✴️ Vị thuốc Mạ mân

Nội dung

1. Thông tin khoa học:

  • Tên khoa học: Aganope balansae (Gagnep.) Phan Ke Loc
  • Tên khác: Cóc kèn Balansa
  • Họ: Đậu (Fabaceae)

2. Hình thái:

Cây gỗ nhỏ, cao tới 8m, thân to 15cm, nhánh non không lông. Lá to, lá chét xoan rộng, dài đến 16cm, rộng 8cm, không lông, gân bên 5-6 đôi, cuống phụ đến 1cm. Chùy hoa ở nách lá. Quả dẹp dài đến 10cm, rộng 4cm, có 2 cánh rộng đến 8mm, mài nâu đỏ, hạt 1-2.

3. Phân bố:

Vùng đông bắc Việt Nam.

4. Bộ phận dùng: 

Gỗ thân, rễ – Lignum et. Radix Aganopes.

5. Thành phần hoạt chất:

Thân cây có 5 nhóm dược chất: alcaloid, flavonoid, acid hữu cơ, tanin, polysacarid, đường. Ở rễ cây có thêm saponin và flavonoid.

6. Công dụng: 

Bảo vệ gan, chống viêm, lợi mật.

Công dụng

7. Minh chứng – nghiên cứu khoa học của mạ mân:

  • PGS. TS Nguyễn Duy Thuần, Viện trưởng viện nghiên cứu y dược cổ truyền Tuệ Tĩnh, cho biết: Từ đầu những năm 1980, bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn đã dùng nước sắc thân và rễ cây Mạ mân để điều trị cho các bệnh nhân bị viêm gan, vàng da và các hội chứng khác liên quan đến bệnh gan, mật, dựa trên cơ sở chương trình bảo tồn và kế thừa các cây thuốc bài thuốc dân gian của Bộ Y tế; theo thông tin của một số cựu cán bộ của Bệnh viện thì đây là cây thuốc do một số lương Y người Tày – Nùng cống hiến. Mặc dù thực tế điều trị rất hiệu quả đối với viêm gan, vàng da, cổ trướng nhưng vì chưa có các nghiên cứu chứng minh nên chưa được công bố rộng rãi.
  • Thấy rõ hiệu quả của thuốc, năm 1986, Trạm nghiên cứu Dược liệu tỉnh Lạng Sơn đã nghiên cứu thuốc dưới dạng cao lỏng để điều trị…. Việc nghiên cứu này đã giúp cho nhiều người có cơ hội được tiếp cận với loại dược liệu quý này, tuy nhiên thuốc vẫn chỉ được sử dụng trong phạm vi hẹp, được nhiều lương y và các thày thuốc biết đến và khai thác sử dụng .
  • Theo thông tin của Viện Dược liệu, Bộ Y tế, năm 1987 nhóm nghiên cứu của Viện Dược liệu (DS. Phạm Duy Mai và CS – Phòng Dược lý Sinh hoá) đã kết hợp với trạm nghiên cứu Dược liệu tỉnh Lạng Sơn nghiên cứu một số tác dụng chống viêm gan trên in vitro cho kết quả tốt, đặc biệt đã thử độc tính của dịch chiết nước thân và rễ cây Mạ mân và kết luận dược liệu không có độc tính, tuy nhiên các nghiên cứu cũng chỉ mới là bước đầu và cũng không được công bố.
  • Cho đến năm 2003, trong quá trình thực hiện dự án cấp Bộ Y tế “Bảo tồn và phát triển các cây thuốc cổ truyền”, Nhóm nghiên cứu do PGS. TS. Nguyễn Duy Thuần làm chủ nhiệm Dự án đã đánh giá Mạ mân là cây thuốc có tiềm năng và cần thiết phải có nghiên cứu một cách cơ bản.
  • Cho đến năm 2006 Nghiên cứu sinh Trần Quốc Toản dưới sự hướng dẫn khoa học của PGS. TS Nguyễn Duy Thuần đã thực hiện và bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ (năm 2012) với đề tài nghiên cứu: “Nghiên cứu thành phần hoá học và một số tác dụng dược lý của cây Mạ mân (Aganope balansae (Gagnep.) Phan Ke Loc, Fabaceae)”

