng nhưng khí hậu không thuận tiện như Trung Quốc.
- Ở nước ta, một số cơ sở đã bắt đầu trồng nấm linh chi để dùng trong nước và xuất khẩu.
- Người ta thu hoạch nấm, phơi sấy khô rồi sử dụng bào chế các dạng bột, thuốc nước ngọt hay đông khô…
C. Thành phần hoá học
- Mặc dầu mới được đưa vào sử dụng rộng rãi ở Trung Quốc vào 20 năm gần đây, nhưng nhiều viện nghiên cứu thuộc các tỉnh khác nhau ở Trung Quốc đã nghiên cứu nhưng cũng chưa tìm được hoạt chất. Chúng tôi kê sau đây kết quả nghiên cứu của một số cơ sở:
- Viện nghiên cứu tỉnh Quảng Đông nghiên cứu thành phần hoá học của nấm linh chi mọc hoang dại thấy: Nước 12-13%, lignin 13-14%, hợp chất có N 1,6-2,1 %, hợp chất phenol 0,08-0,1%, tro 0,022%, xelluloza 54-56%, chất béo 1,9-2%, chất khử 4-5%, hợp chất steroit 0,14-0,16%. Có tài liệu cho biết trong nấm linh chi có 0,3-0,4 % ergosterol (C28H44O).
- Viện nghiên cứu kháng sinh Tứ Xuyên tìm thấy axit amin, protein, saponin, steroit.
- Học viện y học Bắc Kinh phát hiện đường khử và đường kép axit amin, dầu béo.
- Theo những công trình nghiên cứu mới nhất của Viện nghiên cứu linh chi hoang dại của toàn Trung Quốc thì trong hỗn hợp 6 loại linh chi có hàm lượng germanium cao hơn lượng germanium có trong nhân sâm từ 5 đến 8 lần. Germanium giúp khí huyết lưu thông, các tế bào hấp thu oxy tốt hơn. Lượng polysacarit cao có trong linh chi tăng cường sự miễn dịch của cơ thể, làm mạnh gan, cô lập và diệt các tế bào ung thư. Axit ganoderic có tác dụng chống dị ứng và chống viêm.
D. Công dụng và liều dùng
- Tính chất và tác dụng của nấm linh chi theo Thần nông bản thảo và Bản thảo cương mục như sau:
- Thanh chi tính bình, không độc chủ trị sáng mắt, bổ can khí, an thần, tăng trí nhớ, cường khí, chữa viêm gan cấp và mãn tính.
- Hồng chi (xích chi, đơn chi) vị đắng, tính bình, không độc, tăng trí nhớ, chữa các bệnh thuộc về huyết và thần kinh, tim.
- Hoàng chi (kim chi) vị ngọt, tính bình, không độc, làm mạnh hệ thống miễn dịch.
- Hắc chi (huyền chi) vị mặn, tính bình, không độc, chủ trị bí tiểu tiện, sỏi thận, bệnh ở cơ quan bài tiết.
- Bạch chi (ngọc chi) vị cay, tính bình, không độc, chủ trị hen, ích phế khí.
- Tử chi (linh chi tím) vị ngọt, tính ôn, không có độc, chủ trị đau nhức khớp xương, gân cốt.
- Cách và liều dùng đơn giản nhất là dùng toàn nấm linh chi đã phơi sấy khô, thái mỏng hoặc tán thành bột đun nước sôi kỹ (sôi 15-30 phút) lấy nước uống trong ngày. Liều dùng mỗi ngày 0,5g nấm linh chi. Nước sắc nấm linh chi có mùi thơm, vị hơi đắng, có thể thêm đường hay mật ong vào cho dễ uống.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh
facebook.com/BVNTP
youtube.com/bvntp