Kết quả nghiên cứu đã có nhiều kết luận rất đáng quan tâm:

  • Đã xác định được trong rễ và thân cây đều có 7 nhóm chất: Alcoloid, Acid hữu cơ, Flavonoid, Tanin, Đường, Tinh dầu và Polysaccharid.
  • Trong lá cây có 4 nhóm chất: Acid hữu cơ, Tanin, Tinh dầu và Polysaccharid.
  • Đặc biệt trong thân và rễ cây mạ mân có nhiều hợp chất quý đã được chiết xuất và phân lập thuộc nhóm glycosphingolipid và dẫn chất của Chalcone
  • Đã nghiên cứu chứng minh thân rễ mạ mân có tác dụng bảo vệ gan, chống viêm và lợi mật rất tốt trên thực nghiệm, sử dụng rất an toàn…

Đây là các nghiên cứu bước đầu rất quan trọng chứng minh kinh nghiệm sử dụng của đồng bào dân tộc làm thuốc chống viêm gan, chữa các bệnh về gan là có cơ sở khoa học. Đây là cây thuốc có tiềm năng để nghiên cứu ra các sản phẩm điều trị hoặc hỗ trợ điều trị một số chứng bệnh liên quan đến gan, mật.

Nghiên cứu tác dụng dược lý trên gan của cây Mạ mân

  • Nghiên cứu thành phần hoá học và một số tác dụng dược lý của cây mạ mân Aganope balansae (Sagnep.) Phan Ke Loc, Fabaceae của ThS. Trần Quốc Toản.
  • Tác dụng bảo vệ gan: Đã chứng minh hai dạng bào chế từ rễ cây Mạ mân là saponin toàn phần liều 33mg/kg và 66mg/kg, Cao nước liều 165mg/kg và 330mg/kg đều có tác dụng bảo vệ gan trên mô hình gây viêm gan bằng paracetamol liều cao ở chuột nhắt trắng.
  • Tác dụng chống viêm: Đã xác định hai dạng bào chế từ rễ cây Mạ mân là Saponin toàn phần liều 20mg/kg và 40 mg/kg, Cao nước liều 100mg/kg và 200mg/kg đều có tác dụng chống viêm cấp và tác dụng chống viêm mạn trên chuột cống trắng. Tác dụng này góp phần vào cơ chế bảo vệ gan khi gan bị tổn thương viêm hoặc nhiễm độc.
  • Tác dụng lợi mật: Đã chứng minh hai dạng bào chế từ rễ cây Mạ mân là Saponin toàn phần liều 33mg/kg và 66mg/kg, Cao nước liều 165mg/kg và 330mg/kg đều có tác dụng lợi mật trên chuột nhắt trắng.
  • Các tác giả Trần Quốc Toản, Vũ Thị Ngọc Thanh, Hoàng Thái Hoa Cương, Nguyễn Duy Thuần đã công bố kết quả nghiên cứu tác dụng bảo vệ gan của rễ cây mạ mân trên Tạp chí dược học số 396-tháng 4/2009.  Kết quả cao nước cả hai liều 330mg/kg và 165mg/kg, cắn n – butanol cả hai liều 66mg/kg và 33mg/kg chiết xuất từ rễ cây mạ mân đều có tác dụng bảo vệ gan trên mô hình gây tổn thương gan cấp bằng paracetamol trên chuột nhắt trắng.
  • Cao nước liều 165mg/kg và cắn n – butanol liều 33mg/kg thể hiện tác dụng bảo vệ gan tốt nhất, tác dụng tương đương nhau và làm giảm ALT mạnh hơn silymarin 67mg/kg.
  • Kết quả nghiên cứu đã cho thấy cả hai dạng bào chế chiết xuất từ rễ Mạ mân- saponin toàn phần và Cao nước với 2 liều khác nhau đều có tác dụng chống viêm cấp, chống viêm mạn và tác dụng lợi mật. Cùng với tác dụng chống oxy hóa (thể hiện ở tác dụng làm giảm lượng MDA trong gan chuột), những tác dụng này đã góp phần vào cơ chế bảo vệ gan của các mẫu Saponin toàn phần và Cao nước chiết xuất từ rễ Mạ mân

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top